Học sinh theo cha mẹ về quê tránh dịch: Trường học sẵn sàng tiếp nhận

GD&TĐ - Thời gian qua, Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác đón hàng chục nghìn công nhân trở về từ các tỉnh phía Nam.

Chăm lo điều kiện tốt nhất cho học sinh về quê hương tránh dịch.
Chăm lo điều kiện tốt nhất cho học sinh về quê hương tránh dịch.

Nhiều học sinh theo gia đình “tránh dịch” bị mắc kẹt tại quê nhà. Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục địa phương đã chuẩn bị các phương án để bố trí đủ chỗ học cho những học sinh trên theo nhu cầu.

Nhiều phương án tiếp nhận

Yên Thành là một trong những địa phương đón số lượng công nhân trở về từ các tỉnh phía Nam nhiều nhất của tỉnh Nghệ An. Đi cùng bố mẹ về quê, có khoảng 200 trẻ em, trong đó có hơn 100 học sinh ở các bậc học.

Thầy Nguyễn Văn Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành (huyện Yên Thành) - cho biết: Có 8 học sinh trở về từ miền Nam được phụ huynh xin học tại trường vào năm học tới. Trong đó, 3 cháu vào lớp 1, các cháu khác rải rác ở khối 2 – 3 – 5.

“Thời điểm này, trường đang là điểm cách ly tập trung cho hơn 100 người dân từ miền Nam trở về. Xã Long Thành cũng đang thực hiện Chỉ thị 16, vì vậy khả năng sẽ không tựu trường và khai giảng trực tiếp được. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến như năm học trước. Với học sinh từ miền Nam trở về, nếu các em có nhu cầu học trực tuyến ngay từ đầu, phụ huynh có thể đăng ký. Còn nếu muốn đợi nhập học trực tiếp, khi nào dịch bệnh được kiểm soát, trường học hoạt động trở lại, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”, thầy Hải nói.

Dịp hè, anh Nguyễn Văn Lành làm công nhân ở Đồng Nai gửi bé Nguyễn Võ Anh Khôi (SN 2015) về thăm ông bà ở xóm Vân Tây, xã Nhân Thành, Yên Thành. Khi dịch bệnh bùng phát, Khôi “mắc kẹt” ở quê nên được bố mẹ xin cho theo học tại quê nhà. Anh Lành chia sẻ: Cho con học ở quê với bạn bè mới, trường lớp hoàn toàn mới sẽ khó khăn. Nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đảm bảo an toàn là trên hết. Hơn nữa, trường học ở quê cũng có chất lượng tốt, và anh hi vọng con sẽ thích ứng nhanh.

Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành - cho biết: Phòng đã giao cho các trường thông tin rộng rãi về việc sẵn sàng tiếp nhận học sinh là con em người dân trở về từ các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là toàn huyện đang thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó có 7/39 xã áp dụng Chỉ thị 16 cao hơn 1 mức – tức là người dân ai ở đâu, ở yên đó, không ra đường. Có tới 72/110 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung do trên địa bàn bùng phát dịch Covid-19. Vì vậy, các trường chưa được trả cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới. Tất cả mọi hoạt động đang tiến hành bằng hình thức online.

Trước thực tế này, phòng chỉ đạo các trường linh hoạt trong việc tiếp nhận học sinh bằng hình thức online hoặc qua tin nhắn, điện thoại. Đảm bảo học sinh có nhu cầu sẽ được sắp xếp, bố trí vào các lớp học phù hợp. Tuyên truyền, phổ biến về việc học online để trong trường hợp “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Học sinh khối lớp 1 Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong buổi tựu trường năm học 2021 - 2022.
Học sinh khối lớp 1 Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong buổi tựu trường năm học 2021 - 2022.

Đón tất cả học sinh có nhu cầu

Ghi nhận của Báo GD&TĐ, tại Trường Tiểu học Minh Khai I, TP Thanh Hóa, tính đến thời điểm này có hơn 10 HS thường trú tại Hà Nội, xin đăng ký vào học, do chưa quay về vì đang giãn cách xã hội.

Cô Đào Thị Yên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai I (TP Thanh Hóa) - cho biết: Ngày 23/8, học sinh khối lớp 1 đã tựu trường, nhưng mới có 1 cháu xin vào học tạm vì chưa quay về Hà Nội được.

“Đến ngày 1/9, khi tất cả học sinh các khối tựu trường, nhà trường mới thống kê chính xác số HS xin học tạm. Với tinh thần chia sẻ khó khăn do dịch bệnh, ban giám hiệu nhà trường thống nhất, sẽ đón nhận tất cả HS có nhu cầu xin học tạm.

Trước mắt, nhà trường sẽ sắp xếp cho các con vào học chung với các bạn cùng khối lớp. Sau đó, nếu do điều kiện dịch bệnh vẫn kéo dài, các con không thể quay về trường cũ, mà phụ huynh có nhu cầu cho con học lâu dài, nhà trường sẽ yêu cầu phụ huynh làm hồ sơ chuyển trường cho con”, cô Yên cho biết.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai I (TP Thanh Hóa), nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những HS thuộc diện chưa kịp quay trở về trường học cũ do dịch bệnh, miễn là phụ huynh có nhu cầu.

Còn cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Vệ I (TP Thanh Hóa) cho biết, đến thời điểm này, nhà trường mới nhận 1 HS từ Hà Nội về nghỉ hè, nhưng chưa thể quay lại trường học cũ.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, sở giao cho các phòng GD&ĐT thống kê số học sinh là con em công nhân từ miền Nam trở về địa phương có nhu cầu nhập học. Tuy nhiên, con số ở các địa phương đang biến động, nhiều em chưa hoàn thành cách ly cùng gia đình. Sở yêu cầu trước tựu trường, các địa phương phải có báo cáo cụ thể.

Về phương án tiếp nhận học sinh, ông Hoàn cho hay: Quan điểm của ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được nhập học đúng thời điểm, đúng chương trình năm học. Những em này sẽ chia làm 2 nhóm: Học tạm thời hoặc nhập học chính thức, lâu dài. Về hồ sơ nhập học, chuyển trường từ trường cũ ở miền Nam về địa phương có thể linh hoạt, bổ sung sau. Nếu gặp bất cứ vướng mắc nào, sở và phòng GD&ĐT có trách nhiệm liên hệ với ngành Giáo dục ở các tỉnh miền Nam để các em nhập học theo quy định.

“Trước mắt, ngành ưu tiên bảo đảm quyền lợi học sinh, để các em “không phải dừng việc học” do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các em sẽ được ghép vào lớp học tương ứng. Phụ huynh cũng chưa phải lo chi phí học tập cho con em”, ông Nguyễn Trọng Hoàn khẳng định.

Ông Trịnh Văn Tâm – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho hay: Hiện chưa có thống kê cụ thể số HS có nhu cầu học tạm do chưa trở về trường đang học vì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, từ ngày 14/8, sở có công văn hướng dẫn các trường học trong tỉnh về việc: Đối với HS của tỉnh ngoài theo bố, mẹ về Thanh Hóa, do điều kiện dịch bệnh chưa thể trở lại trường học, nếu có nhu cầu học tạm, các trường trên địa bàn tạo điều kiện cho HS tạm học, đến khi có thể trở lại trường học ở tỉnh ngoài.

“Trong thời điểm này không câu nệ vấn đề thủ tục, nhà trường thực hiện trên tinh thần chia sẻ khó khăn nếu phụ huynh có nhu cầu. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện miễn, giảm được các khoản đóng góp nào để giúp những trường hợp thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường sẽ làm tốt nhất cho các con”, cô Yên thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.