Học sinh tị nạn Venezuela khó khăn chồng chất khi tiếp cận giáo dục

GD&TĐ - Khi Eliana Caman lên xe buýt đi từ Venezuela đến Peru cùng 2 con cách đây 2 năm – cô biết chặng đường phía trước sẽ rất gian nan. Các con cô đã mất một năm học vì trường học ở Peru không nhận chúng. Và đây chỉ là một trong số không ít trở ngại trên con đường đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn của gia đình Caman cũng như những người tị nạn khác.

UNICEF hỗ trợ trẻ em Venezuela ở Peru.
UNICEF hỗ trợ trẻ em Venezuela ở Peru.

Nhiều rào cản

Các trường học ở Peru yêu cầu bằng chứng về trình độ học vấn của các con ở Venezuela nhưng Caman không có. Một trường tư thục đã sẵn sàng giúp đỡ cô bằng cách cấp mã nhận dạng, nhưng cô phải chi số tiền tương đương gần 3,7 triệu đồng cho mỗi đứa trẻ. Đây là một khoản tiền nằm ngoài khả năng gia đình cô. Không nản lòng, cô lập một danh sách tất cả các trường công lập ở Lima của Peru và liên lạc với từng trường một.

Họ cho biết, không nhận học sinh Venezuela nên Caman cảm thấy mệt mỏi. Bọn trẻ ở nhà, buồn chán, không làm được gì giữa đại dịch.

Giữa làn sóng di cư khổng lồ khắp châu Mỹ Latinh, các tổ chức hỗ trợ đang gióng hồi chuông cảnh báo về những rào cản vẫn còn tồn tại khiến trẻ em di cư khó tiếp cận một thứ rất cần được bảo đảm trên toàn cầu, đó là giáo dục.

Tại Peru, một nghiên cứu gần đây do Tổ chức Save the Children tiến hành, cho thấy, 1/4 trẻ em di cư Venezuela ở những vùng đất đông dân nhất của Peru là Lima và La Libertad không được tới trường. Ở Colombia, nghiên cứu của một tổ chức tư vấn tại Bogota cho thấy, thanh, thiếu niên có tình trạng “bất thường” đang bỏ học.

Giám đốc Chương trình Save the Children Peru Nelly Claux nói, ở đây có một vấn đề nghiêm trọng về việc tiếp cận với giáo dục.

Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ rất nhiều. Mỹ Latinh và Caribe bị ảnh hưởng nặng nề nhất của việc đóng cửa trường học trong thời gian toàn cầu ngừng hoạt động. Theo UNICEF, 60% trẻ em mất cả năm học trong thời gian đại dịch đang sống ở khu vực này.

Ở Peru, các trường học đã đóng cửa trong 2 năm và không phải ai cũng có thể tham gia học trực tuyến vì không tiếp cận được Internet. Bà Claux cho biết, nền kinh tế Peru cũng bị ảnh hưởng nặng nề đến mức khoảng 300 nghìn trẻ em phải chuyển từ các trường tư sang trường công lập, khiến học sinh thiếu chỗ học.

Theo bà Claux, các gia đình được thông báo là hết chỗ học. Bên cạnh đó có sự phân biệt đối xử, vì họ muốn giúp đỡ người Peru trước chứ không phải người Venezuela.

Một gia đình tị nạn Venezuela ở Colombia.

Một gia đình tị nạn Venezuela ở Colombia.

Bị phân biệt đối xử

Cuộc khảo sát do Tổ chức Save the Children cho thấy, khoảng 27% trẻ em Venezuela nhập cư vào Peru không đến trường. Lý do, từ thiếu giấy tờ, thiếu bằng chứng về trình độ học vấn của các em cho tới việc đến sau ngày đăng ký học. Gần 10% các gia đình cho biết, họ bị hiệu trưởng nhà trường phân biệt đối xử vào thời điểm nhập học. Những phát hiện này dựa trên hơn 800 cuộc khảo sát đối với các gia đình ở Lima và La Libertad.

Chính phủ Peru đã nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra nhiều cơ hội đăng ký học tập hơn và nới lỏng quy định về giấy tờ bắt buộc.

Ở Colombia, chính phủ được ca ngợi do có một sắc lệnh sâu rộng cho phép người di cư Venezuela có được tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, với tư cách là nơi tiếp nhận người di cư và tị nạn Venezuela lớn nhất trong khu vực với gần 2 triệu người đến trong vài năm qua, các tổ chức ở Colombia không đáp ứng kịp nhu cầu của họ (theo báo cáo của một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Bogota).

Báo cáo trên nêu rõ một số biện pháp tích cực mà chính phủ Colombia đã thực hiện nhằm giúp người di cư đăng ký học dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế do các trường học thiếu chỗ và nguồn lực cần thiết. Theo nhà chức trách Colombia, gần 500 nghìn học sinh Venezuela đã đăng ký vào các trường học ở Colombia.

Như ở Peru, học sinh lớp 10 và 11 từ các gia đình nhập cư không được nhận vào học vì thiếu giấy tờ cần thiết để sau này công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra, những học sinh không đi học cũng thường bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng.

Trẻ em di cư Venezuela chơi cờ vua tại một nơi ở tạm thời tại quận San Juan de Lurigancho của Lima (Peru).

Trẻ em di cư Venezuela chơi cờ vua tại một nơi ở tạm thời tại quận San Juan de Lurigancho của Lima (Peru).

Khó khăn chồng chất

Khó khăn khi tìm chỗ học chỉ là một trong những thách thức mà trẻ em Venezuela ở Colombia phải đối mặt.

Nhà nghiên cứu Maria Clara Robayo của Đại học Rosario (Colombia) cho biết, năm 2022, tiếp cận trường học không phải là vấn đề chính của học sinh Venezuela. Theo bà, một loạt vấn đề của trẻ em nhập cư trong nước, từ cuộc sống lưu động khi gia đình các em chuyển từ nơi này tới nơi khác đến việc thiếu tiền mua đồng phục, sự ảnh hưởng tới giáo dục bắt nguồn từ hệ thống giáo dục Venezuela bị tan vỡ.

Bà Robaya cho biết, có thể thấy một học sinh 12 tuổi đang học lớp 3 cùng với học sinh 8 tuổi. Điều này có thể dẫn đến việc học sinh này bị bắt nạt vì lớn hơn hoặc có phong tục khác… khiến em đó khó hòa nhập hơn.

Ngoài ra, việc thiếu nơi học tập cũng khiến các gia đình phải tìm một trường xa hơn có thể nhận con họ. Thông thường các bà mẹ phải dành phần lớn thời gian trong ngày của mình để đưa con đi học, ảnh hưởng tới thời gian làm việc của họ.

Caman cuối cùng cũng có thể ghi danh cho con trai 14 tuổi và con gái 15 tuổi đi học ở Lima, nhưng ở các trường khác nhau và phải học chậm hơn 1 năm. Cô không ngờ lại gặp nhiều trở ngại đến vậy.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.