Sinh viên Venezuela tị nạn ở Colombia: Đối mặt muôn vàn khó khăn

GD&TĐ - Khó khăn về kinh tế, căng thẳng chính trị và xã hội diễn ra liên tiếp ở Venezuela đã khiến gần 3 triệu người dân nước này, chủ yếu là sinh viên phải di cư sang Colombia. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Người di cư Venezuela băng qua sông tới Colombia. Ảnh: UNHCR
Người di cư Venezuela băng qua sông tới Colombia. Ảnh: UNHCR

Cuộc khủng hoảng kép

Theo ước tính của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), cho tới hết năm 2019 sẽ có hơn 3 triệu người Venezuela tị nạn và di cư sang Colombia. Trong số đó, có gần nửa triệu người Colombia trở về quê hương, sau khi tị nạn sang Venezuela trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 52 năm.

Venezuela rơi vào khủng hoảng, kéo theo những ảnh hưởng không hề nhỏ tới Colombia, khi nước này phải đối mặt với số người di cư nhiều nhất từ trước tới nay. Mặt khác, chính phủ Colombia cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc vực dậy và hàn gắn đất nước sau thời kỳ bất ổn do xung đột.

Sau khi ký kết Hiệp ước hoà bình chấm dứt xung đột giữa cánh hữu và cánh tả Colombia, chính phủ nước này đang kêu gọi tạo cơ hội cho những công dân Colombia đang di cư ở khắp nơi trên thế giới được trở lại quê hương và tái hòa nhập cộng đồng. Con số thống kê từ UNHCR cho thấy, có khoảng 7,4 triệu người Colombia đã di cư sang những quốc gia khác trong thời kỳ nội chiến. Liên Hợp Quốc cho rằng, đây là một “Cuộc khủng hoảng vô hình ở Colombia”. Chính vì vậy, chính phủ Colombia đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: Tái hòa nhập 7,4 triệu người dân nước này từng di cư và tiếp nhận gần 3 triệu người di cư Venezuela.

Không ít người di cư sang Colombia là sinh viên và các giáo sư. Do khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ lạm phát ngày càng tăng ở Venezuela, các trường đại học không thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cả người dạy lẫn người học. Bên cạnh đó, các băng đảng có động cơ chính trị lại thường xuyên quấy rối trật tự công cộng tại các trường đại học. Không ít sinh viên đã trở thành người đứng đầu trong cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Nicolas Maduro, kéo theo bạo lực triền miên trong khuôn viên trường học. Bạo lực cùng với sự thiếu hụt về kinh phí đã buộc các cơ sở giáo dục tại Venezuela phải đóng cửa, kéo theo nhiều sinh viên phải ngừng việc học và khiến các giảng viên mất công ăn việc làm.

Ở Colombia, các trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng hòa bình. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi rằng, liệu Colombia có thể giữ được vai trò này khi đang phải đối mặt với khủng hoảng tái cơ cấu lại đất nước và mở cửa với người di cư Venezuela? Mặc dù người dân Venezuela được chào đón, Colombia không chính thức phân loại những này là người tị nạn. Kết quả là, họ không được hưởng các quyền cơ bản và không được phép tiếp cận với các tổ chức giáo dục đại học.

Rào cản hơn là hỗ trợ

Nhiều ý kiến cho rằng, thực chất, những sinh viên Venezuela di cư sang Colombia đang gặp phải nhiều rào cản hơn là được hỗ trợ. Những người di cư Colombia khi quay về quê hương được hưởng không ít đặc quyền trong việc ứng tuyển vào các trường đại học công lập. Tuy nhiên, chính sách này không được áp dụng đối với cộng đồng người di cư Venezuela. Sinh viên Colombia đa quốc tịch sẽ không gặp những khó khăn mà những người không phải là công dân nước này đang phải đối mặt trong việc tiếp cận nền giáo dục đại học. Tuy nhiên, ngay cả đối với những sinh viên Venezuela đa quốc tịch đã di cư sang Colombia, các trường đại học vẫn có những yêu cầu khắt khe đối với họ.

Mặt khác, các trường đại học ở Colombia cho rằng, họ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng; đồng thời cho biết sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi trong chính sách từ Bộ Giáo dục nước này. Trong khi đó, Bộ Giáo dục lại đưa ra tuyên bố, Luật Tự chủ được thông qua năm 1992 của Colombia cho phép các trường đại học không cần phải dựa vào Bộ và có thể chủ động trong việc đưa ra các chính sách tuyển sinh nhằm giải quyết khủng hoảng di cư.

Rõ ràng, đây là một sự xung đột trong việc giải quyết các vấn đề giữa trường đại học và Bộ Giáo dục. Các sinh viên tị nạn Venezuela phải đối mặt với việc không có tài liệu học tập cũng như sự hỗ trợ về mặt tài chính. Ngoài ra, họ bị hạn chế hoặc không được phép tiếp cận với công nghệ và khó khăn khi không được công nhận bằng cấp giữa hai quốc gia. Hơn nữa, nguồn lực còn hạn chế ở Colombia cũng là một trong những yếu tố khiến sinh viên di cư không có người hỗ trợ trong quá trình học tập.

Nhiều sinh viên tị nạn đã bày tỏ mong muốn được theo học các khóa học trực tuyến miễn phí. Tuy nhiên, không có cơ sở giáo dục nào của Colombia áp dụng chính sách này như một cơ chế để hỗ trợ người dân tị nạn Venezuela, trong khi khóa học trực tuyến là một lựa chọn hợp lý khi người học không phải trả phí hoặc mua tài liệu. Nhìn chung, các chính sách giáo dục của tất cả các trường đại học ở Colombia đã hoàn toàn ngăn cản sinh viên tị nạn Venezuela trong việc tiếp cận với các tổ chức giáo dục nước này. Những chính sách pháp lý, bao gồm việc yêu cầu tất cả người dân Venezuela phải xin thị thực du học, hoàn toàn hạn chế khả năng cho phép người tị nạn tiếp cận với nền giáo dục đại học.

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục đại học có vai trò trực tiếp trong việc cải thiện sự phát triển và ổn định kinh tế của một quốc gia. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, chính sách ngăn người tị nạn học đại học là không hiệu quả và lãng phí.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.