Đói bụng tới trường chỉ để chờ đợi
Tuy nhiên tiết học Họa bắt đầu lúc 7 giờ sáng đã bị huỷ bởi giáo viên cáo ốm xin nghỉ. Tiết học Lịch sử tiếp theo cũng bị huỷ. Trường của Maria không có môn học Thể dục bởi giáo viên đã bị bắn chết đầu năm nay. Vào buổi chiều, giáo viên môn Tiếng Tây Ban Nha giao bài và cho học sinh về nhà tự làm.
“Thật chán chường khi ngồi đợi cả ngày mà không được học” – Maria buồn bã chia sẻ.
Tội phạm tăng vọt và kinh tế suy sụp đã và đang dần phá huỷ hệ thống giáo dục Venezuela và tước đi cơ hội có một cuộc sống tốt hơn của những trẻ em nghèo như Maria. Từ cuối năm ngoái, Venezuela đã chính thức cắt đi 16 ngày học, bao gồm các buổi học thứ Sáu, bởi khủng hoảng năng lượng.
Trong thực tế, học sinh Venezuela đã mất trung bình 40% thời lượng học, một tổ chức phụ huynh ước tính, do 1/3 giáo viên bỏ việc để đi xếp hàng mua lương thực cho gia đình họ. Tại trường của Maria, quá nhiều học sinh ngất xỉu vì đói tới mức lãnh đạo trường khuyến cáo phụ huynh cho con ở nhà nếu gia đình không có đủ lương thực.
Các trường thường khóa cổng vào buổi sáng, nhưng những kẻ cướp vũ trang, thường chính là đám trẻ thanh thiếu niên, vẫn cố xâm nhập và trấn lột học sinh ngay trong lớp.
Tương lai mờ mịt
Venezuela là một quốc gia trẻ, với hơn 1/3 dân số dưới tuổi 15 và cho tới gần đây, hệ thống trường học vẫn thuộc loại tốt nhất tại Nam Mỹ.
Cựu Tổng thống Hugo Chavez đã coi giáo dục là trung tâm cách mạng xã hội của mình, dùng nguồn lợi dồi dào trong thời kì bùng nổ giá dầu cho đào tạo giáo viên và phân phát máy tính xách tay miễn phí. Chính phủ khi đó cũng đã sửa mới lại ngôi trường 1.700 học sinh của Maria và xây thêm một nhà ăn mới.
Thế nhưng giá dầu lao dốc kết hợp với nhiều năm quản lí kinh tế yếu kém đã khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng, trong đó có 7 triệu học sinh công lập phải gánh chịu. Tỉ lệ bỏ học hàng năm đã tăng gấp đôi, hơn 1/4 thanh thiếu niên không được tới trường, các lớp học không có giáo viên giữa làn sóng giáo viên tháo chạy khỏi đất nước.
Cũng do thiếu kinh phí mà trường của Maria nhếch nhác giống một bến xe buýt hơn là một trường học, đầy mùi xú uế, ngoài sân trường người đứng kẻ ngồi từng đám lố nhố chờ giáo viên cả tiếng đồng hồ. Tiết học Hoá, học sinh không thể thí nghiệm bởi không có hoá chất. Nhà ăn mới cũng không bao giờ được mở bởi không có thực phẩm hoặc gas nấu.
Điều cha mẹ Maria lo nhất là đám con trai choai choai. Venezuela có tỉ lệ mang thai vị thành niên cao nhất tại Nam Mỹ. Không có giáo viên quản học sinh, phụ huynh trường của Maria lo ngại con gái bị con trai lôi ra bãi đất trống phía sau trường và làm ẩu. Bãi đất này khuất phía sau bức tường sách 30.000 cuốn còn mới tinh được chính phủ cấp phát từ đầu năm nhưng giáo viên trường quyết định không sử dụng vì mang màu sắc chính trị nặng nề.