Đây là hoạt động góp phần thúc đẩy tiếng nói học sinh Chu Văn An trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống trước tình trạng ô nhiễm báo động hiện nay.
Vấn đề môi trường hiện nay đang nhận được quan tâm lớn của người dân trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn - nơi mật độ dân cư, phương tiện, nhà máy tăng cao; Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Hà Nội được cảnh báo gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng con người.
Cùng với các nguyên nhân khác, đáng lo ngại, rác thải nhựa đang trở thành một mối hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiện lợi và giá thành rẻ.
Những sản phẩm này sau khi sử dụng bị thải ra môi trường, tồn tại trong tự nhiên và mất rất nhiều thời gian để có thể phân hủy. Trong thời gian đó, những sản phẩm này tiếp tục nằm trong lòng đất và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.
Từ những trăn trở đó, khối nhà M năm 2019 gồm 7 lớp (10 Anh, 10I, 11 Hoá, 11 A, 12 Tin, 12 I2, 12 D1 - trường THPT Chu Văn An) đã lên ý tưởng và khởi động dự án MONOSPERMA.
Chia sẻ về dự án, em Nguyễn Trà My lớp 12D1 - Trưởng nhà M cho biết: “Nâng cao ý thức các em nhỏ, giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa xả ra môi trường là tiêu chí hoạt động của dự án MONOSPERMA. Với tư cách là học sinh một ngôi trường có truyền thống lâu đời như THPT Chu Văn An, nhóm học sinh thuộc khối nhà M đã cùng họp lại và lên đề án môi trường nhắm tới đối tượng chủ yếu là các em học sinh Tiểu học.
Thông qua những hoạt động thiết thực, nhóm thực hiện hy vọng giúp các em học sinh nâng cao ý thức trong việc sử dụng đồ dùng, loại bỏ dần thói quen sử dụng đồ nhựa có tác động không tốt đến môi trường.”
Sự kiện chính của dự án MONOSPERMA là ngày hội ECOBRICK đã diễn ra tốt đẹp tại trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) sau 3 tuần khởi động dự án.
Hoạt động chủ yếu trong ngày hội là giúp các em học sinh tiểu học có thêm kiến thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động làm gạch Ecobrick - những viên gạch sinh thái.
Đây thực chất là cách tái chế nhựa và nilon dùng một lần bằng việc đem đi rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi thật chặt vào những chai nhựa khô ráo, sao cho đủ cứng để chúng trở thành vật liệu xây dựng, bồn cây, hàng rào.
Thay vì vứt túi bóng, vỏ bim bim, hộp xốp, ống hút bừa bãi ra đường, việc gom rác khó phân hủy sẽ giúp các em học sinh có thêm ý thức bảo vệ môi trường, có thêm phương pháp để tái chế những đồ nhựa dùng một lần.
Một số hình ảnh ghi tại ngày hội ECOBRICK đã diễn ra tốt đẹp tại trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội):
Các em học sinh tiểu học nhiệt tình tham gia các trò chơi do các anh chị THPT tổ chức. |
Tái chế rác thành "vật liệu xây dựng" ... |
... và túi xách |
Nhóm thực hiện dự án MONOSPERMA chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội ECOBRICK. |
Đây là dịp để tất cả các học sinh trong trường đều có cơ hội tỏa sáng, phô diễn tài năng bên cạnh khả năng học tập. 8 nhóm nhà cùng trải qua nhiều hoạt động khác nhau dưới sự dẫn dắt của trưởng nhà.
Rất nhiều hoạt động vô cùng gần gũi và sôi nổi đã được diễn ra như: Nhảy dân vũ, bóng đá nữ, các hoạt động Thiện nguyện hay các cuộc thi Icon đại diện học sinh Chu Văn An.
Những hoạt động ý nghĩa này thực sự là những kỷ niệm đẹp, lưu giữ một khoảng thời gian đáng nhớ cho mỗi học sinh.