Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức tổ chức chuyên đề cấp thành phố về đưa di sản văn hóa địa phương vào dạy học môn Mĩ thuật qua bài học "Tìm hiểu và trải nghiệm tranh dân gian Kim Hoàng". Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức cùng đại diện BGH, giáo viên môn Mĩ thuật các trường trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, năm học 2024 -2025 là năm học thực hiện trọn vẹn Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 - 12; Nghệ thuật là một trong 10 môn học chính thức của chương trình. Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng môn học.
Nghệ thuật là môn học đặc thù đòi hỏi năng khiếu về âm nhạc và mĩ thuật, có chương trình học và SGK riêng. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên dạy Mĩ thuật trong mỗi trường ít nên việc sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức chuyên đề là hết sức cần thiết. Các thầy cô được trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để việc dạy và học đạt hiệu quả tốt hơn.
Tại buổi chuyên đề, cô Nguyễn Thị Bình - giáo viên Mĩ thuật cùng các em học sinh Trường THCS Di Trạch (huyện Hoài Đức) đã cùng nhau tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển, sự mai một và quá trình phục hồi nghề làm tranh dân gian ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh - một di sản văn hóa của địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Cô Lê Thị Loan - Hiệu trưởng Trường THCS Di Trạch chia sẻ, giáo dục về di sản văn hóa của địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Thầy cô và học sinh nhà trường rất yêu thích và mong muốn tìm hiểu về dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Bình, các em được đến thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu các bước để thực hiện vẽ một sản phẩm thuộc dòng tranh Kim Hoàng ở xã Vân Canh.
"Chúng ta đã biết đến các dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống ở trong SGK. Tuy nhiên, dòng tranh dân gian Kim Hoàng thì chưa được nhiều người biết tới. Qua chuyên đề này, cô trò nhà trường mong muốn sẽ góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng như các ứng dụng của dòng tranh Kim Hoàng trong đời sống tới cộng đồng", cô Loan bày tỏ.
Cũng theo cô Loan, ngay từ đầu năm, Trường THCS Di Trạch đã xây dựng kế hoạch và lồng ghép nội dung Giáo dục địa phương vào một số hoạt động/bộ môn như Lịch sử, cho học sinh tìm hiểu về văn hóa địa phương. Các em còn được nghe hướng dẫn và trực tiếp làm nên những sản phẩm như một bức tranh Kim Hoàng nên rất vui mừng, phấn khởi.
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Giáo dục Hoài Đức khi thực hiện chuyên đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho hay, hoạt động này đáp ứng yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học Mỹ thuật, hướng tới phát huy cao nhất năng lực chủ động, sáng tạo của học sinh. Đồng thời thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, lồng ghép vào dạy môn học cũng như tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa đến với học sinh trên địa bàn Thủ đô.