Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Ảnh hưởng của ChatGPT và các công cụ tương tự đối với chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị”, do Trường ĐH Tài chính - Marketing phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM tổ chức sáng nay (22/11).
Nhiều băn khoăn với giảng dạy lý luận chính trị bằng… ChatGPT
PGS.TS Phạm Thị Kiên - ĐH Kinh tế TPHCM nhận định, việc tích hợp ChatGPT vào giáo dục lý luận chính trị là một yêu cầu tất yếu, giúp sinh viên Việt Nam tại các trường đại học tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả và toàn diện hơn.
Tuy nhiên, bà Kiên cũng đánh giá, việc ứng dụng ChatGPT trong giáo dục cũng đồng thời đặt ra một số thách thức đáng lưu ý nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, việc giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn cần vận dụng vào thực tiễn, nếu chỉ giảng dạy lý thuyết mà xa rời thực tiễn sẽ làm giảm hiệu quả giáo dục. Người giảng dạy lý luận chính trị cần hiểu rõ đối tượng sinh viên của mình, từ đó lồng ghép lý luận với thực tiễn nghề nghiệp và đời sống.
Sự kết hợp giữa lý luận và các môn khoa học cụ thể là rất quan trọng trong việc đào tạo sinh viên có tư duy phản biện và khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Nếu không có sự liên kết giữa các ngành khoa học và lý luận chính trị, chương trình đào tạo sẽ thiếu đi sự liên kết và không đáp ứng được mục tiêu đào tạo, cũng như chuẩn đầu ra của chương trình.
PGS.TS Phạm Thị Kiên - ĐH Kinh tế TPHCM. (Ảnh: Quốc Hải)
“Quá trình giáo dục lý luận chính trị cần được thiết kế khoa học, có sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, và được hỗ trợ bởi những công cụ thích hợp nhưng không lạm dụng, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong giáo dục” - bà Kiên nói.
ThS Đỗ Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Tài chính - Marketing cho hay, kết quả khảo sát với đối tượng giảng viên về mức độ tin cậy của những thông tin liên quan đến các môn lý luận chính trị được tạo ra bởi ChatGPT cho thấy: 19,6% đánh giá mức độ tin cậy rất cao và cao; 53,6% đánh giá trung bình, 17,9% đánh giá thấp.
Kết quả khảo sát nội dung này đối với sinh viên như sau: 25,3% đánh giá mức độ tin cậy cao, 69,3% đánh giá mức độ tin cậy trung bình, 5,4% đánh giá thấp (Bảng 5). Như vậy, tỷ lệ lớn cả giảng viên và sinh viên có mức tin cậy trung bình với những thông tin mà ChatGPT mang lại với các môn lý luận chính trị, điều này phản ánh sự thận trọng, đôi khi là sự hoài nghi của giảng viên và sinh viên đối với công nghệ mới này.
“Giảng viên và sinh viên có thể nhận thấy rằng ChatGPT cung cấp thông tin hữu ích nhưng vẫn cần kiểm chứng và đối chiếu với các nguồn thông tin chính thống” - bà Huyền thông tin.
“Khi giảng dạy giáo dục lý luận chính trị, giảng viên cần cụ thể hóa các kiến thức lý luận bằng cách liên hệ với thực tiễn chính trị, đưa các ví dụ thực tiễn vào bài giảng và sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu để giúp sinh viên tiếp thu tốt môn học” - PGS.TS. Phạm Thị Kiên đề xuất.
TS Đặng Thị Minh Phượng - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM dẫn chứng, ChatGPT được hoạt động dựa trên một lượng lớn dữ liệu khác nhau được cung cấp nguồn từ mạng Internet, vì vậy, không phải lúc nào cũng có thể đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin mà ChatGPT đưa ra.
“Khi sinh viên tra cứu các thông tin về vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, ChatGPT cung cấp các câu trả lời mang tính tổng quát và thiếu chi tiết. Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên có thể không có các nhìn nhận đầy đủ và chính xác. Chính vì vậy, giảng viên khi giảng dạy các môn học lý luận chính trị cần phải đính chính, cung cấp tính chính xác, điều chỉnh lại những thông tin do ChatGPT cung cấp” - TS Đặng Thị Minh Phượng dẫn chứng.
Nhiều đề xuất gỡ khó cho giảng dạy lý luận chính trị
Để góp phần tháo gỡ những thách thức trên, PGS.TS. Phạm Thị Kiên đề xuất, nội dung chương trình và giáo trình giảng dạy lý luận chính trị cần phải được cập nhật liên tục với những nghiên cứu mới, những kết luận khoa học mới từ các đề tài, chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về khoa học xã hội. Đồng thời, cần lồng ghép những phát triển mới trong lý luận chính trị của Đảng, thể hiện qua các văn kiện Đại hội Đảng, các bài phát biểu, bài viết, và ấn phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
“Việc này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn làm cho nội dung giảng dạy trở nên sống động, gắn liền với thực tiễn và dễ tiếp thu hơn” - bà Kiên nói.
Tiếp đó, việc nghiên cứu tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và theo hướng mở. Điều này không chỉ giúp nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục và tính thuyết phục của công tác giáo dục lý luận chính trị mà còn làm cho nội dung học trở nên sống động và phù hợp hơn với nhu cầu của người học.
Toàn cảnh Hội thảo “Ảnh hưởng của ChatGPT và các công cụ tương tự đối với chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị”. (Ảnh: Quốc Hải)
“Chương trình giáo dục lý luận chính trị cần được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt và gắn liền với đối tượng người học. Điều này không chỉ giúp chương trình, giáo trình trở nên sát thực và có sức sống hơn mà còn kích thích sinh viên hứng thú học tập, vận dụng lý luận vào thực tiễn” - PGS.TS. Phạm Thị Kiên đề xuất.
Đặc biệt, bà Kiên cũng nhấn mạnh, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc thiết kế chương trình cũng sẽ giúp nâng cao tính linh hoạt và sáng tạo trong giảng dạy, đồng thời đảm bảo rằng các chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các ngành học khác nhau.
TS Đặng Thị Minh Phượng thì đề xuất ChatGPT chỉ nên được sử dụng như một “công cụ hỗ trợ”, nguồn tài liệu tham khảo chứ không thể coi là thông tin chính thống.
“Giảng viên cần định hướng câu trả lời và giúp sinh viên kiểm tra lại những thông tin từ ChatGPT cung cấp để để phù hợp với mục tiêu giảng dạy, đảm bảo rằng sinh viên không bị sai lệch trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Mặt khác, từ những vấn đề chung do ChatGPT cung cấp, giảng viên cần tiếp tục phát huy khả năng phân tích, lập luận, tư duy lý luận cho sinh viên để sinh viên không rơi vào trạng thái nắm bắt thông tin một cách “hời hợt”, thiếu các cơ sở lý thuyết cũng như thực tiễn của vấn đề” - bà Phượng nói thêm.
TS Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho hay, quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 90 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức, các cá nhân, nhà quản lý và những người trực tiếp làm công tác giảng dạy lý luận chính trị trong cả nước.