Học sinh, sinh viên cần được tiếp cận thông tin theo hướng tích cực

GD&TĐ - Sáng 20/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP

Đây là cuộc làm việc được tổ chức thường niên nhằm nhìn lại 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, đưa ra phương hướng thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi quy chế phối hợp công tác đã được triển khai tích cực, đồng bộ, đạt một số kết quả cụ thể. Trung ương Đoàn đã xây dựng, triển khai 7 đề án trọng điểm, tham gia phát triển kinh tế - xã hội 2017 - 2022. Đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp với Đoàn Thanh niên. Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với thanh niên, lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, lối sống đẹp cho thanh niên như cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, hay diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường, hơn 3 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn, Hội tổ chức, số hóa quản lý dữ liệu cựu thanh niên xung phong, tích cực triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa để truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng, động lực và niềm đam mê khoa học công nghệ cho thanh niên…

Bên cạnh nhấn mạnh đóng góp của Đoàn Thanh niên vào thành tựu phát triển đất nước thời gian qua, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Về nhiệm vụ phối hợp công tác thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc trước một cách chủ động. Phải luôn đổi mới hình thức hoạt động để tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên hơn nữa, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ lãnh đạo cần quan tâm tới thanh niên, công tác Đoàn, thế hệ trẻ hơn nữa.

Tại buổi làm việc một trong những nội dung được bàn luận sôi nổi nhất là trình Thủ tướng cho phép xây dựng 2 đề án thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2030, gồm: Đề án giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng và đề án Phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến sau năm 2020, Trung ương Đoàn cần tiếp tục triển khai tiếp đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên, nhưng đồng ý tách riêng đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Một số nội dung Phó thủ tướng nêu cần quan tâm như: Xóa mù tri thức công nghệ như “bình dân học vụ 2.0”, làm mạnh hơn câu chuyện “môi trường xanh”, nhất là rác thải công nghiệp và túi niông, đặc biệt làm tốt câu chuyện văn hóa.

“Không chú ý đến môi trường là nguy hiểm, nhưng không chú ý đến văn hóa còn nguy hiểm hơn. Một mặt xây dựng pháp luật nghiêm, nhưng Đoàn phải có cách làm riêng. Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, thế nào là câu chuyện đẹp, văn hóa?” - Phó thủ tướng nói.

Đồng tình với hai đề án của Trung ương Đoàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cho biết HS, SV là đối tượng sử dụng không gian mạng rất lớn. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn phối hợp tốt với Trung ương Đoàn về công tác tuyên truyền gương tốt trong HS, SV với khẩu hiệu: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi ngày một câu chuyện đẹp”. HS, SV cần được tiếp cận thông tin đầy đủ gương tốt theo hướng tích cực, tránh tuyên truyền nhiều theo hướng tiêu cực, “giáo dục không trong sáng”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng góp ý thời gian tới hoạt động Đoàn, Hội cố gắng phát huy những vấn đề như GD đạo đức lối sống trong thanh niên, phối hợp tuyên truyền phổ biến tham gia giao thông an toàn, GD HS ngay từ nhỏ biết giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm lo môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng văn hóa trong nhà trường ứng xử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ