Thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi Tọa đàm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi Tọa đàm

Thay đổi tư duy, nhận thức về khởi nghiệp

Trao đổi về vai trò của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ông Nguyễn Trung Dũng- Tổng Giám đốc BK Holdings (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) viện dẫn mô hình Kim tự tháp Sáng tạo – Đổi mới – Khởi nghiệp.

Kim tự tháp này gồm 3 phần: Phần đế là Sáng tạo; phần giữa là Đổi mới và phần ngọn là Khởi nghiệp. Theo đó, mỗi phần đều có rất nhiều tổ chức trung gian liên quan, nhưng ở đó đều có sự xuất hiện của trường đại học.

Theo ông Dũng, chưa bao giờ cụm từ “Khởi nghiệp” lại được nhắc đến nhiều như bây giờ và nó ở phần trên cùng của Kim tự tháp. Tuy nhiên, phần đế Sáng tạo và phần giữa Đổi mới của Kim tự tháp lại chưa được chú trọng.

Từ thực trạng này, việc ra đời Đề án 1665 của Chính phủ về việc hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 là rất cần thiết. Đề án góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho Kim tự tháp Sáng tạo – Đổi mới – Khởi nghiệp. Đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng tạo ra nhiều doanh nhân khởi nghiệp.

Khẳng định mục tiêu của Đảng, Nhà nước là tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn; ông Nguyễn Anh Thi – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này phải tạo ra nhiều doanh nhân khởi nghiệp, bởi họ là chủ thể của quá trình tạo nên doanh nghiệp khởi nghiệp.

Muốn có doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta phải có môi trường nuôi dưỡng họ và đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp. Doanh nhân, họ vừa là chủ thể kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng đồng thời là sản phẩm của hệ sinh thái khởi nghiệp. Và nếu chúng ta có hệ sinh thái tốt thì sẽ có nhiều doanh nhân tốt được sản sinh ra.

Ông Nguyễn Trung Dũng- Tổng Giám đốc BK Holdings (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Tọa đàm
 Ông Nguyễn Trung Dũng- Tổng Giám đốc BK Holdings (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Tọa đàm

Không để khởi nghiệp chạy theo phong trào

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, HSSV là những người có khát vọng, đam mê, nhiệt huyết đổi mới sáng tạo nhưng thiếu các điều kiện để hiện thực hóa. Vì vậy, Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 đã mở ra cơ hội, tạo môi trường cho HSSV và mỗi nhà trường được trở thành một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Khởi nghiệp của thế hệ trẻ chỉ thành công khi đặt trong một hệ sinh thái mà mỗi người tham gia cùng có lợi, cùng cảm thấy có động lực. Chỉ đến khi nào hệ sinh thái khởi nghiệp lan tỏa thành tự thân của mỗi người khi đó mới thành quốc gia khởi nghiệp
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của Đề án là xây dựng được môi trường khởi nghiệp, môi trường đó có sự tham gia của HSSV, các thầy cô giáo, các cựu HSSV đã trưởng thành; đặc biệt cần có sự tham gia của doanh nghiệp.

Nhìn lại hơn một năm triển khai Đề án 1665, Bộ trưởng đánh giá, khởi nghiệp trong HSSV đã có những tín hiệu ban đầu. Bộ GD&ĐT với vai trò là “người thắp lửa” cho hoạt động khởi nghiệp của HSSV đã có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tham gia; đồng thời thể hiện rõ nét vai trò kết nối, bảo lãnh cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Để triển khai hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh: vai trò của các nhà trường như những tế bào được kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp là hoạt động cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan mà lựa chọn một số cơ sở giáo dục làm tốt để hình thành nên những nhóm khởi nghiệp mạnh. Từ đó kết nối một cách tự nhiên. Động lực khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào.

Nhắc đến sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học; khi doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, người học sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia muốn bền vững phải tính đến nền tảng là thế hệ trẻ, những người đang bắt đầu từ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời huy động nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của của các lực lượng xã hội đóng góp cho hoạt động này” - Bộ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Buổi Tọa đàm nhằm xác định vai trò của các trường đại học và nhấn mạnh các trường đại học phải làm gì? Các trường đại học sẽ là đơn vị tiên phong trong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu nhà trường. Các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dich vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên. Chúng ta cũng thống nhất chung về quan điểm triển khai Đề án 1665. Muốn có doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng trí tuệ và công nghệ thì phải có nguồn nhân lực được cung cấp kiến thức và kỹ năng. Trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ