Bỏ biên chế suốt đời: Rất cần có Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và viên chức. Nội dung này đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Theo đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đề xuất này đã tác động không nhỏ đến đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước.

Đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng. Ảnh: Thế Đại
Đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng. Ảnh: Thế Đại

Chưa đáp ứng được mong đợi của nhà giáo

Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và viên chức cũng có nhiều nội dung phải xem xét thêm, trong đó có nội dung về “bỏ biên chế suốt đời”. Quy định này sẽ tác động đến đội ngũ nhà giáo. Chúng ta phải làm sao để giáo viên thật sự yên tâm công tác và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”. Chúng ta phải thấy được tính chất đặc thù của nhà giáo. Làm giáo dục phải là những người tâm huyết, trách nhiệm, nhất là với những giáo viên dạy ở bậc mầm non và phổ thông…

Họ không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người cha, người mẹ hiền thứ 2 của các em học sinh khi học ở trường. Thực tế, từ bậc mầm non đến bậc phổ thông, thời gian học ở trường trong một ngày của các em rất nhiều và thầy, cô chính là người đồng hành, người giám hộ, người chăm sóc, dạy dỗ các em và chịu trách nhiệm khi các em bị bạo lực, bị bắt nạt… trong thời gian học tập ở trường và cùng gia đình, xã hội chịu trách nhiệm về sự an toàn của các em khi các em từ trường về nhà, đặc biệt với trẻ ở mầm non và cấp học phổ cập.

Đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng. Ảnh: T.G
 Đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng. Ảnh: T.G

Theo đại biểu, nếu chúng ta có Luật Nhà giáo thì sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Xét cho cùng, dù là giáo viên trường công lập hay ngoài công lập thì cũng đều vì sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà. Vì thế cần tạo cơ chế bình đẳng công – tư và tạo sự liên thông giữa giáo viên công lập và ngoài công lập. Khi đó, giáo viên sẽ từ trường công đến với trường tư để dạy học nhiều hơn.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, cần tạo điều kiện để các trường tư phát triển. Muốn các trường tư phát triển thì cần có quỹ đất, chính sách đối với thầy cô giáo hợp lý hơn. Đây là bài toán vĩ mô tổng thể, nên nếu như chúng ta chỉ có thực hiện ký kết hợp đồng có thời hạn đối với giáo viên như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và viên chức thì chưa đáp ứng được sự mong đợi của đội ngũ nhà giáo.

Cũng theo đại biểu Ngô Thị Minh, cần có quy hoạch, đầu tư về quỹ đất hợp lý cho các trường tư chất lượng cao. Khi chất lượng trường tư được nâng lên thì học sinh sẽ đến học nhiều hơn. Qua đó giảm áp lực về sĩ số học sinh trong các trường công lập và cũng giảm áp lực về biên chế đội ngũ giáo viên cho những trường này. “Thực ra một lớp học chỉ nên có từ 25 - 30 học sinh. Với số lượng này, giáo viên sẽ giảng dạy được tốt hơn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang bị quá tải về sĩ số học sinh/lớp. Chẳng hạn như Hà Nội và TPHCM, một lớp học tiểu học có đến 60 em. Như vậy tạo áp lực vô cùng lớn cho giáo viên” – đại biểu Ngô Thị Minh trăn trở.

Nhiều băn khoăn cần được tháo gỡ

“Đề xuất của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và viên chức mới nhìn một phía là, không phân biệt giáo viên hợp đồng dài hạn hoặc không xác định thời hạn với giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Mục đích của đề xuất này là muốn “sàng lọc” được đội ngũ giáo viên có chất lượng và những giáo viên kém sẽ bị đào thải. Góc nhìn này không sai nhưng mới là một chiều. Cần đặt mình là giáo viên để có cái nhìn bao quát hơn và sát với thực tế hơn” – đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh, đồng thời dẫn giải: Chẳng hạn trong giai đoạn trước đây, đội ngũ giáo viên của chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là chúng ta đang chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới thì sẽ có những thầy cô giáo không thể sử dụng được công nghệ thông tin như mong muốn vì họ đã lớn tuổi. Vì vậy, phải có chính sách phù hợp hơn với những thầy cô giáo này, vì họ đã rất tận tâm với nghề. Đây cũng là băn khoăn của nhiều giáo viên cần được tháo gỡ.

Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, chúng ta cần nhìn một cách tổng thể, căn cơ; khi đó sẽ có những chính sách phù hợp hơn. Còn nếu áp dụng theo phương thức: Giáo viên thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn; những giáo viên không đáp ứng được sẽ thay thế bởi giáo viên khác thì điều đó chưa thể hiện được tính nhân văn và chưa đặt mình vào đội ngũ giáo viên. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét, nhìn nhận một cách thấu đáo.

“Để đánh giá hoặc tuyển dụng một viên chức giáo viên có chất lượng và có tài năng cần phải tính đến tiêu chí đầu vào như thế nào. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào bằng cấp thì chưa đủ. Chẳng hạn cùng các giáo viên có trình độ như nhau nhưng có người đã trải nghiệm thực tế, đã đi tình nguyện, gắn bó mật thiết với hoạt động xã hội… thì cần xem xét đến yếu tố này; tuy nhiên, trong tiêu chí tuyển dụng lại không có. Vì thế, các tiêu chí cần phải cụ thể hơn, nếu chỉ dừng lại như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và viên chức thì chưa tới tầm và chưa đáp ứng được mong muốn” – đại biểu Ngô Thị Minh nói.

Bỏ biên chế suốt đời: Rất cần có Luật Nhà giáo ảnh 2
Theo đại biểu Ngô Thị Minh, hiện nay việc tuyển dụng viên chức có phần cứng nhắc. Với những giáo viên đã ký hợp đồng 5 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn, đại đa số họ đều gắn bó, tâm huyết với nghề. Trong khi đó, nghề dạy học đòi hỏi những thầy cô phải thực sự tâm huyết, thật sự yêu thương học sinh… Như vậy, khi tuyển dụng cần xét đến yếu tố này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.