Cùng với việc bồi dưỡng đội ngũ CB, GV, các địa phương đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trong đó, chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp để tăng tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, xây dựng phòng học bộ môn…
“Gỡ khó” công tác bán trú
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Toàn huyện hiện có 70% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. “Hầu hết HS lớp 3 ở các điểm trường lẻ đã được chuyển về học ở điểm trường chính. Huyện Bắc Trà My vừa có thêm 3 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn.
Đến nay, Bắc Trà My đã có 7/14 trường phát triển theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học. Đây là điều kiện để HS lớp 3 ở các điểm lẻ được chuyển về học ở điểm trường chính. Chính vì vậy, khi triển khai Chương trình - sách giáo khoa mới cho lớp 1, một số nơi sẽ thiếu phòng học nếu tổ chức cho 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT chủ trương sẽ bố trí 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày”.
Nhờ sự chia sẻ và góp sức từ cộng đồng, các tổ chức xã hội, những năm qua, nhiều điểm trường lẻ ở huyện miền núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) được xây dựng kiên cố. Như điểm trường Tắc Rối (thôn 3, xã Trà Tập) vừa mới khánh thành từ nguồn đóng góp và xây dựng của CLB Bạn thương nhau với kinh phí hơn 470 triệu đồng, gồm 2 phòng học, nhà ở GV, phòng bếp. Trước đó, 41 hộ dân làng Tắc Rối do lo sợ “họa núi đè” đã di dời về làng mới cách làng cũ khoảng 2 km khiến HS phải học tạm tại nhà dân. Đến nay, Nam Trà My chỉ còn 36/116 điểm trường lẻ chưa được kiên cố hóa.
UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã chỉ đạo ngành GD-ĐT tập trung gỡ khó cho việc tổ chức bán trú tại các trường tiểu học trên địa bàn. Tính đến cuối năm học 2018 – 2019, 100% trường tiểu học trong huyện tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng chỉ có khoảng 70% HS được học đủ 2 buổi/ngày. Tỷ lệ HS được ở lại bán trú tại trường chỉ khoảng 13%.
Điều này đã gây khó khăn cho phụ huynh khi phải đưa đón con ngày 2 buổi. Trường hợp phụ huynh không sắp xếp được việc đưa đón, phải chấp nhận phương án cho con ăn trưa tại các quán ăn gần trường hoặc HS tự mang cơm theo, các em cũng phải tự tìm chỗ chơi chờ đến giờ học buổi chiều. Chính vì vậy, chính quyền địa phương có kế hoạch ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường tiểu học, đảm bảo nơi ăn, ngủ, nghỉ cho HS.
Bữa ăn bán trú. Ảnh minh họa/ INT |
Đầu tư trang thiết bị dạy - học
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trường là công việc thường xuyên và lâu dài của ngành GD-ĐT. Ngành GD-ĐT huyện Bắc Trà My đã chủ động rà soát, kiểm kê thiết bị dạy học ở các trường tiểu học, đối chiếu với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu mới của từng lớp do Bộ GD&ĐT ban hành để giữ lại các thiết bị dạy học còn tiếp tục sử dụng được, chỉ mua bổ sung các thiết bị dạy học mới hoặc còn thiếu so với danh mục mới theo tiến độ triển khai.
Sở GD&ĐT Kon Tum đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện để áp dụng Chương trình – sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020 – 2021. Trong đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của các trường học được đầu tư theo hướng khang trang, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu và đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học.
Trong năm học 2018 – 2019, Kon Tum đầu tư xây mới 128 phòng học, 225 công trình vệ sinh, 12 phòng học bộ môn, 56 phòng học chức năng, sửa chữa, nâng cấp 285 phòng học, 87 nhà vệ sinh và 83 phòng chức năng. Trong đầu tư xây dựng thêm phòng học mới, các địa phương đều hướng đến tính đồng bộ để đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lâu dài, hạn chế việc xây dựng nhỏ lẻ chỉ để đáp ứng trước mắt việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, phải điều chỉnh, bổ sung sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Đối với những địa bàn thuận lợi như TP Đà Nẵng, ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh với mục tiêu đến năm 2020, có 50% số trường học là trường thông minh (smart school), trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ triển khai ít nhất mỗi trường học có một lớp học thông minh dùng chung để làm mô hình thí điểm.