Nỗ lực hết sức để thành công
Đối với những HS khác, thời gian sau giờ học và cuối tuần thường bị các hoạt động ngoại khóa chiếm lĩnh nhưng nếu không có nó, một HS có rất ít cơ hội vào một trường ĐH tốt hay có một việc làm vừa ý.
Trẻ em từ các gia đình có thu nhập ít hơn dường như gặp bất lợi từ ban đầu trong hệ thống GD Nhật Bản, trong khi áp lực để thành công đôi khi lớn đến nỗi một HS phải tự sát.
Cũng trải qua một hệ thống GD không khác nhiều so với của con em mình, các bậc phụ huynh Nhật thường ủng hộ cách mà các trường dạy HS bây giờ.
“Để HS có nhiều kiến thức hơn mức cơ bản là điều quan trọng và đó là lý do tại sao trẻ em cần phải học và đi học thêm. – Kanako Hosomura, phụ huynh có 2 con trai nói – Cha mẹ làm việc vất vả để con cái có cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Do vậy chúng phải nghiêm túc trong học tập và đó cũng là điều mà bố mẹ tôi dạy tôi trước đây”.
“Nhật Bản có lịch sử về GD rất lâu đời, tỷ lệ người biết chữ cao và truyền thống có các trường tư có từ hàng trăm năm trước – Makoto Watanabe, giảng viên ngành thông tin truyền thông tại ĐH Bunkyo cho biết – GD luôn là phần quan trọng trong xã hội Nhật Bản”.
Theo Luật GD cơ bản của Nhật, trẻ em được yêu cầu phải học tiểu học trong 6 năm từ khi lên 6 tuổi và trường THCS – chương trình 3 năm khi các em bắt đầu 12 tuổi. Đa số các em sẽ học tiếp THPT hay ĐH để theo đuổi ngành nghề đã chọn. Các khóa học ĐH thường kéo dài 4 năm với khoảng 2,8 triệu HS theo học tại 778 trường ĐH tại Nhật.
Cư xử tốt, tôn trọng người cao tuổi… được truyền đạt cho trẻ em từ trước khi chúng đi nhà trẻ và những giá trị này tiếp tục được củng cố trong những năm các em đi học.
Điểm yếu của HS Nhật
Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng hệ thống GD Nhật còn yếu kém trong việc giúp trẻ em thể hiện một ý kiến hay có tư duy sáng tạo.
“Trẻ em Nhật Bản nói chung có kỷ luật tốt và theo kinh nghiệm của tôi, chúng thực sự muốn học và hiểu tầm quan trọng của GD – Thầy giáo Masatao Sasaki của Trường trung học Nissato cho biết – Tôi muốn nói rằng lúc này, hơn 90% các em học vì thực sự thích hơn là vì có ý tưởng rõ về việc muốn làm sau này trong tương lai”.
Tuy nhiên, HS Nhật vẫn thấy tự thể hiện bản thân là điều khó khăn – thầy Sasaki thừa nhận. Theo ông, các trường học ở Nhật có thể có quá nhiều kỷ luật. HS đơn giản chỉ tuân thủ theo lời GV mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Giờ đây các em do dự khi phải nghĩ khác đi và chỉ muốn được ai đó dạy cho câu trả lời.
Một nỗ lực của Chính phủ nhằm khuyến khích HS sáng tạo hơn nhưng vẫn chưa đem lại kết quả. Theo thầy Watanabe, vì GV được đào tạo theo cách truyền thống và họ thấy khó để dạy học theo cách khác.
“Tôi thấy trong lớp ở trường ĐH bây giờ, SV thường im lặng thậm chí ngay cả khi họ được khuyến khích tham gia nhiều hơn, nhưng khi giao cho họ một chủ đề hay topic để bàn luận, họ lại rất có khả năng và làm tốt” – Ông nói.
Trước những lo ngại rằng tiêu chuẩn GD Nhật Bản có thể tụt hậu so với một vài quốc gia khác như Hàn Quốc và Singapore, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe gần đây đã quyết định khôi phục buổi học bắt buộc vào sáng thứ Bảy tại các trường trung học trên cả nước.