Tháng 1/2022, chương trình hỗ trợ giáo dục “Kỹ sư tương lai” của Amazon triển khai khóa đào tạo IT căn bản cho giáo viên từ các trường học nghèo thuộc ngoại ô thành phố Pune, Ấn Độ. Tháng 5, các thầy cô trở lại trường với hành trang “số” đầy ắp. Chào đón họ là 6 nghìn học sinh sẵn sàng bước sang kỷ nguyên số ngay tức thì.
Bước đầu chuyển đổi
Trong Ấn Độ, Pune là thành phố lớn nhì bang Maharashtra và đông dân thứ 7 cả nước. Trái với nội thành khá giàu có, khu vực ngoại ô rất nghèo, tất cả các trường học công lập đều trong tình trạng thiếu thốn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên công nghệ.
“Tuy nghèo, các học sinh hết sức ham học hỏi. Khuôn mặt của các em sáng ngời lên mỗi khi học được điều gì đó mới. Chính điều đó đã làm tôi thấy nghề giáo là công việc tuyệt vời”, thầy Manoj Panchal, giáo viên Trường Tiểu học Zilla Parishad, chia sẻ. Đầu năm 2022, khi chương trình “Kỹ sư tương lai” - (Future Engineer AFE) của Amazon đến Ấn Độ, thầy Panchal lập tức tham gia, trở thành người đóng góp kiêm học viên mới.
Sau khi tới Ấn Độ, AFE chọn khu vực ngoại ô Pune làm đối tượng hỗ trợ. Họ mở khóa dạy các nguyên tắc cơ bản về mã hóa, cấp chứng chỉ cho các giáo viên trường công lập. Thông qua lớp này, các thầy cô được làm quen với máy tính, trang bị kiến thức công nghệ nền. Sau 5 tháng, họ đã “tốt nghiệp”.
Tổng cộng có 576 giáo viên Pune đã đăng ký và thông qua khóa đào tạo của AFE. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào giảng dạy”, thầy Panchal tự tin nói.
Thầy Manoj Panchal vui vẻ giới thiệu “số” cho học sinh. Ảnh: Krystelle Dsouza, Thebetterindia. |
Tiếp cận nhanh
Về tới trường, thầy Panchal cũng như các giáo viên khác, được học sinh nhiệt tình chào đón. Các em chăm chú nghe giảng về máy tính và phương pháp viết mã, hào hứng tiếp cận thiết bị công nghệ mới.
Chỉ mới vài tháng trôi qua, áp dụng “số” đã cho thấy hiệu quả tích cực. “Các lớp học tràn ngập thực hành. Tôi xin lấy lớp của thầy Panchal làm ví dụ. Vốn dĩ, trước khi đăng ký AFE, thầy Panchal đã nổi tiếng trong hệ thống giáo dục Ấn Độ là người am tường và thành thạo kỹ thuật. Thầy ấy từng tự tay thiết kế và chế tạo thành công cỗ máy giúp giải cứu người bị ngã xuống giếng. Trải qua khóa đào tạo, kỹ năng và hiểu biết công nghệ của thầy ấy càng được nâng cao.
Trong giảng dạy, thầy Panchal luôn đề cao thực hành. Nhờ thầy, học sinh sớm quen với áp dụng lý thuyết vào thực tế. Giờ đây, các em thích thú áp dụng các tiện ích công nghệ vào học tập. “Số” không chỉ đơn giản hóa quá trình học tập, mà còn cho phép trau dồi các kỹ năng mới học được ngay”, Tejas Bhirud - Giám sát viên từ Tổ chức giáo dục phi chính phủ Leadership for Equity ở Ấn Độ, phản ánh.
Tại Pune, AFE hợp tác với DIET, phòng giáo dục thành phố chịu trách nhiệm phát triển chuyên môn cho giáo viên. “Tôi khẳng định, sự hợp tác này là bước đi đúng hướng”, Bhirud đánh giá.
Có “số”, buổi học thú vị hơn. Ảnh: Krystelle Dsouza, Thebetterindia. |
Học là niềm vui
Ngoại ô Pune nói riêng và nông thôn Ấn Độ nói chung đang rất khát “số”. Trẻ em và thanh niên không chỉ mong mỏi được tiếp cận số, mà còn tích cực áp dụng hiểu biết mới vào sáng tạo. Năm 2019, chỉ vì đi ăn nhà hàng được robot phục vụ, học sinh lớp 12 tên Muhammed Shiyad Chatoth ở Kannur đã quyết tâm “làm một con cho cha mẹ dùng” và thật sự tự tay chế tạo thành công.
“Với học sinh ngoại ô Pune lúc này, học đang là niềm vui, tiết công nghệ nào cũng đầy hứng khởi”, Giám sát viên Tejas nhận thấy. Khi không đủ tài nguyên để thực hành, các em chơi trò nhập vai, một người đóng vai máy tính còn một người đóng vai học sinh thực hành. Thông qua trò chơi nhập vai này, các em tự kiểm tra kiến thức lẫn nhau một cách vui vẻ. “Nhờ thế mà dù thiếu máy tính, tiết học vẫn rất hiệu quả và đặc biệt là rất vui”, Giám sát viên Tejas cho biết.
Một trong các phần mềm được các em yêu thích nhất là ngôn ngữ lập trình trực quan Scratch. Các thầy cô hướng dẫn học sinh tạo hoạt ảnh, trò chơi và đối thoại, khiến giờ học thú vị, hấp dẫn không khác gì giờ chơi.
“Phạm vi số hóa đang mở rộng rất nhanh, từ giáo viên lan tỏa cho học sinh và từ học sinh lan tỏa ra cộng đồng. Có vẻ như, tác động của AFE đang vượt cả ra ngoài lớp học, trang bị thêm cho trẻ em những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Ví dụ như kỹ năng kỹ thuật, hiểu biết trí tuệ nhân tạo”, Giám sát viên Tejas phát hiện.
Ngày nay, khoa học máy tính là bộ môn thiết yếu trong học đường và công nghệ là tiện ích cuộc sống. Ngành giáo dục có trách nhiệm phải luôn đuổi kịp, ứng dụng vào giảng dạy và sáng tạo phương pháp mới hợp thời hơn. “Công nghệ là điểm nhấn. Trẻ em càng được trang bị kỹ năng công nghệ sớm thì càng tiến bộ nhanh, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”, Giám sát viên Tejas kết luận.