Học sinh Mỹ đến Việt Nam xây nhà nhân ái

GD&TĐ - Ngôi nhà vừa mới hoàn thành phần móng của bà Lâm Thị Tịnh ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có những “thợ hồ” đặc biệt đến từ nước Mỹ xa xôi. Họ làm việc hăng say dưới cái nắng oi bức của miền Trung, giọt mồ hôi đổ xuống đổi lại là những căn nhà dần thành hình.

Caia vui vì được góp sức xây nhà cho những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TG
Caia vui vì được góp sức xây nhà cho những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TG

Đến Việt Nam qua lời kể của mẹ

Việt Nam nơi yên bình, cảnh đẹp bao la, con người thân thiện và là quê hương của mẹ - đó là những điều Charles Caiafa (17 tuổi) được nghe kể từ mẹ. Charles có mẹ là người gốc Huế, với cậu đây là lần trở về Việt Nam đầu tiên và đặc biệt hơn khi Charles được góp sức xây dựng nên những ngôi nhà cho gia đình hoàn cảnh khó khăn tại quê hương của mẹ.

“Sau 16 năm kể từ khi Tổ chức Putney Students Travel đưa đến Quảng Ngãi đoàn sinh viên Mỹ đầu tiên, đến nay đã có 52 căn nhà, trường học được xây mới; hơn 1 nghìn xe đạp được tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. - Anh Lê Vin - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi

Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, lấm thấm vài vệt xi măng sau nhiều giờ đắp vữa, đặt gạch, nhưng Charles cùng những người bạn vẫn làm việc hăng hái, tiếng nói cười xóa nhòa sự mệt mỏi. Với sự hướng dẫn của những người thợ và giúp sức của các bạn học sinh Mỹ, bức tường dần hình thành. “Với em, đây là học kỳ đặc biệt. Không chỉ để hiểu văn hóa, con người quê mẹ, mà hơn cả là em hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống. Sau chuyến đi này, em sẽ kể cho mẹ về Việt Nam cùng những câu chuyện ý nghĩa”, Charles tâm sự.

Tại xã Tịnh Kỳ, 18 học sinh đến từ Mỹ chia làm ba nhóm kết hợp cùng bạn trẻ Việt Nam và thợ lành nghề, xây dựng 3 ngôi nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Là thành viên nhỏ nhất đoàn, Neil Rohde (14 tuổi), thoăn thoắt bê gạch cho đội xây tường. Cô gái trẻ chia sẻ mới chỉ tìm hiểu về Việt Nam qua Internet, mọi kiến thức về chuyến đi Neil mường tượng chỉ đơn giản là dịp để giao lưu văn hóa giữa các bạn trẻ, giúp đỡ người khó khăn, dạy tiếng Anh miễn phí cho người bản xứ như một khóa sinh hoạt hè của mình. Sau nhiều ngày lao động, cô đã có thêm cho mình nhiều trải nghiệm.

“Em thích công việc này, vì ý nghĩa của nó và hơn hết ở đây còn có nhiều người khác cùng đồng hành. Người dân nơi đây thân thiện, nếu có cơ hội nhất định em sẽ quay lại”, Neil nói.

Hoạt động là cơ hội để thanh niên hai nước có thể giao lưu.

Hoạt động là cơ hội để thanh niên hai nước có thể giao lưu.

Tô thắm tình hữu nghị

Đạp xe hơn 18km từ nơi ở đến khu vực xây dựng những ngôi nhà cũng là hành trình thú vị của cô cậu học sinh Mỹ. Những cái vẫy tay chào nhau, câu “hello” liên tục từ người dân, khiến các bạn thấy vui vẻ.

Scarola Caia, 15 tuổi, năm trước đã đến một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, còn năm nay em đến Việt Nam. Caia tìm hiểu về Việt Nam từ nhiều tháng trước, cô gái trẻ biết đây là đất nước rất an toàn, bình yên và con người thân thiện.

“Em rất vui khi được trực tiếp xây nhà cùng các bạn. Người dân ở đây rất tốt bụng, luôn chào đón chúng em. Dạy tiếng Anh cho những bạn nhỏ và xây dựng nhà giúp những người cơ nhỡ là công việc ý nghĩa”, Caia nói.

Đồng hành cùng nhóm học sinh Mỹ suốt những ngày qua là nhóm 6 tình nguyện viên người Việt. Nổi trội nhất là em Bùi Gia Bin (18 tuổi) học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Vốn tiếng Anh tốt, Bin dễ dàng giao tiếp và trở thành cầu nối cho những cuộc trò chuyện và giúp các bạn Mỹ nhanh chóng thuần thục kỹ năng mà những người thợ hồ hướng dẫn.

Charles chăm chú xây tường.

Charles chăm chú xây tường.

Bin chỉ tay về phía Ian (16 tuổi) - người đang chăm chú xếp gạch xây tường - nói: “Ian được mấy chú thợ hồ khen là sáng dạ nhất, học rất nhanh nên qua vài bước hướng dẫn có thể xây tường được luôn. Lần đầu tiên tham gia hoạt động ý nghĩa này, em học hỏi được rất nhiều điều về tinh thần cũng như cách làm việc của các bạn trẻ người Mỹ”.

Đã 16 năm từ khi Tổ chức Putney Students Travel (Mỹ) đưa những học sinh, sinh viên Mỹ đầu tiên đến Quảng Ngãi xây nhà, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em các vùng khó khăn. Năm nay, Tổ chức Putney Students Travel đưa 35 học sinh cùng số tiền hơn 370 triệu đồng tài trợ xây dựng 6 căn nhà cho 6 hộ dân khó khăn ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Tại xã Tịnh Kỳ, những ngôi nhà đang được xây dựng dành cho mảnh đời kém may mắn, bệnh tật, độc thân. “Nhờ những người bạn đến từ đất nước xa xôi mà giấc mơ về ngôi nhà vững chãi của những hoàn cảnh khó khăn được thực hiện”, anh Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đoàn xã chia sẻ.

Điển hình là trường hợp bà Lâm Thị Tịnh (59 tuổi) bị khuyết tật, thần kinh không ổn định và không thể tự lo cho bản thân. Nghe chuyện được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây căn nhà mới bà mừng lắm. Nhưng rồi bà “xin trả” vì không có số tiền vài chục triệu đồng góp vào cùng xây nhà. Thế là chính quyền, người thân và người trong làng cùng nhau góp lại giúp bà có được căn nhà mơ ước. “Các bạn trẻ người Mỹ rất thân thiện và tốt bụng. Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn món quà đặc biệt từ những người bạn phương xa”, chị Thu (cháu bà Tịnh) nói.

Anh Lê Vin - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - cho biết: “Hơn cả một chương trình tình nguyện quốc tế, những đóng góp và tình cảm của các bạn học sinh, sinh viên Mỹ để lại những dấu ấn khó phai. Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và bà con luôn dành những tình cảm quý mến để chào đón các bạn. Chương trình này còn tiếp diễn trong những năm tới. Chúng tôi hy vọng sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa thanh niên hai nước để tiếp tục làm những việc đầy ý nghĩa”.

Trước chuyến đi, Charles nghe mẹ kể về lòng nhân ái, sự mến khách của con người Việt Nam và mẹ muốn cậu làm những việc tử tế tại quê hương của bà. Charles không hình dung được hết cho đến khi nhận được sự đón tiếp, tận tình chỉ dẫn cách xây nhà như một thợ hồ thật thụ, em đã hiểu được điều mẹ nói. Với chàng trai trẻ, nụ cười của chủ nhân căn nhà là điều tuyệt vời nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.