Cô giáo vận động xây nhà vệ sinh cho đồng bào sống trên đỉnh Ngọc Linh

GD&TĐ - Trước Tết Nguyên đán 2022, 30 hộ dân của làng Tắk Pổ (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) đều xây xong nhà vệ sinh khép kín. Cô giáo Trà Thị Thu là người vận động kinh phí, hướng dẫn và giám sát việc xây dựng.

Cô giáo Trà Thị Thu "nghiệm thu" công trình nhà vệ sinh tại nhà một người dân ở nóc Tắk Pổ
Cô giáo Trà Thị Thu "nghiệm thu" công trình nhà vệ sinh tại nhà một người dân ở nóc Tắk Pổ

“Phủ” công trình nhà vệ sinh khép kín

7 năm gắn bó với các bản làng ở Trà Tập, trong đó phần nhiều thời gian dạy học ở Tắk Pổ, cô Trà Thị Thu vẫn ấp ủ ước mơ thay đổi phần nào thói quen vệ sinh lâu nay cho bà con. Nhưng kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh vẫn là một bài toán khó.

Cô Trà Thị Thu đã dành rất nhiều thời gian để tập cho các em những thói quen khi đi vệ sinh. “Ở gia đình các em chưa có nhà vệ sinh. Mỗi lần đi vệ sinh, bà con thường đi vào rừng, đi xa xa ra ngoài núi. Sau khi đi vệ sinh cũng không dùng giấy. Vì vậy, tôi phải tập luyện cho các em rất nhiều về cách đi vệ sinh, sử dụng giấy để lau sau khi vệ sinh xong, cách dội nước sao cho sạch, cả cách giữ cho nhà vệ sinh được sạch sẽ cũng đều phải chỉ cho các em từng chút một…” – cô Thu chia sẻ.

Cô Trà Thị Thu hướng dẫn học sinh các kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh cá nhân.
Cô Trà Thị Thu hướng dẫn học sinh các kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh cá nhân.

Nhờ sự kiên trì của cô Thu, học sinh ở điểm trường Tắk Pổ hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới chuyển về học bán trú tại điểm trường chính khi lên lớp 3. Các em bớt đi sự bỡ ngỡ, có thể tự phục vụ được những nhu cầu tối thiểu của bản thân khi sống tập thể, ở lại bán trú.

Trước Tết Nguyên đán 2022, uớc mơ “phủ” công trình nhà vệ sinh cho dân làng Tắk Pổ của cô giáo Trà Thị Thu dần trở thành hiện thực khi có nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng làm kinh phí xây dựng.

Vận chuyển vật liệu xây dựng nhà vệ sinh lên nóc Tắk Pổ bằng xe máy với con đường đầy bùn nhão nhoẹt.
Vận chuyển vật liệu xây dựng nhà vệ sinh lên nóc Tắk Pổ bằng xe máy với con đường đầy bùn nhão nhoẹt.

“Tôi lập tức bàn bạc với đại diện các hộ gia đình. Với chừng đó kinh phí, nếu xây tường gạch thì sẽ không đủ. Việc xây nhà vệ sinh tự hủy thì bà con rất mong muốn nên không phải thuyết phục gì nhiều.

Bà con thống nhất sẽ chỉ lợp tôn chứ không xây tường gạch, cây gỗ thì đã có sẵn, cát thì lấy ở những con suối gần đó; chỉ phải mua xi măng, gạch, ống nhựa… để xây hầm chứa, bệ xí bệt. Việc vận chuyển vật liệu lên Tắk Pổ thì có đoàn viên Đoàn thanh niên xã đoàn Trà Tập giúp đỡ” – cô Thu kể.

"Kỹ sư bất đắc dĩ"

Mất hơn một ngày vừa vận chuyển bằng xe máy, vừa phải vác bộ với đoạn đường khoảng 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ vật liệu đã được tập kết tại Tắk Pổ.

Ngoài chở vật liệu bằng xe máy, các đoàn viên thanh niên và bà con nóc Tắk Pổ còn phải vác bộ khoảng 2 giờ đồng hồ
Ngoài chở vật liệu bằng xe máy, các đoàn viên thanh niên và bà con nóc Tắk Pổ còn phải vác bộ khoảng 2 giờ đồng hồ

Quá trình xây dựng nhà vệ sinh, cô Thu trở thành “kỹ sư bất đắc dĩ”, vừa hướng dẫn cách đào hầm, xây dựng vừa giám sát chất lượng công trình. “Trong quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện, tôi có để ý đến các công đoạn xây dựng nhà vệ sinh tự hủy, rồi tìm hiểu thêm trên mạng để có thể hướng dẫn bà con cách xây dựng cho đúng kỹ thuật” – cô Thu chia sẻ.

Chi phí của mỗi công trình vệ sinh chỉ hơn 2 triệu đồng, nhưng với những hộ gia đình sinh sống trên dãy núi Ngọc Linh, đây là món quà rất quý

Anh Hồ Văn Tiến – phó trưởng nóc Tắk Pổ phấn khởi: “Bà con cũng mong có chỗ đi vệ sinh kín đáo, sạch sẽ. Từ nay không cần phải đi xa xa ra ngoài núi, đêm hôm cũng không lo; hết sợ heo, sợ vắt”.

Dù mỗi công trình nhà vệ sinh khép kín đều được xây dựng ở mức tối giản, nhưng bà con nóc Tắk Pổ đều rất phấn khởi.
Dù mỗi công trình nhà vệ sinh khép kín đều được xây dựng ở mức tối giản, nhưng bà con nóc Tắk Pổ đều rất phấn khởi. 

Cô Trà Thị Thu thì chia sẻ rất giản dị: “Nếu ở nhà của các em có nhà vệ sinh khép kín, thì những kỹ năng tự chăm sóc, giữ vệ sinh cho bản thân mà cô giáo hướng dẫn ở lớp, các em có thể thực hiện ở nhà và trở thành một thói quen. Cô giáo không phải mất công lặp đi lại lại nhiều lần. Cảnh quang của bản làng cũng sẽ sạch đẹp, vệ sinh hơn”.

Điện lưới vẫn chưa về đến Tắk Pổ. Thế nhưng, núi rừng ban đêm cũng bớt đi sự u tịch khi được chiếu sáng bởi những cây trụ điện được thắp sáng bằng tấm pin năng lượng mặt trời. Đường lên Tắk Pổ đã có thể đi được xe máy. Có đường, có điện, cuộc sống của bà con nóc Tắk Pổ đang có sự đổi thay từng ngày từ những kết nối của các thầy cô giáo.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.