Ca trù - thể loại nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể, đại diện của nhân loại, cần được bảo tồn khẩn cấp.
Một trong những giải pháp bảo tồn quan trọng là đưa phong trào hát dân ca vào trong trường học, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tài cho quê hương đất nước.
Nhận thức rõ giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của Ca trù, nét “tương đồng, dị biệt” của ca trù Hải Phòng trong dòng chảy âm nhạc dân gian cả nước; cộng đồng trách nhiệm trong vào việc giữ gìn và bảo tồn tinh hoa của thể loại âm nhạc dân gian này, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức chuyên đề cấp thành phố: Ca trù - Nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ Trường THCS thị trấn Núi Đối thực hiện tiết dạy. |
Chuyên đề cô Nguyễn Thị Minh Huệ - giáo viên Âm nhạc lên lớp tiết dạy minh hoạ với học sinh lớp 8 của Trường THCS thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thuỵ.
Tiết dạy chủ đề 4: Tìm hiểu về Ca trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng tích hợp nội dung Âm nhạc với cuộc sống trong Chương trình Âm nhạc lớp 8 và Nội dung Giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT 2018 với các yêu cầu cần đạt: Nhận biết được vài nét về di sản văn hóa đã học được UNECO công nhận; giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể khác được UNECO công nhận.
Học sinh tham gia tiết học. |
Tiết dạy sử dụng phương pháp dạy học theo hướng trải nghiệm, với 10 hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong Chương trình GDPT 2018, như: Hoạt động câu lạc bộ; Tổ chức trò chơi; Tổ chức diễn đàn; Sân khấu tương tác; Tham quan, dã ngoại; Hội thi; Tổ chức sự kiện; Hoạt động giao lưu; Hoạt động chiến dịch; Hoạt động nhân đạo.
Đại diện nhóm học sinh trình bày những hiểu biết về Ca trù. |
Chuyên đề cũng là dịp để giáo viên bộ môn các nhà trường thảo luận, trao đổi về cách thức xây dựng chủ đề dạy học, xác định yêu cầu cần đạt; việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, kiểm tra, đánh giá so với yêu cầu cần đạt của chủ đề dạy học; giải pháp để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật biểu diễn Ca trù, phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của xã hội.
Đưa loại hình âm nhạc dân gian vào giảng dạy trong nhà trường góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp. |
Đặc biệt, tại chuyên đề, các đại biểu được giao lưu, trao đổi với ông Trần Văn Minh - Chuyên viên chính, phụ trách môn Nghệ thuật, Vụ GDTrH, Bộ GD&ĐT, lắng nghe sự hướng dẫn chỉ đạo về các hoạt động chuyên môn để giảng dạy có hiệu quả bộ môn trong các nhà trường. Đồng thời, qua việc giao lưu, trao đổi với nghệ nhân Ca trù đến từ CLB Ca trù Đông Môn, Hải Phòng sẽ làm nổi bật lên nét đẹp nghệ thuật của loại hình âm nhạc dân gian cần được bảo tồn, phát triển.
Theo dòng lịch sử, cách đây hàng trăm năm, ca trù được triều đại Nhà Lý gọi là Ả đào - là thể loại nghệ thuật do các bậc tiền nhân sáng tạo, bồi đắp và lưu truyền trong nhân gian.
Qua nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đánh giá, ca trù Việt Nam mang tính thuần Việt, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Đóng góp vào sự vinh danh Ca trù Việt Nam ở tầm vóc quốc tế này, có Ca trù Hải Phòng.
Với những thăng trầm của lịch sử, Ca trù Hải Phòng luôn gắn liền với sự phát triển của ca trù cả nước và được biết đến với những địa danh nức tiếng một thời như ca trù làng Đông Môn, xã Hoà Bình, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.