Học sinh hào hứng cách chấm điểm sáng tạo của giáo viên

Một giáo viên trung học tại Franklin Park, bang Illinois, Hoa Kỳ đang sử dụng những hình ảnh GIF, “meme” hoặc các biểu tượng cảm xúc để chấm điểm bài tập về nhà của học sinh, và kết quả của lối chấm điểm kỳ lạ này thực sự đáng ngạc nhiên.

Học sinh hào hứng cách chấm điểm sáng tạo của giáo viên

Ainee Fatima là giáo viên dạy tiếng Anh và truyền thông, 27 tuổi. Cô cho biết việc sử dụng “meme”, tức là các hình ảnh hoặc biểu tượng cảm xúc để chấm điểm bài tập đã có tác dụng ngay lập tức khiến học sinh vô cùng hứng thú, học nhiều hơn và tốt hơn.

Fatima nói với Daily Dot rằng là một giáo viên trẻ, cô biết làm điểu gì là đúng. “Tôi cần một cách để thể hiện cảm xúc của mình dành cho học sinh trong khi chấm điểm”, cô nói.

“Tôi nghĩ “meme” và GIF (“Graphics Interchange Format” - ảnh động, hình ảnh hài hước dùng để bày tỏ ý kiến hay cảm xúc) là một phần của văn hóa nhắn tin ngày này, chúng ta bày tỏ cảm xúc và phản ứng của mình với mọi thứ. Vì vậy tôi nghĩ tại sao không sử dụng nó để chấm điểm?".

Bức ảnh cậu bé Sammy Griner được mẹ chụp và tải lên Flickr khi cậu chỉ vừa tròn 11 tháng vào năm 2007 là thành một trong những “meme” nổi tiếng và phổ biến nhất trong cộng đồng mạng
Bức ảnh cậu bé Sammy Griner được mẹ chụp và tải lên Flickr khi cậu chỉ vừa tròn 11 tháng vào năm 2007 là thành một trong những “meme” nổi tiếng và phổ biến nhất trong cộng đồng mạng

Fatima đã chia sẻ cách làm của mình với các giáo viên khác. Cô in chúng lên giấy nhớ và tự cắt chúng ra.

Fatima cũng đã sẵn sàng cho những lời chỉ trích trên mạng, cô giải thích với những người nghĩ lớp học không phải là một không gian thích hợp cho “memes” và GIF rằng cô sẽ không sử dụng phương pháp chấm điểm này với các học sinh ở cấp học thấp hơn.

Tuy nhiên, những học sinh trung học của cô yêu thích nó. Cô cũng chỉ ra rằng kể từ khi lớp học của cô xoay quanh các chủ đề "truyền thông xã hội, xu hướng, tin tức, chính trị, âm nhạc, phim", các “memes” và GIF là một sự bổ sung hoàn toàn thích hợp.

Một trong những ảnh chế được cô giáo Ainee Fatima dùng để chấm bài.
Một trong những ảnh chế được cô giáo Ainee Fatima dùng để chấm bài.

Cách làm của cô đã được lan truyền nhanh chóng và nhận được nhiều sự ủng hộ trên mạng xã hội Twitter trong tuần này. Mọi người yêu thích ý tưởng này, họ cho rằng phương pháp “speaking their language - nói ngôn ngữ của họ” rất có ý nghĩa đối với phụ huynh, học sinh và các giáo viên khác.

"Chúng tôi cần nhiều giáo viên như bạn, những người làm cho giáo dục trở nên thoải mái và vui vẻ cho trẻ em", một người dùng Twitter đã viết.

Những người khác lại đã đưa ra đề xuất sử dụng các loại “memes” khác nhau cho các loại bài tập khác nhau. Những nhân vật nổi tiếng như Deadpool, Kevin Hart và Shia LaBeouf đều được đề xuất để tăng tính hài hước và vui nhộn cho cách chấm điểm này.

Hình ảnh cách chấm điểm của nữ giáo viên chia sẻ trên trang Twitter gây ấn tượng mạnh.
Hình ảnh cách chấm điểm của nữ giáo viên chia sẻ trên trang Twitter gây ấn tượng mạnh.

Fatima cho biết phản ứng từ các học trò của mình, giáo viên, và thậm chí cả những người xa lạ trên mạng đều thật tuyệt vời. Cô liên tục tìm kiếm những cách mới để thu thập thông tin cho học sinh của mình và học hỏi phương pháp của các giáo viên khác.

Cô nhanh chóng nhận ra rằng cô không phải là người đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng “memes” và tham khảo văn hóa đại chúng (“pop culture”) để thúc đẩy sự ham học hỏi của học sinh.

Các giáo viên khác đã chia sẻ những ví dụ về phương pháp của họ để thu hút được sự quan tâm và hứng thú ở học sinh. Một giáo viên thậm chí còn sử dụng nhãn dán Bitmoji (Bitmoji là ứng dụng tạo sticker mà người dùng tự chọn lựa, chỉnh sửa từng chi tiết để tạo thành biểu tượng cảm xúc của riêng mình) để chấm điểm.

“Đôi khi điều quan trọng đối với giáo viên là phải hiểu được trình độ của học sinh và dạy học phù hợp với khả năng của học sinh” Fatima nói.

“Tận dụng được văn hóa đại chúng và các phương tiện truyền thông trong chương trình giảng dạy sẽ khiến nội dung bài học và hướng dẫn của giáo viên trở nên hấp dẫn và dễ hiểu hơn là cách giảng dạy truyền thống.

Nghe có vẻ vô lý nhưng dù chỉ vài học sinh cố gắng học tốt hơn một chút cũng đã khiến một ngày của tôi trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều! Tôi đang cố gắng để trở thành một giáo viên mà chính tôi cần khi còn đi học".

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ