Theo các chuyên gia, học sinh Hàn Quốc ngày càng sợ môn Toán do vấn đề về phương pháp giáo dục.
Viện Nghiên cứu và Đánh giá Chương trình giảng dạy Hàn Quốc chỉ ra 11,6% học sinh lớp 9 và 14,2% học sinh lớp 11 tại Hàn Quốc xếp loại học lực “dưới trung bình” môn Toán trong năm 2021. Con số này đã tăng dần trong năm năm trở lại đây. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh có học lực “trung bình” trở lên ở môn Toán giảm đáng kể.
Ông Ha Seung-yeal, Giáo sư khoa Toán học tại Trường Đại học Quốc gia Seoul, đánh giá: “Học sinh không thích học môn Toán vì các câu hỏi trong đề thi khó vượt mức cần thiết”.
Đồng tình với ông Seung-yeal, các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc nhận định, Toán học là môn quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc. Dù trong những năm gần đây, phạm vi kiến thức của môn thi này đã được tinh giản nhưng các câu hỏi vẫn ở mức độ khó cao. Chưa kể, trong các đề thi, kỳ kiểm tra cấp trường, đề thi môn Toán luôn là một trong những đề thi khó nhất.
Ngoài ra, giáo dục phổ thông tại Hàn Quốc vẫn áp dụng phương pháp giáo dục tư duy chiều dọc, có nghĩa là ít sự đổi mới, mang nặng nguyên tắc, truyền thống. Điều đó dẫn đến việc học môn Toán không còn thú vị mà trở thành áp lực với phần đông học sinh, từ đó khiến nhiều học sinh bỏ học môn Toán.