Hút thuốc để tập làm người lớn
Đầu tháng 12/2020, cả phụ huynh, HS và GV Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại khi công an xã thông báo có 30 HS, trong đó có 2 nữ liên quan đến hành vi sử dụng thuốc lá điện tử. Theo lời kể, khi được cha mẹ trang bị điện thoại thông minh, các em đã truy cập vào trang mạng xã hội và bắt gặp những thông tin về quảng cáo thuốc lá điện tử. Theo những lời quảng cáo này, thuốc là điện tử không gây nghiện và không hại cho sức khỏe, thậm chí còn tăng cường trí nhớ và sảng khoái tinh thần. Tò mò muốn thử để… thể hiện cá tính, một số em đặt mua rồi rủ rê bạn bè sử dụng.
Những HS trên, ngoài việc được giải thích tác hại của thuốc lá điện tử bằng những dẫn chứng thuyết phục đã được yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Công an cũng mời phụ huynh đến làm việc và hướng dẫn phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng điện thoại của con. Nếu không thực sự cần thiết thì không nên trang bị điện thoại có kết nối Internet để tránh việc truy cập vào n trang mạng không phù hợp với lứa tuổi.
Trường THCS Trần Quốc Toản, sau sự việc này, đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống thuốc lá trong trường học, tăng cường việc quản lý nền nếp, đảm bảo HS thực hiện đúng nội quy, quy định của nhà trường. Các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử được lồng ghép trong tiết học và hoạt động ngoài giờ. Lực lượng công an xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền pháp luật và tác hại về ma túy, thuốc lá cho toàn thể GV, HS…
Tuyên truyền sớm để xây dựng hành vi tốt
PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trong quy định đánh giá xếp loại rèn luyện của SV, có các chế tài xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá trong trường học. Do vậy, vài năm gần đây, không có SV vi phạm”.
Thầy Phó Hiệu trưởng của trường ĐH Kinh tế giải thích: “Có thể đây là kết quả tuyên truyền tốt từ các trường THCS, THPT để xây dựng và hình thành cho HS thói quen, lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá. Các em có ý thức và biết bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.
Khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng được xem là một trong những cơ sở giáo dục có nhiều biện pháp triển khai mang lại hiệu quả để xây dựng trường học không khói thuốc. Nội dung phòng chống tác hại thuốc lá được đưa vào Nghị quyết của nhà trường nên công tác triển khai thực hiện gặp thuận lợi.
Thời gian đầu khi triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa… còn chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về tác hại thuốc lá cho HSSV. ĐH Đà Nẵng còn tổ chức các hội nghị chuyên đề về phòng chống tác hại của thuốc lá, kỹ thuật cai nghiện thuốc lá cho HSSV và tổ chức ký cam kết thực hiện trong toàn đơn vị.
Việc tuyên truyền, giáo dục đi kèm với những quy định xử phạt nếu phát hiện vi phạm đã giúp nhiều cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả mô hình trường học không khói thuốc.
L.N.C – SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Sinh viên kỹ thuật thường hay thức đêm để giải quyết bài tập, tìm ý tưởng thực hiện bài tập dự án… nên em và các bạn tìm đến thuốc lá với mong muốn tăng kích thích, đỡ buồn ngủ và tăng sự tập trung. Nhưng qua sinh hoạt đội nhóm, các thông tin từ tờ rơi, pano… rồi bài báo mang tính khoa học, dẫn chứng thuyết phục về tác hại của thuốc lá, em tập bỏ thuốc và đã quyết tâm bỏ được, Giờ chỉ cần ngửi mùi thuốc lá, em đã rất khó chịu”.