Chuyển biến tích cực trong phòng chống thuốc lá học đường

GD&TĐ - Việt Nam nằm trong tốp 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. 

Chuyển biến tích cực trong phòng chống thuốc lá học đường

Mỗi năm, Việt Nam có 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, sau 3 năm triển khai thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều người đã ý thức được tác hại của khói thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và cộng đồng...

Cách làm hay

Bệnh viện Quân y Trung ương 108, hàng ngày có hàng ngàn người hoạt động trong khuôn viên bệnh viện. Trong số này có tới hàng trăm người thường xuyên hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh hoạt chung, tác động tiêu cực đến việc khám, chữa bệnh.

Trước tình hình đó, để hướng tới xây dựng một bệnh viện không khói thuốc lá, Giám đốc Bệnh viện đã có chỉ thị “Về việc triển khai thực hiện Luật PCTHTL”. Bệnh viện triển khai nhiều biện pháp như: Tuyên truyền, cung cấp thông tin về tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động; tổ chức vận động, phát động tới từng khoa, phòng, các tổ chức quần chúng tham gia đăng ký không hút thuốc lá… Ở tất cả những điểm công cộng trong bệnh viện đều gắn biển cảnh báo “cấm hút thuốc lá”. Đến nay tình hình người nhà cũng như bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện đã giảm hẳn.

Em Chu Diệu Linh, HS lớp 10, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: Em cũng như các bạn trong trường rất ủng hộ và hưởng ứng tích cực việc nhà trường nghiêm cấm HS hút thuốc trong trường với quy định nếu phát hiện HS hút thuốc lá sẽ buộc phải viết kiểm điểm, thông báo về cho phụ huynh, thậm chí hạ hạnh kiểm nếu tái phạm. Việc tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá cũng được thầy cô lồng ghép vào môn GD công dân.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2016 vừa qua, WHO cùng Ban Thư ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã kêu gọi các quốc gia thành viên sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bao trơn. Bao bì thuốc lá trơn là bao bì in theo chuẩn chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá...

Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá, hạn chế sử dụng bao bì thuốc lá như một hình thức quảng cáo; hạn chế việc in các thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người sử dụng trên vỏ bao; làm tăng hiệu quả của các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh…

Ở nước ta, sau 3 năm thực thi Luật PCTHTL tại một số địa phương đã có những chuyển biến, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá chưa cao, ý thức chấp hành luật chưa nghiêm, bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện không hút thuốc, chế tài không đủ mạnh để xử phạt những trường hợp vi phạm…

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế): Để ngăn chặn, tiến tới hạn chế thấp nhất việc hút thuốc lá, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh truyền thông về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động; về Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật PCTHTL. Hằng năm, kiểm tra kế hoạch, quy chế nội bộ của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc… về việc phòng, chống tác hại của hút thuốc lá. Các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các địa điểm cấm hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương... Mặt khác, phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để tăng hiệu quả xử phạt, răn đe đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng...

Luật PCTHTL hiện hành đã quy định những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nhưng tại nhiều nơi công cộng, công sở, “vấn nạn” này vẫn diễn ra. Ngay tại một số bệnh viện, vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngang nhiên hút thuốc lá. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi làm việc, các phương tiện giao thông công cộng được quy định cấm hút thuốc hoàn toàn, nhưng hiện tượng hút thuốc lá vẫn diễn ra thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.