Học sinh Estonia hết “bỡ ngỡ” với học từ xa

GD&TĐ - Khi hàng loạt trẻ tại một số quốc gia tiếp tục không thể đến trường do Covid-19, không có máy tính xách tay hoặc Internet, học sinh ở Estonia đã gặt hái được thành quả nhờ đầu tư lâu dài vào học tập kỹ thuật số.

Trẻ em sử dụng iPad tại một trường học ở Tallinn.
Trẻ em sử dụng iPad tại một trường học ở Tallinn.

Rất lâu trước khi Covid-19 bắt đầu tàn phá thế giới, Estonia đã coi việc phát triển kỹ năng kỹ thuật số, Internet tốc độ cao và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là ưu tiên quốc gia. Năm 2001, Estonia là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới coi việc truy cập Internet là quyền con người.

Các trường học ở Estonia đã sử dụng tài liệu học tập kỹ thuật số và hệ thống quản lý điện tử trong nhiều năm. Vì vậy, khi đại dịch bùng phát và các trường học phải đóng cửa ở thủ đô Tallinn, trẻ em Estonia đã chuyển sang học trực tuyến mà không gặp khó khăn.

Taavi Kreitsmann - Hiệu trưởng Trường Tartu Erakool ở Estonia, chia sẻ: “Về nhiều mặt, chúng ta chắc chắn ở trong một hoàn cảnh may mắn hơn những người khác”. 

Tartu Erakool là tổ chức giáo dục dành cho học sinh từ 7 - 13 tuổi ở Tartu - thành phố ở phía Đông đất nước.

Trước khi đại dịch bùng phát, 340 học sinh tại trường Kreitsmann đều có iPad riêng do trường quản lý tập trung. Trẻ được sử dụng thường xuyên để phục vụ cho việc học. Vào những buổi học trực tuyến, các em sẽ ở nhà thay vì tới trường, trong khi giáo viên tham gia những nhiệm vụ khác.

Từ khi Estonia giành độc lập năm 1991, các nhà lãnh đạo của đất nước đã hướng đến quốc gia kỹ thuật số, với giáo dục là trọng tâm trong kế hoạch. Năm 1997, dự án Tiigrihupe được khởi động, nhằm cung cấp máy tính và truy cập Internet cho các trường học. Dự án đồng thời đào tạo khả năng sử dụng kỹ thuật số cho giáo viên. 

Laura Limperk-Kutaru - người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của Estonia cho biết: “Estonia đã chuẩn bị cho giáo dục kỹ thuật số trong nhiều năm. Đối với chúng tôi, việc chuyển đổi sang đào tạo từ xa không phải là một điều gì đó mới mẻ”.

Trước đại dịch, hầu hết các trường học ở Estonia thường sử dụng tài liệu học tập kỹ thuật số, bao gồm nền tảng sách kỹ thuật số Opiq và hệ thống quản lý trường học điện tử như eKool. 

Limperk-Kütaru cho biết: “Tất cả những hệ thống này đã được thiết lập trong nhiều năm nay. Khi Covid-19 khiến các trường đóng cửa, trẻ em chỉ chuyển từ  lớp học sang môi trường ảo”.

Không phải mọi trẻ em ở Estonia đều có quyền sử dụng máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Tuy nhiên, ở những nơi trẻ không có quyền sử dụng, trường học, chính quyền địa phương và các tổ chức tình nguyện sẽ vào cuộc. Một nhóm “nhà công nghệ giáo dục” được đào tạo tại trường đại học đã làm việc với giáo viên để đảm bảo các nguồn tài nguyên kỹ thuật số được cung cấp cho trẻ.

Tới nay, kết quả mang lại được cho là vô cùng tích cực. Limperk-Kutaru cho biết: “Giáo viên tại các trường học đã có thể tiếp cận với hầu hết trẻ em. Hiện tại, chúng tôi không thấy nhiều sự khác biệt so với những năm trước - thời điểm chưa có sự xuất hiện của Covid-19”.

Estonia không chỉ làm tốt trong thời gian phong tỏa. Những năm gần đây, quốc gia này khẳng định vị trí cường quốc giáo dục mới của châu Âu, vượt trội hơn Phần Lan trong các bài kiểm tra Pisa quốc tế. Với dân số chỉ 1,3 triệu người, thành công kỹ thuật số của Estonia được coi là bài học cho các quốc gia khác.

Andreas Schleicher là trưởng bộ phận giáo dục và kỹ năng tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nơi ông cũng giám sát các bài kiểm tra Pisa quốc tế. Nói về lý do cho sự thành công của Estonia trong việc chuyển sang học từ xa, ông Schleicher nhận định: “Sự khác biệt chính là các giáo viên và lãnh đạo trường học ở Estonia quen làm việc với tư cách là những nhà thiết kế môi trường học tập sáng tạo và có tính linh hoạt cao”. 

Đại dịch đã củng cố cam kết của Estonia đối với giáo dục kỹ thuật số. Với sự gián đoạn giáo dục tại trường học có khả năng tiếp diễn, các quốc gia khác được dự đoán là có thể sẽ làm theo Estonia.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ