Trình độ kỹ thuật số của giáo viên Nga: Không cao hơn học sinh?

Trình độ kỹ thuật số của giáo viên Nga: Không cao hơn học sinh?

Các câu hỏi xoay quanh vấn đề công nghệ kỹ thuật số và nhà trường phổ thông. Kết quả cuộc khảo sát đã được ông Timur Aymaletdinov, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phân tích NAFI, trình bày tại hội nghị trực tuyến ngày 24/3. 

Ai thành thạo hơn?

Trả lời câu hỏi: Theo bạn, ai thành thạo kỹ thuật số hơn, giáo viên Nga bình thường hay học sinh trung học phổ thông? 70% người được hỏi cho rằng học sinh trung học phổ thông thành thạo kỹ thuật số hơn so với giáo viên bình thường. Đặc biệt, tỷ lệ những người khẳng định điều đó rất cao ở Matxcơva và Saint-Petersburg, cũng như trong nhóm tuổi dưới 34. Theo các nhà xã hội học, sở dĩ như vậy là vì hai nhóm người này từng là học sinh và sinh viên cách đây chưa lâu, và dưới thời của họ, sự khác biệt về trình độ hiểu biết công nghệ rất rõ rệt.

Như vậy, 70% người Nga đã bị nhầm. Điều này được chứng minh bởi số liệu của một cuộc khảo sát khác do chính Trung tâm Phân tích NAFI thực hiện năm 2019 trong khuôn khổ đánh giá năng lực kỹ thuật số của giáo viên do Ủy ban châu Âu tiến hành. Theo đó, chỉ số trình độ kỹ thuật số của người Nga trung bình là 62 điểm, của thanh thiếu niên từ 14 - 17 tuổi là 73 điểm, của thanh niên từ 18 - 24 tuổi là 77 điểm. Chỉ số trình độ kỹ thuật số của giáo viên phổ thông ở Nga là 87 điểm, và của giáo viên đại học là 88 điểm.

“Bất chấp định kiến, trình độ kỹ thuật số của giáo viên và giảng viên Nga cao hơn so với học sinh và sinh viên”, ông Timur Aymaletdinov nhấn mạnh. Tất nhiên, ở đây không chỉ nói về kỹ năng kỹ thuật, mà còn về tư duy phê phán, kiến thức truyền thông và an toàn kỹ thuật số, những vấn đề mà giáo viên bao giờ cũng giỏi hơn so với học sinh và sinh viên.

Để đánh giá trình độ kỹ thuật số, các nhà phân tích đã sử dụng phương pháp luận được đề xuất tại Hội nghị G20 năm 2017. Cơ sở của phương pháp luận này là một hệ thống các chỉ báo về trình độ thông tin, máy tính, giao tiếp, cũng như kiến ​​thức truyền thông và thái độ đối với các đổi mới công nghệ. Giáo viên chỉ thua sinh viên ở chỉ báo – thái độ đối với các đổi mới công nghệ. Quá trình khảo sát chỉ ra, thanh thiếu niên quan tâm nhiều hơn về các vấn đề đổi mới công nghệ hiện đại.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, việc giáo viên và học sinh đạt được một trình độ công nghệ kỹ thuật số cao như nhau có ý nghĩa rất quan trọng.

Giáo viên sử dụng công nghệ tích cực như thế nào?

Trình độ kỹ thuật số của giáo viên Nga: Không cao hơn học sinh? ảnh 1

Ông Timur Aymaletdinov.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về quy mô số hóa trong giáo dục, về tỷ lệ giáo viên phổ thông sử dụng các công nghệ mới như thế nào?

Và một lần nữa, mức độ hoài nghi của những người được hỏi khá cao: Hơn một phần ba người Nga, kể cả phụ huynh học sinh, hoặc cho rằng giáo viên ngày nay rất ít sử dụng công nghệ kỹ thuật số, hoặc rất khó trả lời.

Theo ông Timur Aymaletdinov, tỷ lệ cư dân hai thành phố hoài nghi về thực trạng này khá cao: Ở Matxcơva và Saint-Petersburg, có 46% người Nga cho rằng, giáo viên không tích cực sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Ngoài ra, ở các vùng Tây Bắc, Bắc Kavkaz và Viễn Đông của nước Nga có hơn 40% cư dân cũng đánh giá như vậy.

Ở đây ý kiến của những người được hỏi gần với sự thật hơn. Theo kết quả khảo sát năm 2019, có khoảng một phần ba giáo viên đang cân nhắc lợi hại của việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số đối với học sinh - để “thường xuyên hoàn thiện quá trình giáo dục” và “áp dụng chiến lược giáo dục mới”. Đáng chú ý là tỷ lệ những giáo viên như vậy cao nhất (41%) ở nhóm tuổi trên 56 và thấp nhất (21%) ở nhóm tuổi dưới 35. Trong các trường đại học, sử dụng công nghệ mới là mong muốn của giảng viên các khoa học chính xác (37%), thấp hơn một chút là giảng viên các ngành khoa học xã hội - nhân văn (32%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: 30% giáo viên sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong giảng dạy hơn 16 năm, 24% - từ 11 đến 15 năm. 90% giáo viên tham khảo sát cho biết họ dễ dàng làm việc trên máy tính và các thiết bị kỹ thuật số khác, 69% thích các phần mềm ứng dụng, chương trình và trang web mới.

Nhìn chung, các nhà phân tích đánh giá trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên trong hoạt động giáo dục ở mức trung bình, 48/88 điểm. Giáo viên phổ thông rất giỏi trong việc trao đổi thông tin với các đồng nghiệp ở các trường khác bằng công nghệ kỹ thuật số, trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của mình thông qua dạy học trực tuyến. Họ sử dụng một cách có ý thức và an toàn công nghệ kỹ thuật số trong quá trình dạy học. Sự quan tâm đối với học sinh của họ “được thể hiện trong việc phát hiện các đặc điểm và nhu cầu của học sinh trong quá trình dạy học”.

Công nghệ số cản trở hay giúp đỡ?

Cuối cùng, với câu hỏi: “Công nghệ kỹ thuật số mang lại lợi ích gì cho quá trình giáo dục, nó nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh hay trái lại, cản trở”, có hai phần ba số người Nga nói rằng nó mang lại lợi ích. Một phần ba hoài nghi, họ cho rằng công nghệ kỹ thuật số, ngược lại, cản trở quá trình giáo dục, ông Timur Aymaletdinov nói.

Phân tích nhóm người trả lời về tác động tiêu cực của số hóa, các chuyên gia nhận thấy phê phán số hóa nhiều nhất là những người ở độ tuổi từ 35 - 44. Còn một xu hướng đáng chú ý khác là: Những người Nga từ 25 - 34 tuổi có thái độ đúng đối với số hóa. Nhưng nếu nói về bố mẹ học sinh, thì bức tranh ở độ tuổi này thay đổi mạnh mẽ theo hướng tiêu cực. Nghĩa là, thái độ của những người Nga trẻ đối với việc số hóa giáo dục lại xấu đi khi con cái họ đến trường.

“Ở bộ phận phụ huynh trẻ nhất, người ta phát hiện ra một mâu thuẫn lớn. Những người này thuộc nhóm tuổi từ 25 - 34, sinh ra và học hành trong thời đại số hóa, họ sử dụng tích cực công nghệ kỹ thuật số, thế nhưng lại thể hiện thái độ tiêu cực đối với số hóa dạy học”, ông Timur Aymaletdinov kết luận.

Chỉ số trình độ kỹ thuật số của người Nga trung bình là 62 điểm, của thanh thiếu niên từ 14 - 17 tuổi là 73 điểm, của thanh niên từ 18 - 24 tuổi là 77 điểm. Chỉ số trình độ kỹ thuật số của giáo viên phổ thông ở Nga là 87 điểm, và của giáo viên đại học là 88 điểm.

Theo ug.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ