Vì sao học sinh “chuộng” tổ hợp KHXH?
Thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, toàn tỉnh có 15.112 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 113 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT; 444 thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển sinh; 14.555 thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh. Về số lượng đăng ký bài thi, toàn tỉnh có 7.423 thí sinh đăng ký bài thi KHTN và 7.285 thí sinh đăng ký bài thi KHXH. Tại Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) có 67 học sinh lớp 12. Qua thống kê có 33 em chọn khối KHTN và 34 em chọn khối KHXH.
Tỉnh Hậu Giang có 6.588 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Như năm học vừa qua, số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp KHXH nhiều hơn (4.610 thí sinh) so với số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN (1.928 thí sinh).
Tại vùng ven của TP Cần Thơ - Trường THPT Lương Định Của (quận Ô Môn có 315 học sinh lớp 12/8 lớp. Công tác ôn tập của trường được tổ chức theo tổ hợp môn học sinh lựa chọn, với 7 lớp KHXH và 1 lớp KHTN. Trường THPT Bình Thủy (quận Bình Thủy) có 660 học sinh lớp 12. Việc ôn tập được thực hiện theo tổ hợp môn học sinh đăng ký. Hiện, trường có 10 lớp ôn thi tổ hợp KHXH và 5 lớp ôn thi tổ hợp KHTN.
Theo chia sẻ của thầy cô giáo, tổ hợp KHXH được thí sinh “chuộng” hơn cho thấy xu hướng chọn giải pháp an toàn trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thực tế các môn thi thành phần gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học của bài thi KHTN thường dễ bị điểm liệt hơn các môn thành phần trong bài thi KHXH. Đặc biệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021 về trước, điểm môn Giáo dục công dân luôn cao, môn Địa lý được sử dụng Atlat trong phòng thi nên cũng dễ lấy điểm và hạn chế tình trạng điểm liệt hơn so với các môn thành phần của bài thi KHTN. Riêng môn Lịch sử, dù điểm trung bình không cao, song số thí sinh bị điểm liệt cũng ít hơn nhiều so với các môn thành phần của bài thi KHTN. Còn theo nhìn nhận của nhiều học sinh, các môn thi của bài thi KHXH gần gũi với cuộc sống.
Vững mục tiêu tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học
Chia sẻ về lựa chọn tổ hợp KHXH, em Nguyễn Hữu Minh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) cho biết: “Em và các bạn chưa thật sự vững kiến thức các môn KHTN nên có xu hướng chọn bài thi KHXH nhằm “thoát” điểm liệt để tốt nghiệp. Môn Sử, Địa, Giáo dục công dân thi trắc nghiệm dễ hơn tự nhiên. Trong khi môn Lý, Hóa, Sinh đòi hỏi phải tính toán, nếu không đầu tư từ lớp 10 thì khó làm được”.
Theo chia sẻ của thầy cô giáo, xác định mục đích dự thi là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến nội dung ôn thi. Nếu thi để xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần tập trung học các kiến thức cơ bản được đề cập trong sách giáo khoa lớp 11, 12. Còn nếu chọn để xét tuyển vào đại học thì bên cạnh việc nắm kiến thức cơ bản, các em phải nắm thêm các nội dung tổng hợp, nâng cao.
Trao đổi về công tác hỗ trợ học sinh ôn tập, cô Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường THPT Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho hay: Việc ôn tập được chia làm 2 giai đoạn: Củng cố kiến thức để thi kiểm tra cuối học kỳ II và tập trung ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT. Trường ôn tập cho các em theo kiểu cuốn chiếu, với 2 nội dung gồm kiến thức trọng tâm và hướng dẫn giải đề. Đối với môn Giáo dục công dân, cấu trúc đề thi tham khảo năm nay ổn định như năm trước, nhưng mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 70 - 75%. Giáo viên tập trung ôn cho học sinh nắm kiến thức trọng tâm, hướng dẫn kỹ năng giải những câu hỏi mức độ vận dụng. Do đặc trưng mức độ vận dụng câu hỏi rất dài, tình huống có nhiều nhân vật, trong khi môn này thi cuối cùng, học sinh dễ mệt, rối trí... nên trong quá trình ôn thầy cô hướng dẫn học sinh có kỹ năng giải đề tốt, tránh mất điểm.
Theo lãnh đạo Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (Tiền Giang), sau kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 12, trường có buổi trao đổi cùng phụ huynh về việc phối hợp, tạo mọi điều kiện cho các em ôn thi. Qua đó, nhà trường cũng chủ động nắm bắt tâm lý và hoàn cảnh của từng em để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đối với học sinh yếu kém, giáo viên ôn có trọng tâm, giúp các em lấy lại kiến thức căn bản. Vấn đề nào các em còn vướng mắc sẽ được thầy cô giải thích cặn kẽ, giảng lại nhiều lần hướng đến mục tiêu có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Trong quá trình giảng dạy, ôn tập, giáo viên cũng động viên một số học sinh khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ các bạn học yếu, qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp nhau cùng tiến bộ.