Học sinh dân tộc thiểu số ở Mường Nhé gặp khó vì thiếu nước

GD&TĐ - Hiện nhiều trường học ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn thiếu các công trình nước sạch. Điều này khiến cô trò các trường gặp khó.

Mỗi buổi chiều, học sinh phải ra suối tắm giặt vì thiếu nước.
Mỗi buổi chiều, học sinh phải ra suối tắm giặt vì thiếu nước.

Bất chấp nguy hiểm... ra suối lấy nước

Trường PTDT bán trú THCS Nậm Vì hiện có 341 học sinh (chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó có 270 em ăn ở bán trú tại trường. Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú đến nay, nhà trường luôn gặp khó khăn trong việc đảm bảo nước sinh hoạt cho các em học sinh. Nguồn nước duy nhất phục vụ cho sinh hoạt được dẫn từ khe suối đầu nguồn bản Huổi Lúm về bể chứa, tuy nhiên cả tháng nay do trời nắng nóng, không có mưa nên nước tự chảy từ đầu nguồn dẫn về rất yếu.

Trong khi đó nhà trường chỉ có một cái bể và một téc nước dung tích khoảng hơn chục mét khối, không thể chứa đủ nước phục vụ cho một ngày sinh hoạt. Nước thường xuyên thiếu hụt nên chỉ đủ phục vụ cho việc nấu ăn, còn tắm giặt thì thầy trò phải xuống tận nhà dân xin dùng nhờ, một số em thì ra suối để tắm giặt.

Thầy giáo Phạm Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nậm Vì, huyện Mường Nhé chia sẻ: “Do được dẫn từ khe suối về nên mùa mưa thì nước đục, mùa nắng thì đầu nguồn cạn. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà trường, nhất vấn đề đảm bảo vệ sinh trường học, duy trì chế độ bán trú cho các em. Nguyện vọng của của các thầy cô và học sinh ở đây là sớm được bổ sung công trình nước sạch, đặc biệt là bể chứa để bể chứa lớn hơn mới có thể đáp ứng nhu cầu cho học sinh”.

Tại Trường PTDT bán trú THCS Chung Chải, mặc dù đã được đầu tư bể chứa nước dung tích khá lớn trên 50m3, song nguồn nước đáp ứng chỉ có 2 chiếc giếng khoan. Với công suất 2 máy bơm hoạt động liên tục cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt cho 450 em học sinh bán trú.

Các nữ sinh đi ra suối lấy nước về để tắm, giặt.

Các nữ sinh đi ra suối lấy nước về để tắm, giặt.

Để giảm thiểu tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước khi các em học sinh phải ra suối tắm, giặt, nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp giáo dục, nhắc nhở các em. Tuy nhiên, cũng khó lường trước được những nguy cơ tai nạn thương tích, bởi khi các em ra khỏi trường không có người lớn quản lý, giám sát.

Thầy giáo Đinh Văn Toản, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Chung Chải, huyện Mường Nhé nói: “Trước mắt, chúng tôi ưu tiên cho các em học sinh nữ và học sinh nhỏ tuổi (lớp 6, lớp 7) tắm giặt, sinh hoạt tại trường, còn các em học sinh nam lớp 8, lớp 9 tổ chức thành từng nhóm ra suối tắm vào mỗi buổi chiều. Do địa thế của trường không có nguồn nước tự chảy nên chúng tôi cần phải bổ sung thêm từ 2 – 3 chiếc giếng khoan nữa mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt”.

Năm học 2022-2023, huyện Mường Nhé có 35 đơn vị trường học, trong đó có 22 trường PTDT bán trú với 6.600 học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường. Nhờ được hưởng chế độ bán trú dành cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn nên nhiều năm gần đây bữa ăn của học sinh đã đầy đủ, ngon hơn trước, có cá tươi, thịt tươi cung cấp hằng ngày nhưng cái khó nhất là vấn đề thiếu nước sinh hoạt.

Nguồn nước hạn chế nên các bể chứa không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nguồn nước hạn chế nên các bể chứa không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Cần nhiều nguồn lực hơn nữa...

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết:Do đặc thù huyện vùng cao, phần lớn các trường học ở đây đều lấy từ các con suối dẫn về, nên cứ nắng hạn kéo dài, các con suối cạn dần và nước sinh hoạt cho học sinh cũng thiếu hụt theo. Việc đảm bảo nước sinh hoạt trong các trường học cần được sự quan tâm nhiều hơn, nhất là về nguồn lực, kinh phí đầu tư các công trình đủ quy mô, đáp ứng được nhu cầu cho các trường học”.

Hiện tại ngoài giải pháp tình thế là chỉ đạo đôn đốn các nhà trường khắc phục khó khăn thiếu nước sinh hoạt, có biện pháp quản lý nhắc nhở học sinh như: Quy định khu tập trung, đủ điều kiện an toàn khi các em ra suối tắm, giặt. Lưu ý học sinh không được ra những đoạn suối sâu, nhiều ghềnh đá để đề phòng tai nạn đuối nước, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cũng đã và đang xây dựng tờ trình, kế hoạch đề nghị chính quyền địa phương quan tâm đầu tư. Cùng với đó là việc vận động, kêu gọi các tổ chức cá nhân tiếp tục tài trợ xây dựng thêm nhiều công trình nước sinh hoạt đạt chuẩn, từng bước tháo gỡ khó khăn do thiếu nước sinh hoạt tại các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ