Dân bất an vì khu tái định cư sạt lở, thiếu nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu nước, sạt lở đất và tốc mái là những gì người dân khu tái định cư thôn Pa Cheng phải gánh chịu trong mấy năm qua.

Nhiều căn nhà tại khu tái định cư thôn Pa Cheng hư hỏng, tốc mái và không có người ở.
Nhiều căn nhà tại khu tái định cư thôn Pa Cheng hư hỏng, tốc mái và không có người ở.

Bà con mong rằng các cấp chính quyền quan tâm, khắc phục khó khăn và cấp thêm đất sản xuất để người dân phát triển kinh tế.

Bất cập tại dự án tái định cư

Thời gian qua, nhiều hộ dân tại khu tái định cư thôn Pa Cheng, xã Đắk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt và nguy cơ sạt lở đất, tốc mái.

Năm 2009, khi đất của gia đình được nhường cho lòng hồ thủy điện Plei Krông, mấy người trong nhà chị Y Tha (SN 1998) dắt díu nhau lên khu tái định cư thôn Pa Cheng sinh sống. Với số tiền 28 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình chị Y Tha cất căn nhà che nắng, che mưa. Bên cạnh đó, mỗi hộ cũng được hỗ trợ khoảng 500 cây cà phê 5 - 6 năm tuổi để canh tác, phát triển kinh tế.

Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định, thế nhưng cứ đến tháng 3 - 4 hàng năm, giếng đào cạn nước. Để sử dụng, người dân phải đi lấy nước giọt cách làng khoảng 3km. Nhằm bảo đảm đời sống cho người dân, chính quyền địa phương đã khoan 2 giếng nước, nhưng cũng không đủ sử dụng.

“Với bồn nước 1.000 lít thì chúng tôi phải bơm 5 tiếng đồng hồ mới đầy. Có những hôm quá tải, máy bơm cháy bà con phải góp tiền vào sửa chữa hoặc mua mới. Đến nay, đã có 2 chiếc máy bơm bị cháy nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế người dân.

Không những vậy, khu tái định cư nằm trên nền đất yếu nên mưa xuống dễ sạt lở, gió mạnh nên nhà thường xuyên tốc mái. Cũng vì những bất cập trên nên nhiều người dân không đến đây sinh sống”, chị Y Tha chia sẻ.

Tương tự, bà A Mít (SN 1982) cho biết, mấy năm qua, nhà bà vẫn sử dụng giếng đào để lấy nước ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, vào mùa khô giếng cạn trơ đáy, không thể sử dụng. Chính vì vậy, mỗi ngày từ 2 - 3 lần bà phải mang chai nhựa đi khoảng 3km lấy nước giọt (điểm lấy nước cộng đồng - PV) về nấu ăn. Còn tắm và giặt giũ gia đình tranh thủ ra sông, suối.

Không chỉ thiếu nước vào mùa khô, bà A Mít còn lo lắng về tình trạng sạt lở, nhà cửa nứt và hư hỏng mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao. Ngoài ra, bà Mít cho rằng, mỗi hộ gia đình chỉ được cấp vài sào nên không đủ đất sản xuất. Đặc biệt sau khi thu hoạch cà phê bà con không có việc làm, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, nạo vét lại giếng để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, cấp thêm đất sản xuất để bà con chủ động canh tác, phát triển kinh tế gia đình”, bà A Mít bộc bạch.

Giếng khoan không có nước

Thiếu nước sinh hoạt nên vào mùa khô bà A Mít lại chật vật đi lấy nước giọt.

Thiếu nước sinh hoạt nên vào mùa khô bà A Mít lại chật vật đi lấy nước giọt.

Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đắk Hring (nay là xã Đắk Long), huyện Đắk Hà được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt cuối năm 2009. Dự án được giao UBND huyện Đắk Hà làm chủ đầu tư với diện tích quy hoạch là 690 ha và tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng.

Dự án được triển khai từ năm 2009, đến năm 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục tiêu bảo đảm đời sống cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông.

Về vấn đề này, ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đắk Long, cho hay, sau khi khu tái định cư hoàn thành chỉ có 21/50 hộ chuyển khẩu đến địa phương. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 8 hộ dân ở ổn định, còn lại bà con canh tác ở khu sản xuất rồi về làng cũ sinh sống.

Còn ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, cho biết, trước một số bất cập địa phương đã triển khai nhiều phương án nhằm bảo đảm đời sống cho bà con. Theo đó, về vấn đề thiếu nước sinh hoạt, trước mắt địa phương đã khoan 2 giếng. Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai, khoan thêm một số giếng nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Cũng theo ông Tiến, hiện tại huyện đã lập một dự án mới nhằm di dời để bà con có thêm đất sản xuất, nhưng người dân chưa đồng ý. Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, Ban quản lý dự án đã tiến hành trồng cây, cỏ để giữ đất.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, qua thống kê có 31/37 giếng đã đào, nghiệm thu nhưng không có nước. Ngoài ra diện tích đất sản xuất bình quân tại khu tái định cư giao cho mỗi hộ còn thấp so với mục tiêu Đề án nên rất khó khăn cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Đồng thời một số hộ dân chưa đến sinh sống tại khu tái định cư... Để bảo đảm đời sống cho người dân, thời gian qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản về việc thực hiện công tác bố trí dân cư tại các khu tái định cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ hưởng lợi từ dự án di dời lên khu tái định cư. Đồng thời lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ