'Nước cho em' và niềm vui của học sinh dân tộc ở Điện Biên

GD&TĐ - Những giếng nước khoan ở vùng cao, biên giới Điện Biên có ý nghĩa lớn khi đã giải quyết được khao khát của thầy trò nơi đây suốt bao năm qua.

Học sinh vùng cao vui mừng khi được sử dụng nước sạch.
Học sinh vùng cao vui mừng khi được sử dụng nước sạch.

Những ngày vất vả đã qua

Nậm Pồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Điện Biên. Tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các trường học. Để khắc phục tình trạng này, huyện Nậm Pồ đã phát động lời kêu gọi ủng hộ Chương trình “Nước cho em”. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chủ động nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn biên giới.

Có dịp tới thăm Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ, xã Phìn Hồ nhìn các em sử dụng nguồn nước trong mát chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng, phấn khởi của giáo viên và học sinh nơi đây.

Trường được thành lập năm 2007, thời điểm đó trường chưa tổ chức bán trú nên học sinh cứ đi đi về về. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho giáo viên, học sinh đều chỉ sử dụng nguồn nước ở chiếc giếng trước cổng trường do các thầy cô giáo đóng góp và tự đào. Số lượng nước rất ít, không đủ để sinh hoạt, các thầy cô thường xuyên phải xuống các hộ dân ở ven đường để xin nước cho học sinh sử dụng.

Năm 2011 trường trở thành trường THCS bán trú nên nguồn nước sạch lại là vấn đề khó khăn do có một chiếc giếng mà khi học sinh học bán trú việc nấu cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân lại càng cần đến nhiều nguồn nước sạch hơn.

Nhớ lại thời điểm những năm trước, nguồn nước còn thiếu thốn, thầy Tăng Bá Lộc giáo viên môn Toán, trường PTDTBT THCS Phìn Hồ cho hay: “Cứ đến chiều là các thầy cô lại thay nhau lấy can, xô, chậu để xuống các hộ dân xin nước về phục vụ nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày. Các em học sinh phải ra mó nước cách khu bán trú gần 1km để lấy nước tắm, giặt nên rất vất vả, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như học tập. Riêng khu nhà vệ sinh phải dùng máy để bơm nước từ ao lên dùng nhưng rất không đảm bảo.”

Em Giàng Thị Ly, học sinh lớp 9D1, Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, sau khi tan học chúng em lại rủ nhau xuống mó nước cách đây gần 1km để tắm giặt. Các bạn nam thì không sao nhưng với các bạn nữ rất bất tiện. Nước vệ sinh ở trường cũng phải tiết kiệm từng chút. Từ khi có nước sạch dẫn về tận khu ký túc xá, chúng em vui lắm. Chúng em đã được chủ động hơn trong việc sinh hoạt, có nhiều thời gian hơn cho việc học và tham gia các hoạt động của trường.”

Những dòng nước mát lành được dẫn về tận trường, đó là kết quả của chương trình "Nước cho em" do huyện Nậm Pồ phát động.

Những dòng nước mát lành được dẫn về tận trường, đó là kết quả của chương trình "Nước cho em" do huyện Nậm Pồ phát động.

Món quà từ sự đồng cảm sẻ chia.

Thầy Nguyễn Thành Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 10 lớp với 334 học sinh, trong đó có 173 học sinh bán trú. Từ khi công trình giếng khoan nước sạch được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, mà là niềm vui, phấn khởi của bà con nhân dân, phụ huynh học sinh khi con em mình có nguồn nước sạch sử dụng.

Để tiết kiệm nguồn nước sạch và để tạo thói quen, nề nếp sinh hoạt cho học sinh, nhà trường sẽ quy định thời gian sử dụng nước, phân công người trực hàng ngày để bơm nước sáng, chiều. Bơm đầy các téc nước để ngày hôm sau học sinh dùng yên tâm không bị thiếu nước. Hiện nhà trường có 5 téc nước với thể tích mỗi téc từ 2m3 nước trở lên.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo thời gian cụ thể mở nước để các em sắp xếp thời gian sinh hoạt. Sáng 5 giờ 30 phút bắt đầu mở nước để các em vệ sinh cá nhân chuẩn bị cho ngày học mới, buổi chiều tầm 4 giờ để các em tắm giặt. Còn riêng khu nhà vệ sinh có nguồn nước riêng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày luôn đảm bảo.

“Phân khung giờ mở nước để thứ nhất là tiết kiệm nguồn nước dùng, thứ hai là đảm bảo được vệ sinh. Nguồn nước của mình đã hiếm rồi nên cũng có cách để sử dụng hiệu quả nhất. Các em phải tuân thủ theo khung giờ, hình thành thói quen dậy buổi sáng, ăn ngủ đúng giờ, chiều đến tắm giặt xong ăn cơm nghỉ ngơi là bắt đầu lên lớp học”, thầy Tâm chia sẻ thêm.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Việc duy trì nơi ở, ăn uống, sinh hoạt tại trường cho học sinh bán trú gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước sinh hoạt. Tại nhiều trường, số lượng học sinh ở nội trú đông dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. Nhiều học sinh phải tắm giặt tại các khe suối, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng học tập. Từ cuối năm học trước, ngành đã yêu cầu các nhà trường rà soát nhu cầu về nước sạch. Đầu tháng 9/2022 huyện đã ra lời kêu gọi và khởi động chương trình “Nước cho em”. Những chiếc giếng khoan mang nước sạch về trường học kể trên là kết quả từ sức lan tỏa của chương trình này.

“Nậm Pồ với hơn 60% học sinh học bán trú nên việc sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt là rất cần thiết. Với kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn xã hội hoá, đến nay ngành đã thực hiện khoan bổ sung được 36 giếng, bên cạnh đó còn hỗ trợ mua téc dự trữ nước và đường ống dẫn nước cho các trường học trên địa bàn. Phòng Giáo dục cũng đặt ra mục tiêu thay thế hầu hết các bể nước cũ để đảm bảo vệ sinh. Đến thời điểm hiện tại nhu cầu về nước sinh hoạt cho học sinh tại các trường trên địa bàn về cơ bản đã được đảm bảo” ông Chiến cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.