Học sinh Đài Loan học tiếng Anh với chatbot

GD&TĐ - Tại Đài Loan, tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông công lập.

Học sinh Trường THCS Er Chong luyện tiếng Anh với công cụ chatbot CoolE Bot.
Học sinh Trường THCS Er Chong luyện tiếng Anh với công cụ chatbot CoolE Bot.

Nhận thấy việc học sinh ít được thực hành với người bản ngữ làm giảm khả năng sử dụng tiếng Anh, Văn phòng Giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa chatbot vào hỗ trợ học tập. Chatbot có thể tương tác, trò chuyện với học sinh bằng tiếng Anh.

Tại Đài Loan, tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông công lập. Từ lớp 3, học sinh phải học tối thiểu 1 - 2 giờ tiếng Anh hàng tuần. Nhiều trường đã triển khai từ lớp Một và mở rộng lên 4 giờ/tuần với bậc trung học.

Tuy nhiên, số giờ học trên chưa đủ để học sinh có thể thành thạo tiếng Anh nếu chỉ học trên trường. Các em cần được thực hành nhiều thời gian hơn thông qua việc luyện nghe, nói, đọc và viết. Nhưng khả năng thực hành của các em cũng bị hạn chế do xung quanh hầu hết là người bản địa, không có giáo viên sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Văn phòng Giáo dục Đài Loan, Trung Quốc, đã phát triển chatbot hỗ trợ dạy và học tiếng Anh, mang tên CoolE Bot.

CoolE Bot có thể chuyển văn bản thành giọng nói và chuyển giọng nói thành văn bản. Học sinh có thể chọn nhiều giọng nói như Anh Mỹ hoặc Anh Anh. Các thông tin của người dùng đều được bảo mật.

Là thành viên dự án, GS Howard Hao Jan Chen, giảng viên tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan (NTNU), cho biết: “Chúng tôi muốn giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng nâng cao kỹ năng tiếng Anh để cạnh tranh với các quốc gia khác”.

CoolE Bot là phần mềm kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ Azure OpenAI của Microsoft, nằm trên trang web Cool English. Sử dụng mô hình ngôn ngữ cao, chat bot này có thể tương tác, trò chuyện với học sinh Đài Loan.

Các em sẽ chọn một trong nhiều chủ đề trò chuyện được lập trình sẵn trong CoolE Bot như giao lưu với bác sĩ, nhiếp ảnh gia; nhập vai thám tử để phá án... Trong khi các chatbot đời cũ chỉ cung cấp các câu trả lời được thiết kế sẵn thì CoolE Bot có thể tự tạo câu trả lời để bồi đắp đoạn hội thoại với người dùng.

Theo ông Chen, CoolE Bot cũng có thể đánh giá độ chính xác, lưu loát, cách phát âm của học sinh. Các em có thể thực hành bao nhiêu lần tuỳ thích để nâng cao khả năng của mình. Nếu ngập ngừng, học sinh có thể “nhờ” chatbot chuyển sang câu hỏi khác để tiếp tục trò chuyện.

Công cụ này có thể ngăn nội dung không phù hợp khi trò chuyện. Ví dụ, nếu học sinh chửi thề hay nói một chủ đề phản cảm, chatbot sẽ trả lời rằng: “Nhập liệu không đúng. Vui lòng thử lại”. Ước tính, mỗi tháng, khoảng 30.000 học sinh đang sử dụng CoolE Bot và thực hiện khoảng một triệu cuộc hội thoại.

Đơn cử, học sinh lớp tiếng Anh của cô giáo Claire Mei Ling Wu, Trường THCS Er Chong bắt đầu sử dụng chatbot CoolE Bot từ khi công nghệ này được ra mắt hồi cuối tháng 12/2022. Trước đây, học sinh thường ngại ngùng khi nói tiếng Anh với bạn bè hoặc giáo viên nhưng cô Wu nhận thấy, khi nói chuyện với CoolE Bot, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.

Học sinh Eva Zi Yu Huang, 13 tuổi, bày tỏ: “Công cụ này rất thú vị. Cháu có thể học tiếng Anh với CoolE Bot”.

Trong những năm gần đây, Đài Loan đặt mục tiêu người dân sẽ sử dụng song ngữ tiếng Trung và tiếng Anh vào năm 2030 khi nền kinh tế chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại hoá như dữ liệu số, điện toán đám mây... Trong đó, lĩnh vực sản xuất yêu cầu khả năng sử dụng tiếng Anh.

Theo Microsoft

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.