Học sinh chuyển hướng học nghề

Học sinh chuyển hướng học nghề

Với giấy chứng nhận này, các em có đủ điều kiện tham gia vào giáo dục nghề nghiệp.

Giải tỏa áp lực thi cử

Đây là nhận xét của một số học sinh lớp 12 vừa kết thúc năm học. Thay vì tập trung vào ôn thi căng thẳng, các em đã được vui chơi thoải mái và có thêm thời gian để tìm hiểu về con đường nghề nghiệp tương lai.

Kết thúc năm học với số điểm bình quân là 6,0, Lê Việt Quang, học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Miếu, Tân Sơn, Phú Thọ không có ý định thi vào đại học. Em lựa chọn học nghề để có thể nhanh chóng được đi làm. Quang cho biết, năm nay, do không phải ôn thi nên được nghỉ học sớm. Em cảm thấy rất thoải mái vì có thêm nhiều thời gian giúp bố mẹ việc chăn nuôi, trồng chè, đá bóng và đi du lịch.

Em về Hà Nội vừa đi tham quan, đồng thời tìm hiểu về các trường và chương trình đào tạo nghề nấu ăn - dịch vụ nhà hàng. Đây là nghề mà em rất thích. Bởi nghề có thể giúp em đạt được mong muốn trở thành một chủ nhà hàng. Bên cạnh đó, nghề này cũng dễ tìm được việc làm và thu nhập khá tốt.

Ông Lê Văn Tuyển, phụ huynh của Lê Việt Quang cho rằng, việc giải tỏa áp lực thi lớp 12 đã tạo điều kiện cho học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi và cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp. 

Tại địa phương, cũng có nhiều em không đăng ký tham dự kỳ thi THPT năm nay, bởi các em cũng khá yên tâm với việc được chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, để đủ điều kiện học nghề hoặc tham gia vào công việc khác.

Ông Tuyển cho rằng, dù học đại học thì cũng vẫn là học nghề và người học sẽ phát triển sự nghiệp từ nghề được học. Điều quan trọng đối với các em học sinh là phải lựa chọn cho mình ít nhất một nghề để làm hành trang cho cả cuộc đời.

"Tôi tôn trọng và ủng hộ quyết định của con trai. Mặc dù thành tích học tập của con còn khiêm tốn. Nhưng tôi rất mừng vì con đã trưởng thành, có ý thức, quyết tâm và rất rõ ràng trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp cho tương lai" – ông Tuyển chia sẻ.

Công tác phân luồng tốt hơn

Theo Luật Giáo dục, các em học xong chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định. Nếu không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu. Hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2020, tổng số học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 900 nghìn học sinh. 

Những năm trước đây, tỷ lệ học sinh đăng ký thi xét tuyển đại học, cao đẳng trên 74%, nhưng năm nay tỷ lệ này là 71%. Khảo sát tại một số tỉnh có các khu công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh thì tỷ lệ này rất thấp, như Quảng Ninh, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tốt nghiệp là 47,8%. Nghĩa là tỷ lệ học sinh đăng ký thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng ở tỉnh này chỉ 52,2%.

"Đây là một xu hướng rất tích cực, cho thấy công tác phân luồng học sinh đã tốt hơn. Điều này khẳng định, đại học không phải là con đường duy nhất để các em bước vào cuộc sống, mà định hướng về học nghề đã rõ ràng hơn" – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.