(GD&TĐ) - Đi bộ từ 8 -10 cây số để đến trường, cá biệt có em phải lội bộ đường rừng 23 cây số. Vì cái chữ, học sinh chịu khó, thầy cô chịu hy sinh, có cô giáo cống hiến cả tuổi thanh xuân quên bản thân mình để dạy các em nên người.
Xã nghèo miền xa đi học
Nằm ở giữa hai vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng, xã nghèo Đăk Rong (Kbang, Gia Lai) ẩn hiện giữa bốn bề rừng núi. Mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt, đoạn qua xã Sơn Lang có đoạn bùn lút nửa bánh xe máy, bùn nhuộm đỏ người, nhiều lần bị ngã do đường trơn nhưng không ngăn được quyết tâm của chúng tôi vào với Đăk Rong.
Có đi như thế này, mới thấy thương cho những thầy, cô vùng sâu vùng xa, vượt đường cắm bản để mang cái chữ cho học sinh người đồng bào. Đoạn đường từ Sơn Lang vào Đăk Rong chỉ chừng 20 cây số mà ngốn của chúng tôi chừng 3 tiếng đồng hồ.
Nhìn chúng tôi trong trang phục dị nhân, bùn lấm từ chân đến đầu, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu phó Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Rong cười nói “Mùa mưa, ai vào đây cũng thế thôi, nhiều người bị tai nạn dọc đường do đường trơn”.
Con đường đi vào xã Đắc Rong. |
Nhìn khuôn viên của trường đang còn đang trong quá trình xây dựng, mọi cái đều thiếu thốn, 12 lớp mà chỉ có 6 phòng học, nhà công vụ, thư viện đều không có, văn phòng trường là căn phòng nhỏ kiêm tất tần tật các chức chức năng và gánh thêm cả nơi nghĩ lại của thầy cô.
Căn bếp nhỏ tỏa khói ấm cúng dưới nắng chiều muộn, được quây vội bởi những tấm ván gỗ, lợp bằng tôn là nơi dùng để nấu ăn cho hơn 200 học sinh là người đồng bào đang tạm trú tại trường. nhà để xe, nhà ăn tạm đều là công sức của phụ huynh cùng thầy cô đóng góp.
Để kịp đón học sinh kịp học bán trú, suốt 2 tháng hè, các thầy cô ở đây hầu như làm việc suốt cùng phụ huynh xây dựng nơi ăn, chốn ở cho học sinh. Mọi thứ đều phải quyên góp, phụ huynh góp công, thầy cô phải bỏ tiền túi để mua thức ăn nuôi phụ huynh làm trường.
Ăn “ké” bữa cơm chung với các em, chẳng có gì ngoài cá khô, ít thịt mà theo thầy Tuấn đấy là thịnh soạn lắm rồi. Đường sá đi lại khó khăn, hàng quán chẳng có gì, người dân ở đây chỉ mới ở dạng trao đổi hàng hóa do “siêu thị hai sọt” chở từ thị trấn vào bán, nếu không đặt trước cả tuần, cả thầy và trò đều chỉ còn nước nhịn đói. Hôm nào đường tắc, bà con dân xã nghèo Đăk Rong chỉ đành cơm nhạt qua bữa.
Cái khó, cái nghèo đeo đẳng người dân ở đây, không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong nếp nghĩ của nhiều người. Hôm lên UBND xã Đăk Rong xin dấu đi đường, cô nhân viên văn thư cầm chìa khóa ra thị trấn vào không kịp nên chúng tôi không thể đóng được dấu, không chỉ chúng tôi, các trường ở đây đều chờ con dấu của xã để ra huyện ứng tiền mua thức ăn cho các em học sinh bán trú, hàng trăm học sinh bán trú cấp 1, và cấp 2 phải đi ký nợ để giải quyết cái khó trước mắt. Các thầy cô không thể để học sinh đói trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bữa ăn của học sinh trường PTDT Bán trú Đắc Rong. |
Lội bộ 23 cây số tìm con chữ
Nhớ những ngày mới lên đây, thầy Tuyển, hiệu phó Trường PTDT bán trú THCS Đăk Rong không khỏi rùng mình. Đường vào khó gấp nhiều lần bây giờ, học sinh không muốn đi học vì đường quá xa, các thầy phải xuống làng để vận động phụ huynh học sinh cho các em đi học, mà phải đi trong đêm vì ban ngày phụ huynh lên rẫy không ở nhà. Đấy là chưa kể chuyện các thầy phải cố sống cố chết uống hết ca rượu của chủ nhà mời, lúc đấy mới chuyện trò, thuyết phục phụ huynh cho các em đi học. Nhiều thầy không quen uống rượu đã ngã lăn quay sau màn “chào hỏi” của chủ nhà, riết cũng thành quen.
Nhiều thôn làng cách trung tâm xã khoảng 25 cây số như làng Kon Trang 2, nhiều em phải lội bộ đường rừng đến trường chính để tìm con chữ. Đa phần thì cách trường khoảng trên 10 cây số, nhiều em đi học phải qua sông Ba để đến trường, mùa mưa nước lớn, không thể sang sông, các em phải đi cầu treo để sang sông, nhìn chiếc cầu treo được làm bằng những cọng thép 6, bắc vội vài miếng ván, đung đưa trong gió, chúng tôi không thể đi vì quá ngợp. chỉ cần bất cẩn là bị lọt tỏm xuống sông và bị lũ cuốn trôi. Có hôm, một học sinh đã bị lọt thỏm, rất may em đã kịp vớ phải thanh xà nên thoát nạn. Trước một phen hú hồn, trường phối hợp với xã, thôn chịu trách nhiệm đưa các em đến trường, khi các em về thăm nhà vào cuối tuần, thầy cô giáo phải có trách nhiệm đưa các em về an toàn rồi mới quay lại
Đinh Thị Rồng, học sinh lớp 5, Đinh Thị Xóa, lớp 3 cùng nhiều học sinh người Ba na ở làng Kon Lanh Tel (Đăk Rong) phải lội bộ đường rừng 23 cây số để đến lớp học. Vào đầu mỗi tuần các em cùng bạn bè đến trường, cuối tuần lại được các thầy cô giáo cho về thăm nhà. “Đường xa, cũng sợ lắm, nhưng đi nhiều nên quen.” -Rồng cho biết.
Giờ lên lớp của thầy và trò trường PTDT Bán trú Đắc Rong. |
Nhiều em chỉ mới 6 tuổi như Y Phương, Đinh Văn Mô, lớp 1 cũng cũng đi bộ hàng chục cây số theo các anh chị đến trường. Chừng ấy tuổi, nếu ở vùng thuận lợi, phụ huynh còn phải chăm bẳm đưa đón mỗi ngày. Học sinh vùng xa đã phải tự lo cho mình ngay từ khi còn tấm bé mà thấy thương cho chúng, nhìn những đứa trẻ đồng bào, mắt tròn xoe khi nhìn những người lạ, nếu không có thầy cô giáo, chúng sẽ chẳng trả lời bất cứ câu nào, vì trong suy nghĩ của chúng thầy cô giáo là điều gì đó thiêng liêng và vĩ đại.
Mà họ vĩ đại thật, nhiều người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để hiến dâng cho những đứa trẻ học sinh đồng bào, khi luống tuổi, giật mình mới thấy mình đã già, mong muốn có một đứa con để chia sẻ thương yêu nhưng có lẽ ước mơ nhỏ nhoi đó cũng khó trở thành hiện thực được vì ở đây bản làng thì xa, xung quanh đều là rừng núi nên ít có điều kiện giao lưu kết bạn với thế giới bên ngoài.
Đơn cử như cô Nguyễn Thị Mai ở Huyện Đắc Bơ (Đắc Bơ- Gia Lai) sinh năm 1968, cô đã đi qua gần nửa cuộc đời với 20 năm công tác và có gần 5 năm cống hiến ở nơi này. Bao nhiêu vui buồn đã trôi qua trong cuộc đời cô với rất nhiều thế hệ học trò nhưng nỗi buồn luôn chất chứa trong lòng cô là nỗi niềm lẻ bóng trong căn phòng tập thể trống trải của mình, cô ngậm ngùi “ ước gì mình có được đứa con để cùng chia sẻ nỗi trống vắng này!!!?”.
Cùng cảm xúc với cô Mai, cô Hoàng Thị Kim Oanh, quê ở tận Hà Giang năm nay đã 38 tuổi tâm sự: Em công tác trong ngành giáo dục đã được 14 năm rồi, vì có người em lấy chồng ở Gia Lai nên em cũng theo vào đi dạy và đã vào nơi này được hơn 4 năm rồi. Nhiều lúc thấy trống trải quá, chỉ biết lấy lớp học, trò đông làm vui.
Ở nơi đó còn có rất nhiều cô có chồng ở tận miền Bắc, miền Trung như cô Hằng , cô Thoa, cô Thu…có hoàn cảnh như vậy.
Cuộc sống nơi đây vẫn bình yên và êm ả giữa núi rừng, nhưng điều kiện của cả thầy lẫn trò vẫn đang còn hết sức khó khăn và thiếu thốn. Khắp mọi nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của đất nước mình vẫn có hoàn cảnh như vậy. Nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng tới sự nghiệp trồng người, hàng vạn thầy cô vùng xâu, vùng khó khăn vẫn đều đều bám lớp vì học trò thân yêu.
Ngọc Anh