“Trong buổi thảo luận với các nhà khoa học nổi tiếng, tôi hỏi điều gì họ làm lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã tạo nên thành công của họ bây giờ. Các câu trả lời đều liên quan đến những việc họ làm trong thời gian rảnh và không phải vì điểm số, giải thưởng…”.
Ông Richard Rusczyk, người sáng lập Công ty The art of problem solving - Nghệ thuật giải quyết vấn đề (AoPS) - cộng đồng Toán học số 1 tại Hoa Kỳ với hơn 900 nghìn thành viên đã chia sẻ điều này trong cuộc trò chuyện liên quan đến dạy và học Toán.
Cần không - thời gian để khám phá
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề lớn của giáo dục Toán hiện nay ở Việt Nam là phương pháp còn nặng về lý thuyết và thiếu các áp dụng thực tiễn, ông Richard Rusczyk chia sẻ:
Tôi thường khuyên phụ huynh và học sinh không nên chỉ tập trung vào một môn, hay như mọi người hay nói “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Không nhất thiết phải trở thành người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó đến nỗi bỏ qua các môn học khác. Phụ huynh thường muốn con mình giỏi đặc biệt và được nhiều giải thưởng ở một bộ môn cụ thể nào đó, nên đôi khi họ không thích lời khuyên này.
Thành tích có thể khiến việc học giống như chạy đua vũ trang. Thay vì tạo ra một kim tự tháp, nơi các em cảm thấy cần trở thành người giỏi nhất, nhà trường nên tạo ra những cột mốc để học sinh vượt qua chính mình với những thử thách mới và có đủ thời gian, sức khỏe để khám phá những sở thích riêng của mình.
Ở tuổi 15 - 16, các em cần được khuyến khích để tự lên những kế hoạch, ví dụ như “Mình sẽ dành cuối tuần này để học viết code” hay “Dạo này mình thường nghe về khái niệm AI trên báo đài, mình sẽ tìm hiểu xem AI là gì”.
Tôi nghĩ đây là yếu tố có tầm quan trọng thiết yếu. Hồi tôi học trung học, tôi có ít bài tập về nhà. Nhưng tôi biết hiện trạng thực tế cả ở Mỹ và Việt Nam, các em chỉ có đủ thời gian để hoàn thành những yêu cầu trên lớp.
Ông Richard Rusczyk. |
Tôi từng ở trong ban cố vấn một cộng đồng dành cho các nhà khoa học trẻ. Trong ban cố vấn này có những người đoạt Giải Nobel, Chủ tịch Trường Đại học MIT… Trong một buổi thảo luận với các nhà khoa học nổi tiếng này, tôi đã hỏi điều gì họ làm lúc ngồi trên ghế nhà trường đã tạo nên thành công bây giờ.
Các câu trả lời đều liên quan đến những việc họ làm trong thời gian rảnh, không phải vì điểm số, giải thưởng, mà là một dự án riêng nào đó họ làm vào các kỳ nghỉ hè, cuối tuần, các buổi tối, đơn giản vì họ hứng thú với một chủ đề nào đó. Điều quan trọng ở chỗ: Họ có thời gian rảnh để làm những việc này.
Như vậy, tôi nghĩ để thực sự thúc đẩy sự sáng tạo và công nghệ của tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta thiết kế một hệ thống giáo dục hỗ trợ sự phát triển trí tuệ của mỗi cá nhân, cho các em không gian và thời gian tự khám phá. Các em cần tự quyết định mục tiêu của mình là gì, phải làm gì để đi đến mục tiêu đó, chứ không chỉ học các lý thuyết trong sách vở.
Phần lớn học sinh không có sự tự do này, vì mỗi tối phải dành ra 5 tiếng để làm bài tập về nhà - có nghĩa những kế hoạch đã định sẵn và chỉ cần làm theo. Nhưng thế giới ngoài kia không hoạt động như vậy. Nếu họ có thể giao cho bạn kế hoạch có sẵn, một máy tính, thì máy tính còn thực hiện tốt hơn bạn. Nhưng nếu bạn có thể phát triển kế hoạch của riêng mình, mọi người sẽ cần đến bạn.
Dạy - học Toán ở Mỹ
- Tại Mỹ, việc dạy và học Toán được coi trọng ra sao, thưa ông?
- Ở các trường THCS và THPT, ngoại trừ trường hợp có những giáo viên đặc biệt, thì phần lớn khá phụ thuộc vào học vẹt. Đó là: Giáo viên chỉ cho học sinh cách thức giải một bài toán.
Sau đó, để học sinh thuần thục cách giải, giáo viên yêu cầu học sinh giải 30 bản sao của bài toán đó, chỉ thay đổi các con số. Sau đó trong bài kiểm tra, bài toán này sẽ được lặp lại y như vậy. Chỉ bằng cách học thuộc, học sinh sẽ vượt qua được trình độ THCS và THPT.
Về cơ bản, đó là cách toán được dạy đại trà ở Mỹ, cho đến tận bây giờ. Vấn đề là, đến trình độ đại học, học sinh sẽ gặp khó khăn. Ở trường đại học, sinh viên được đòi hỏi phải tự tư duy khá nhiều. Họ sẽ được dạy các khái niệm và kỹ thuật, nhưng những bài toán trong các kỳ kiểm tra sẽ không giống với những bài trong bài tập về nhà.
Mục tiêu của trường đại học là tạo ra các nhà phát triển của tương lai, những người sẽ sáng tạo ra kiến thức mới. Và dĩ nhiên, bạn không thể tạo ra kiến thức mới bằng cách lặp đi lặp lại một điều. Thậm chí tệ hơn, việc lặp đi lặp lại một điều là những gì máy tính làm rất tốt.
Vì vậy, 100 năm trước, đây là cách đào tạo nhân công khá ổn, bởi những chiếc “máy tính” đầu tiên là con người - những người ngồi trong phòng và thực hiện những phép tính lặp lại. Nhưng bây giờ, chúng ta đã có máy móc cho việc đó. Vì vậy, con người phải làm một cái gì đó khác, có khả năng giải quyết những vấn đề mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.
The art of problem solving là kỹ năng cần thiết để sinh viên thành công ở trường đại học và chắc chắn cũng cần để thành công trong môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này. Nhưng đáng tiếc, đó hoàn toàn không phải là cách toán được dạy ở hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT ở Hoa Kỳ.
Toán là có lợi cho bản thân, gia đình, đóng góp cho đất nước chứ không chỉ để thi cử. Ảnh: ITN |
Rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề
- Theo ông, giáo dục toán học nên thích ứng như thế nào để chuẩn bị cho học sinh bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, trong đó máy tính có thể giải quyết nhiều vấn đề thay thế con người?
- Để lấy ví dụ, tôi sẽ chia sẻ một chút về chương trình giảng dạy tiểu học của AoPS. Bên cạnh các bài toán điển hình, chúng tôi sử dụng rất nhiều puzzle (câu đố).
Điểm đặc biệt của những puzzle này là yêu cầu học sinh phải tư duy bước đầu. Đây cũng chính là cách tiếp cận những vấn đề điển hình của con người, những vấn đề không hoàn toàn giống như bạn đã thấy trước đây, và phải tìm cách để bắt đầu từ con số 0.
Như vậy, để chuẩn bị cho học sinh bước vào thế giới công nghệ hiện đại, không đồng nghĩa phải cung cấp cho các em những công cụ thực sự tiên tiến. Thay vào đó, chúng ta liên tục đưa cho các em những bài toán phức tạp và yêu cầu tư duy để giải chỉ bằng các công cụ cơ bản.
Phương pháp này có thể áp dụng ở mọi cấp độ, học sinh, các nơi trên thế giới. Chìa khóa cho việc làm chủ máy móc chính là rèn luyện chính tư duy giải quyết vấn đề cơ bản của con người.
- Với quan điểm đó, theo ông, việc đẩy mạnh dạy và học Toán tại Việt Nam có vai trò thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia đang phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ trên thế giới?
- Một trong những thách thức cần vượt qua chính là cách chúng ta chấm điểm và đánh giá chất lượng giáo viên trong trường học. Ở Hoa Kỳ, hầu hết giáo viên trong trường học được đánh giá dựa trên việc học sinh có vượt qua bài kiểm tra của tiểu bang hay không.
Bài kiểm tra này khá cơ bản. Vì vậy, giáo viên thường quan tâm đặc biệt đến những học sinh gần đủ điểm đỗ và chú trọng giúp các em vượt qua bài thi. Những học sinh khá, chắc chắn sẽ đỗ, các giáo viên sẽ nghĩ “không cần lo cho những học sinh này”. Những học sinh kém, sẽ không đỗ, cũng không nhận được nhiều sự chú ý.
Tôi nghĩ, bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam, cũng cần một hệ thống đánh giá và khuyến khích giáo viên quan tâm đến sự phát triển của học sinh ở mọi trình độ. Các trường học cần xây dựng cơ chế phản hồi cho phép giáo viên có cái nhìn bao quát, giúp học sinh giỏi càng giỏi hơn và tạo động lực cho học sinh yếu bứt phá.
Trong trường công có hàng chục học sinh/lớp, điều này có thể khó thực hiện. Đây là lúc chúng ta có thể áp dụng công nghệ để trợ giúp giáo viên phân loại học sinh thành các nhóm trình độ khác nhau và cung cấp phương pháp đào tạo phù hợp cho từng nhóm.
- Vậy chương trình đào tạo AoPS đã và sẽ được phát triển như thế nào để giải quyết lỗ hổng trong việc giảng dạy môn Toán từ cấp trung học đến đại học?
- Chúng tôi khởi đầu bằng cách tổ chức một cuộc thi toán quốc gia. Mặt bằng điểm số lúc đó rất thấp. Một số trường có các đội toán lớn, phát triển mạnh, nhiều học sinh có thể chia sẻ kiến thức với nhau. Nhưng cũng có nhiều học sinh không thuộc đội tuyển nào, chưa được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng như vậy.
Chúng tôi nhận ra, cần tạo ra một nguồn tài nguyên có thể chia sẻ rộng rãi. Lúc đó chưa có Internet, website, vì vậy, chúng tôi bắt đầu bằng việc viết sách. Sau đó, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều học sinh không đến từ các trường tiên tiến cũng tham gia thi tốt trong các cuộc thi toán bởi các em đã tiếp cận với những tài liệu đó.
Sau này, Internet giúp chúng tôi tăng tốc hơn nữa, nhiều học sinh được tiếp cận với những bài toán hay, tài liệu thú vị giúp khơi dậy niềm yêu thích học Toán.
Nói như thế để thấy, một phần của vấn đề trong việc dạy Toán ở Hoa Kỳ và có lẽ trên toàn thế giới. Đó là, những học sinh không học trường chuyên lớp chọn, không có cha mẹ là những người có nền tảng tốt, thậm chí các em không biết ngoài kia có những cách tiếp cận toán thú vị, kiến thức hay… mà không được dạy trên lớp.
Nhiều giáo trình rất khó đưa vào chương trình giảng dạy môn Toán đại trà, bởi cần phải đào tạo cả một thế hệ giáo viên trước khi họ có thể dạy lại học sinh. Và có nhiều lĩnh vực toán học đã trở nên quan trọng hơn trong 30 - 40 năm qua do sự xuất hiện của công nghệ, nhưng các thế hệ giáo viên cũ lại chưa tiếp cận được để dạy cho những thế hệ học sinh tiếp theo…
Trải qua hơn 20 năm phát triển, The art of problem solving (Nghệ thuật giải quyết vấn đề - AoPS), cộng đồng toán học tại Hoa Kỳ với hơn 900 nghìn thành viên và cộng đồng mạng hơn 3 triệu người đã truyền cảm hứng, đào tạo ra hàng ngàn nhà lãnh đạo trí tuệ thế hệ tiếp theo. Tất cả các thành viên đội tuyển Mỹ thi Toán quốc tế gần đây từng là thành viên của AoPS.