Học sinh bỏ học sau Tết tăng đột biến ở Nghệ An (bài cuối)

GD&TĐ - Trước thực trạng HS nghỉ học đã thành “truyền thống”, trường học vùng cao Nghệ An duy trì và tăng cường nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động.

Giờ học của cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: TD
Giờ học của cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: TD

Tạo động lực cho các em đến trường, học tiếp lên THPT hoặc huy động tối đa vào cơ sở đào tạo nghề sau THCS.

Bài 3: Tăng cường hướng nghiệp

Không bỏ cuộc

Cho đến thời điểm này, khối 9 Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) chỉ duy nhất lớp do thầy Hoàng Văn Bình chủ nhiệm vẫn giữ nguyên sĩ số. Tuy nhiên, dịp ra Tết, sau khi vào học được 2 tuần thì em Già Bá R. cưới vợ. Đáng nói, vợ của R. là em Xồng Y X. cũng là học sinh của trường. Sau đám cưới, được sự động viên của nhà trường, thầy cô giáo, đôi vợ chồng lớp 9 này đã đi học trở lại.

Theo thầy chủ nhiệm, nhà em Già Bá R. cách xa trường nhưng không ở bán trú mà đi về trong ngày. Vì thế sau khi lấy vợ, em R. được đưa vào nhóm cần quan tâm, theo dõi “đặc biệt”. “Sau đám cưới tôi đến nhà nói chuyện với em R. và gia đình. Bây giờ em học đến cuối lớp 9 rồi, cố gắng mấy tháng nữa để hoàn thành chương trình, tốt nghiệp THCS. Sau đó nếu em muốn đi học nghề hoặc đi làm cũng thuận tiện hơn. Bố mẹ của Già Bá R. cũng hiểu, đồng ý và muốn cả con trai và con dâu cùng đi học hết cấp 2”, thầy Hoàng phấn khởi nói.

Trường PTDTBT THCS Thông Thụ (Quế Phong) đóng ở xã biên giới, với phần lớn học sinh người Thái, Khơ Mú. Sau Tết, nhà trường đã ổn định dạy học cũng như sĩ số học sinh. Thầy Hoàng Ngọc Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, dù nằm ở vùng khó khăn nhưng trong vài năm trở lại đây việc tuyên truyền học sinh đi học của nhà trường đã thuận lợi hơn. Tất cả lớp học thầy cô đều lập nhóm Zalo để phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cùng thông tin các hoạt động của lớp.

Theo thầy Thanh, do điều kiện kinh tế - xã hội địa phương khó khăn, nên rất nhiều người dân, phụ huynh học sinh đi lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Bố mẹ rời quê làm ăn, để con cái lại cho ông bà trông nom, chăm sóc. Trong khi đó ông bà chăm cùng lúc nhiều cháu và nhận thức cũng hạn chế, không sát sao việc học của các cháu.

“Việc lập nhóm Zalo, sử dụng sổ liên lạc điện tử giúp thầy cô trao đổi, tương tác được với bố mẹ học sinh kể cả ở địa phương hay đi lao động nơi khác. Nhờ vậy, nhà trường đã kéo được gia đình, bố mẹ cùng tham gia nhắc nhở con em trong học tập cũng như sinh hoạt bán trú. Qua đó giúp ổn định sĩ số, giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”, thầy Thanh cho biết.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: NTCC

Buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: NTCC

Nâng cao nhận thức

Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) có học sinh của 3 thành phần dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú với đặc điểm văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Theo thầy Nguyễn Ngọc Tân - Hiệu trưởng - tình trạng trò nghỉ học mỗi năm diễn ra rải rác ở khối 7, 8, 9 với học sinh của cả 3 dân tộc và là “truyền thống” đáng lo của địa phương.

“Những năm gần đây có hiện tượng một số hộ dân bản Mông di cư vào Tây Nguyên hoặc vùng Đông Nam Bộ làm rẫy cao su, cà phê… Họ đi cả gia đình mang theo con cái và chỉ quay về thăm quê vào dịp Tết. Điều này dẫn đến con em phải nghỉ học và cũng không được tiếp tục học tập tại nơi mới”, thầy Tân cho biết.

Chính vì các lý do trên, nhà trường triển khai công tác tuyên truyền trong cả năm học. Mỗi năm ít nhất 1 lần tổ chức ngoại khóa chủ đề chống tảo hôn, bỏ học giữa chừng. Cùng với đó là nhiều hoạt động hướng nghiệp, giúp học sinh nâng cao nhận thức, xác định được mục tiêu, động lực học tập. Qua khảo sát, hàng năm Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng có 60 - 70% học tiếp lên THPT. Số còn lại được huy động tối đa vào các cơ sở GDNN - GDTX và đào tạo nghề.

Thầy Phạm Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) - thông tin, trong 2 năm học gần đây, nhiều học sinh của trường gặp khó khăn khi xã Hữu Kiệm đạt… nông thôn mới. Theo đó, nhiều thôn bản ra khỏi khu vực III đặc biệt khó khăn, trong đó có bản xa nhất và nhiều học sinh ở bán trú là Đỉnh Sơn 2 cũng “thoát nghèo”. Kéo theo đó chế độ bán trú, bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí… bị cắt. Điều này gây khó khăn nhất định cho trường trong duy trì sĩ số, vì không ít học sinh có tư tưởng bỏ học vì nhà xa và không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nghị định 116.

Để bù đắp thiếu thốn cho trò ở xa, xã Hữu Kiệm đã lập cây ATM hỗ trợ học sinh khó khăn. Theo đó cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên trên địa bàn trích lương ủng hộ và giao quỹ cho nhà trường. Quỹ này sẽ dùng để nấu ăn cho học sinh phải ở bán trú nhưng không được hưởng chế độ Nghị định 116.

“Năm học này, trường có 180 em bán trú trên tổng số 240 học sinh. Riêng bản Đỉnh Sơn 2 có 19 em đang được nuôi bán trú dù mất các chế độ hỗ trợ. Chúng tôi không muốn những em này bị tách ra ăn riêng hay ở riêng với các bạn bán trú còn lại, gây phản cảm, phân biệt. Thay vào đó vẫn để các em được học tập, sinh hoạt bình thường và kêu gọi các nguồn xã hội hóa, đóng góp của cán bộ, viên chức trong xã để nuôi trò”, thầy Thắng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Phúc – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn - cho hay: Qua báo cáo của các nhà trường, học sinh bỏ học chia thành các nhóm nguyên nhân gồm: Tảo hôn (57 em), bỏ học đi làm công ty (70 em), còn lại là ở nhà chưa đi đâu nhưng cũng không đi học nữa. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học sinh khi các em đi làm mà chưa đủ tuổi lao động hoặc không có hợp đồng lao động.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS. Đồng thời nâng cao nhận thức, hướng các em vào con đường đi làm sau khi đã có ít nhất một trình độ nghề nghiệp thay vì lao động mà chưa qua đào tạo. Dù chưa thể chấm dứt hoàn toàn nhưng chúng tôi mong muốn thông qua nhiều biện pháp, có thể hạn chế tối thiểu số lượng học sinh nghỉ học”, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn thông tin.

Thầy Nguyễn Ngọc Tân cho biết: “Chúng tôi định hướng, và phân luồng học sinh thành 3 nhóm mục tiêu sau THCS gồm: Tiếp tục học lên THPT; vào trung tâm GDNN-GDTX và một số đi học nghề. Nhà trường cũng phối hợp với nhiều đơn vị như Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn, CĐ nghề Việt – Đức, CĐ nghề số 4 Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An… để giới thiệu và hướng nghiệp cho học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.