Học sinh bỏ học sau Tết tăng đột biến tại Nghệ An (bài 2)

GD&TĐ - Sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều trường học ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lần lượt “mất học trò” khi các em lấy vợ, lấy chồng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Sở GD&ĐT trò chuyện với nữ học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Sở GD&ĐT trò chuyện với nữ học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống. Ảnh: Hồ Lài

Bài 2: 'Phép trường'… nhường tục lệ?

Theo chồng… bỏ cuộc thi

Kỳ thi chọn học sinh giỏi huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chuẩn bị diễn ra vào cuối tháng 3, nhưng đội tuyển môn Ngữ văn của Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (xã Mường Lống) thiếu 2 em nằm trong tốp đầu.

“Thầy tiếc lắm mà không biết phải làm sao. Công sức bồi dưỡng suốt cả năm mà học sinh đi lấy chồng, bỏ học”, thầy Lô Văn Phúc – giáo viên dạy Văn của trường xuýt xoa nói. Hai học trò cưng của thầy Phúc là em Và Y K., Và Y D. (lớp 8) dịp sau Tết vẫn đi học, ôn thi đầy đủ. Nhưng đến tuần thứ 4 thì vắng học. Qua tìm hiểu, Và Y D. đã lấy chồng cũng là học sinh của trường, đang học lớp 9A. Sau khi cưới, được thầy cô động viên nên cả 2 đã quay lại trường nhưng đi học không chuyên cần. Riêng em Và Y K. lấy chồng xa nên nghỉ học hẳn.

Theo thầy Phúc cho biết, nhà K. ở bản Thằm Hốc, cách xa trường nên ở bán trú. Em là học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, học giỏi, từng có thành tích giỏi huyện môn Ngữ văn năm lớp 6. Vì vậy, K. là “hạt giống đỏ” của trường để bồi dưỡng mũi nhọn. Tuy nhiên, trong thời điểm thầy trò tăng tốc ôn tập, nữ sinh người Mông này đột ngột “theo chồng bỏ cuộc thi”. Từ đó đến nay, em cũng không có bất kỳ liên lạc, thông tin nào với thầy cô.

Thầy Phúc cho biết, trước đó, em Và Y P. đã học đến cuối năm lớp 9, đang ôn tập chuẩn bị thi vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Sau vài buổi vắng học, thầy đến nhà hỏi thăm thì bố mẹ P. lắc đầu báo con “bị bắt vợ rồi”. Nhà chồng sợ thi xuống nội trú tỉnh thì không bắt về làm vợ được nên cưới luôn. Dù lấy chồng trong xã, nhưng ngại với bạn bè nên P. không đi học nữa. Năm nay thì em đã sinh con và chấm dứt hẳn con đường học tập.

“Thầy cho em xin mật khẩu VNedu. Em muốn đi học và ôn thi xem có được đi thi không nhưng họ (nhà chồng – PV) không cho”. Đọc dòng tin nhắn gửi trong Zalo, thầy giáo Đặng Ngọc Hùng (Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) vừa thương, vừa buồn và cũng đầy tiếc nuối cho cô học trò giỏi nhất đội tuyển Toán. Đó là em Xồng Y N. – cô bé người Mông mới lên lớp 7, vừa bị bắt vợ và phải ở lại nhà chồng tận bên Lào.

“Xồng Y N. rất thông minh, học giỏi đều các môn và có năng khiếu nổi trội với môn Toán do tôi phụ trách. Các bài thi thử trực tuyến gần đây em đều đạt 25/30 điểm trở lên. Em đặc biệt ham học, muốn đến trường, nên sau khi lấy chồng đã nhiều lần xin được về Việt Nam đi học mà không được. Nhà chồng ở tận bên Lào, thầy giáo và nhà trường cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ cho em” – thầy Hùng chia sẻ.

Theo phong tục người Mông, “lấy chồng thì đã làm ma nhà chồng”, cô bé Xồng Y N. nhớ trường lớp, chỉ đành xin thầy cô gửi địa chỉ học trực tuyến, bài tập, tài liệu gửi qua Zalo để thỏa lòng ham học ở bên kia biên giới…

Cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Sợ con… tự tử

Sau Tết, bố của Xồng Y N. đến trường xin lại sách vở của con về để gửi sang nhà chồng. “Đến gặp thầy cô, nhìn thấy bạn bè của con vẫn đang được đến trường vô tư, bố của N. bật khóc vì thương con…”, thầy Đặng Ngọc Hùng kể lại.

Nhà Xồng Y N. ở bản Buộc Mú 2, cách trường 7 - 8km nên từ năm lớp 6 em đã ở bán trú. Bố em còn là cán bộ xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Nhắc đến con gái, giọng người bố nghẹn ngào: “Tiếc lắm! Không phải tự hào nhưng con bé được thầy cô khen học toàn diện, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Năm lớp 6, con tổng kết được 8,3 điểm cao gần nhất khối. Hôm con bị bắt vợ, tôi không ở nhà. Đi công tác về thì nghe vợ và hàng xóm nói con bị nhà chồng bắt về bên Lào rồi”!

“Tôi cũng xin cho con gái được về Việt Nam, ít nhất là học cho hết lớp 9 nhưng họ không chấp nhận. Theo phong tục, nhà trai đã ‘bắt vợ’ thì con gái không được về nhà bố mẹ đẻ nữa. Mình không can thiệp thì tội con nhiều lắm, mà can thiệp thì sợ con lại ăn lá ngón tự tử mất, nên đành chịu thôi…”, bố của N. bất lực nói.

Theo lời kể của bố N., nhà trai ở tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và có anh em họ hàng con cô con cậu với gia đình mình. Vì vậy, dịp Tết hàng năm họ vẫn thường sang Việt Nam chơi, thăm thân. Năm nay thấy N. đã lớn nên bắt về làm vợ. Điều oái oăm là chồng của N. từng đi du học ở Việt Nam tại Trường ĐH Luật Hà Nội, vừa mới tốt nghiệp. Cô bé sau khi lấy chồng vẫn muốn được đi học nhưng không thể về trường cũ. Bên nhà chồng cũng có trường lớp, nhưng dạy học bằng tiếng phổ thông và chữ viết Lào nên N. không thể theo được.

Từ dịp sau Tết đến nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, cao nhất huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Trong đó, số học sinh lấy chồng lấy vợ là 11 em, còn lại nghỉ học theo gia đình di cư hoặc đi làm. Theo thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng, trường có khoảng 95% học sinh là người Mông. Do tập tục tảo hôn và đặc tính di cư của người dân, nên nhiều năm nay, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên trong suốt năm học nhưng vẫn chưa chấm dứt được.

“Học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm có nguyên nhân liên quan đến tâm lý lứa tuổi, và còn xuất phát từ phong tục, tập quán bắt vợ, bắt chồng. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin liên lạc thuận tiện hơn. Dù nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong khu bán trú nhưng các em vẫn âm thầm liên lạc với nhau. Cá biệt có em học sinh lớp 6 của trường, chỉ sau 1 đêm đã vượt rào khu nhà ở bán trú và bị bắt vợ sang xã Mường Lống, cách Na Ngoi hơn 80km”, thầy Hùng cho hay.

Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) - chia sẻ, xã có 100% bản người Mông sinh sống. Đặc trưng của học sinh Mông rất chăm chỉ, chuyên cần, nhất là những em ở bán trú thì thầy cô không cần lo lắng về nền nếp và ý thức học tập. Chỉ có việc lấy chồng, lấy vợ rồi bỏ học là điều lo ngại nhất của nhà trường. Công tác tuyên truyền cũng phải khéo léo, cẩn trọng vì sợ học sinh… tự tử. Đã từng có trường hợp trong xã vì bị ngăn cản lấy chồng lấy vợ mà ăn lá ngón dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trên địa bàn hiện có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông như: Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.