Học sinh bỏ học tăng đột biến sau Tết tại Nghệ An

GD&TĐ - Sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều trường học vùng cao, khó khăn của Nghệ An có số lượng học sinh nghỉ học tăng đột biến so với các năm trước.

Những chỗ trống trong lớp chủ nhiệm của cô Trần Thị Hằng Lê (Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng) do học sinh nghỉ học sau Tết.
Những chỗ trống trong lớp chủ nhiệm của cô Trần Thị Hằng Lê (Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng) do học sinh nghỉ học sau Tết.

Bài 1: Trường đủ cách giữ, trò vẫn thờ ơ

Sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều trường học vùng cao, khó khăn của Nghệ An có số lượng học sinh nghỉ học tăng đột biến so với các năm trước. Dù nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, song học sinh bỏ học vẫn chưa thể chấm dứt. Bên cạnh lý do bỏ học do tập tục tảo hôn, thì số em rời địa phương đi xa làm ăn, ngày càng phổ biến.

Đã hơn 1 tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số trường học ở vùng cao Nghệ An vẫn chưa đủ sĩ số. Dù thầy cô tìm đủ mọi cách đi từng nhà, đến từng bản kéo trò trở lại lớp, nhưng các em vẫn không mặn mà. Thậm chí có em đã “âm thầm” theo người quen bỏ học đi làm thuê ở xa…

Nỗi “day dứt” của cô chủ nhiệm

“Sáng thứ 2 đầu tuần, Lương Thị Hằng xin nghỉ phép vì bị ốm thì ngay trưa hôm đó, tôi được tin em theo người quen đi làm giúp việc. Tôi vội vàng từ trường đến nhà em mà vẫn không kịp. Từ tối hôm trước em đã lên xe khách rời bản vào Quảng Nam. Đến giờ tôi vẫn thấy day dứt, áy náy vì không kịp ngăn cản, để em bỏ học đi làm sớm như vậy”, cô Trần Thị Hằng Lê, chủ nhiệm lớp 7A, Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An kể.

Cô Lê vừa chuyển về công tác tại Xá Lượng từ tháng 2 năm nay nhưng đã có kinh nghiệm dạy học qua nhiều trường học khó khăn của huyện Tương Dương. Riêng trường hợp em Lương Thị Hằng bỏ học khiến cô rất bất ngờ, vì trước tới nay em không có ý định này.

Theo cô tìm hiểu, mẹ của Hằng bỏ nhà sang Trung Quốc từ năm 2014 rồi bặt vô âm tín. Bố và anh trai không được khôn ngoan và không có khả năng lao động. Hằng ở cùng ông bà nội đã già yếu tại bản Ang, cách trường khoảng 4km. Sau Tết, em vẫn đến trường đi học chuyên cần, đầy đủ nhưng chỉ qua 1 đêm, cô bé lớp 7 đã rời gia đình, bỏ học để đi làm thuê. “Ông bà của Hằng nói, nhà nghèo nên đồng ý cho cháu đi giúp việc”, cô Hằng Lê ngậm ngùi nói.

Trong lớp 7A, ngoài Hằng còn có Moong Văn Hà ở bản Na Bè bỏ học với lý do “dở khóc dở cười” là không xin được bố mẹ mua… điện thoại cho. “Giận bố mẹ, em không chịu đi học nữa, cô giáo cũng bị giận lây. Sau nhiều lần vừa thuyết phục, dỗ dành vừa hứa hẹn đi học đầy đủ thì có thưởng, em mới chịu quay lại trường. Hiện em đã đến ở bán trú, học tập bình thường dù vẫn chưa hết… giận”, cô giáo chủ nhiệm kể.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Tân, Hiệu trưởng nhà trường, dịp vừa ra Tết, trường vắng khoảng 60 học sinh, nhưng chủ yếu là đi chơi xa chưa về hoặc bị ốm. Sau thời gian chia giáo viên đi “bắt trò”, còn 9 em đến nay vẫn đang nghỉ học và có nguy cơ bỏ hẳn, nằm rải rác tại các bản Ang, bản Lở, Khe Ngậu, Na Bè, Khe Mó… Trong đó có em đã theo họ hàng đi làm ăn tại các tỉnh xa, hiện không còn ở địa phương nữa.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm đến nhà vận động học sinh đến trường tại xã Hữu Lập.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm đến nhà vận động học sinh đến trường tại xã Hữu Lập.

Thầy kiên trì, trò thờ ơ

Vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, Moong Văn Khăm (học sinh lớp 9C, Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) đã theo người quen ra Hà Nội làm thuê. Tuy nhiên, sau 2 tuần làm việc ở thành phố, không chịu nổi vất vả, mệt nhọc Khăm lại bỏ việc về quê.

“Nghe tin học trò về là tôi liền đến nhà gọi em quay trở lại trường. Tâm lý học sinh nếu đã nghỉ được vài tuần là dễ nghỉ hẳn. Mới đây Moong Văn Khăm đã chịu đi học, nhưng tôi và giáo viên khác vẫn phải thường xuyên quan tâm, theo dõi, nếu không em rất dễ “tái” bỏ học", thầy Đậu Trọng Việt, chủ nhiệm lớp 9C chia sẻ.

Vận động thành công em Moong Văn Khăm, nhưng lớp 9C còn 2 trường hợp khác nan giải hơn. Đó là em Vi Hoàng Anh (bản Hòm) và Lương Minh Đăng (bản Na Chảo) đã bỏ học nhiều ngày dù nhà trường, thôn bản, cán bộ xã đủ cách thuyết phục. Điều đáng nói là 2 em này ở bản gần trường, hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn so với trong xã và bố mẹ rất muốn con học hành đầy đủ.

“Lương Minh Đăng đã xuống thành phố Vinh đi làm. Còn Hoàng Anh chưa đi đâu, hiện đang ở nhà nhưng nhất quyết không đi học nữa. Trong khi trước Tết, tôi làm công tác phân luồng thì cả 2 em này đều đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 và tham gia ôn thi bình thường”, thầy Việt cho hay.

Thầy Việt đã có hơn 25 năm gắn bó, dạy học ở huyện biên giới Kỳ Sơn, và chưa năm nào không đi vận động học sinh tới trường. Bởi “nếu không vận động thì không có học sinh”. Nhất là học sinh lớp 9 bỏ học rất đáng tiếc khi chỉ còn vài tháng nữa là xét tốt nghiệp THCS.

Đến nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Kiệm vẫn còn 11 học sinh chưa đến trường đầy đủ. Trong đó 3 em nghỉ học hẳn, không còn ở địa phương, 8 em khác vẫn trong diện vận động, chủ yếu ở các bản Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1. Đây là ngôi trường THCS chung dành cho học sinh 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập, phần lớn là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú.

Thầy Phạm Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mới đây, đoàn vận động gồm Ban giám hiệu phối hợp với cán bộ xã Hữu Lập đến vận động 2 em Kha Văn Quyết và Lo Văn Tạnh (lớp 8) đi học. Cả 2 gia đình đều ủng hộ và mong muốn cho con em học hành đầy đủ, tuy nhiên chính các em lại muốn nghỉ ở nhà. Sau khi được phân tích, cả 2 hứa sẽ quay lại trường. Với 6 em còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động”, thầy Thắng cho hay.

“Lớp tôi chủ nhiệm có sĩ số 30 em, trong đó chỉ có 3 em thuộc diện phân luồng và được thầy cô định hướng vào cơ sở học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên sau Tết, tư tưởng học sinh vẫn dễ thay đổi khi có người rủ rê đi làm, kiếm tiền…”, thầy Đậu Trọng Việt cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...