Lớp “học ghép” giữa đại dịch: Dù hoàn cảnh nào cũng không để học sinh bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Livestream buổi học cho trò mắc kẹt ở vùng dịch, hay tổ chức học ghép trực tuyến cho học sinh của nhiều địa phương khác nhau đang được Nghệ An triển khai hiệu quả.

Giáo viên Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An lắp thiết bị để phát trực tiếp tiết học cho học sinh kẹt ở vùng dịch.
Giáo viên Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An lắp thiết bị để phát trực tiếp tiết học cho học sinh kẹt ở vùng dịch.

Trong điều kiện dịch bệnh, giải pháp linh hoạt này giúp học sinh an tâm, và các cơ sở giáo dục cũng mở rộng kết nối, thực hiện mục tiêu dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, cũng không để em nào bị bỏ lại phía sau.

Livestream buổi học cho trò mắc kẹt ở vùng dịch

Đến nay, Trường THPT Diễn Châu 4 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn còn 36 học sinh mắc kẹt ở phía Nam, chưa thể quay lại trường. Trong đó có 7 học sinh khối 10, 11 học sinh khối 11 và 18 học sinh khối 12. Theo lãnh đạo nhà trường, học sinh chủ yếu ở vùng nông thôn, đời sống kinh tế gia đình còn vất vả. Không ít học sinh có bố mẹ vào các tỉnh phía Nam làm công nhân. Vì vậy, dịp hè các em cũng theo vào để thăm người thân, tranh thủ làm thêm kiếm tiền mua sắm sách vở, đồ dùng cho năm học mới. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, các em chưa thể trở về trường nhập học theo lịch.

Để duy trì việc học cho số học sinh này, nhà trường triển khai giao bài tập và đẩy bài giảng của thầy cô lên hệ thống dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, phương án này chỉ đảm bảo kiến thức ở mức độ căn bản, hoặc chủ yếu mang tính ôn tập, luyện bài do phụ thuộc vào ý thức tự giác, tự học của học sinh.

Trong khi đó, nhà trường đã dạy học trực tiếp hơn 2 tuần, tiến độ chương trình đẩy nhanh, thời gian học trực tuyến thu hẹp lại. Với những em không được đến trường, nguy cơ không theo kịp chương trình rất cao. Trước thực tế này, ban giám hiệu nhà trường đã nghĩ ra phương án livestream trực tiếp các bài học và kết nối với phần mềm Zoom cho học sinh ở xa.

Thầy Nguyễn Đức Thái - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Diễn Châu 4 - chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với chuyển đổi hình thức dạy học đòi hỏi chúng tôi tự học, tự nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Việc dạy học trước camera, hay đẩy bài giảng lên hệ thống LMS không còn quá xa lạ. Riêng livestream các tiết học trên lớp là giải pháp mới được triển khai, nhưng giáo viên và học sinh thích ứng khá nhanh. Kể cả học sinh trên lớp cũng quen thuộc và hỗ trợ thêm cho bạn ở xa”.

Ngoài quay trực tiếp các bài giảng, giáo viên vẫn duy trì đẩy bài giảng lên hệ thống dạy học trực tuyến để học sinh có thể nghe lại bài giảng. Với mỗi môn, thầy cô cũng lập phòng học Zoom riêng và trao đổi với học sinh trực tuyến. Đồng thời thường xuyên giao bài và kiểm tra như một cách nhắc nhở các em có ý thức tự giác học tập.

Em Nguyễn An Nhiên - lớp 12A9 đang kẹt trong Đồng Nai khi vào thăm bố mẹ làm công nhân tại đây tâm sự: “Năm học chính thức bắt đầu mà chưa thể trở về nhà, lại là lớp cuối cấp, em rất lo lắng. Nhưng nhờ học trực tuyến và livestream, em có thể theo dõi trực tiếp bài giảng của thầy cô và thấy thú vị, chủ động. Dù em rất muốn được trở về đi học với các bạn, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cách học này vẫn giúp em tiếp thu được kiến thức.

Giáo viên thường xuyên tương tác, trao đổi qua Zoom sau buổi học để hỗ trợ các em theo kịp chương trình.
Giáo viên thường xuyên tương tác, trao đổi qua Zoom sau buổi học để hỗ trợ các em theo kịp chương trình.

Lớp học ghép không giới hạn

Từ ngày 18/10, hơn 1.000 học sinh của Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu) trở lại đi học bình thường. Trước đó, có 1 học sinh mắc Covid-19 nên toàn trường chuyển sang dạy học trực tuyến 2 tuần. Theo thầy Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường, liên quan đến ca bệnh, trường có 58 F1 gồm 47 học sinh và 11 giáo viên.

Vì vậy, dự kiến 2 tuần nữa việc dạy học mới trở lại bình thường khi tất cả F1 hoàn thành cách ly. Trong thời gian này, lớp 11D3 (có học sinh F0) tiếp tục học online. Ngoài ra, một số tiết của giáo viên F1 cũng duy trì học trực tuyến. Nhà trường phân công các giáo viên khác dạy tăng tiết để hỗ trợ các giáo viên chưa thể đến trường.

Điều đặc biệt, trong khi nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến, Ban giám hiệu nhận được đề nghị của nhiều trường THPT trong huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Thái Hòa… xin cho học sinh ghép lớp. Đó là những em đang vướng lại miền Nam, không kịp về học trực tiếp hoặc ở vùng phong tỏa tại địa phương. Đơn cử Trường THPT Quỳnh Lưu 1 có gần 70 học sinh ở xã Quỳnh Hoa - đang thực hiện Chỉ thị 16 – chưa thể đi học trực tiếp. Nhà trường đã gửi những em này vào học trực tuyến cùng học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 để đảm bảo tiến độ chương trình.

Cũng theo thầy Vũ Ngọc Tuấn, khi tiếp nhận học sinh từ trường khác gửi về học ghép, giáo viên nhà trường tạo điều kiện hết sức cho các em. Việc này cũng góp phần thực hiện chủ trương dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, học sinh có thể ngừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Thầy Hồ Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 4 - cho biết: “Qua 2 tuần triển khai nhiều biện pháp, việc livestreame dạy học đạt hiệu quả tối ưu. Chúng tôi có thể vừa dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến mà không quá phức tạp. Ngoài kiến thức, điều quan trọng hơn là học sinh ở xa vẫn cảm nhận không khí lớp học, tương tác với thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, giúp học sinh có tâm lý yên tâm, dù trong hoàn cảnh nào, thầy cô, nhà trường đều không để các em bị bỏ lại phía sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.