Liên kết nhà trường - doanh nghiệp: Cần cái “bắt tay” của người học

GD&TĐ - Việc bắt tay giữa nhà trường, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo là xu hướng của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay. Nhưng tận dụng, nắm bắt và sử dụng cơ hội việc làm từ cái “bắt tay” này như thế nào lại phụ thuộc phần lớn vào chính người học.

Liên kết nhà trường - doanh nghiệp: Cần cái “bắt tay” của người học

Đến tận trường tuyển dụng

Tại Lễ tổng kết trao bằng tốt nghiệp, giới thiệu việc làm cao đẳng khóa 8, trung cấp khóa 16, niên khóa 2014 – 2017, Trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật Việt Hàn (Nghệ An) cũng đã đón 11 doanh nghiệp đến tổ chức tuyển dụng lao động. Hoạt động này đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên Nguyễn Tiến Hùng cho biết: “Em đã lấy liên hệ và ghi phiếu ứng tuyển vào Công ty CPTM Hồng Hà tại Nghệ An. Chuyên ngành em học là về điện máy, nên có nhiều vị trí tuyển dụng phù hợp với những gì em được đào tạo. Có nhiều bạn lựa chọn đi làm xa, hoặc xuất khẩu lao động, nhưng em thì muốn làm việc gần nhà. Nếu sau này khó khăn, hoặc không được tuyển dụng thì em mới tính đến chuyện đi xa”.

Việc các công ty, doanh nghiệp về trường tuyển dụng lao động tại trường được thực hiện nhiều đợt trong năm, cao điểm nhất là thời điểm các khóa bắt đầu tốt nghiệp. Được biết trước đó, hơn 300 sinh viên của trường đã tìm được việc làm khi đang hoàn thành năm học cuối tại các khu công nghiệp, công ty hoặc xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Tất Lưu (trú xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) đến trường nhận bằng tốt nghiệp thay cho con là Nguyễn Tất Hoàng đã xuất khẩu lao động sang Đài Loan cho biết: “Khi cháu đang học thì có một số công ty cũng liên hệ mời làm việc. Sau đó, nó lựa chọn đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, nói với bố là đi làm kiếm tiền trả nợ và kiếm một ít vốn về làm ăn. Nhà tôi có 2 đứa thôi, anh trai của Hoàng học tốt hơn, thi đậu và đang học ĐH Xây dựng, còn Hoàng là em, nó học cao đẳng nghề, học xong có việc tôi cũng thấy mừng cho con”.

Còn bà Hồ Thị Nam cũng được con gái là Trần Thị Phương (ngành Điện công nghiệp) nhờ đến trường nhận bằng. Phương đã đi làm tại Công ty Điện tử Samsung (Bắc Ninh) trước đó 1 tháng. Bà cho biết: “Cháu nói tiền lương bắt đầu làm việc là 4 triệu/tháng, nếu làm thêm, tăng ca thì được 5 – 6 triệu/tháng”.

Ông Nguyễn Duy Nam – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Kỹ thuật Việt – Hàn - cho biết:

“Sau khi tốt nghiệp, các em có nhiều con đường để lựa chọn: Học lên cao, du học, hoặc làm việc ngay... Vì thế, nhà trường đã giao cho phòng, khoa tìm tất cả các đơn hàng để đáp ứng nhu cầu của các em. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với nhà trường trong đào tạo, tạo điều kiện sinh viên thực tập, học việc và khi các em thạo việc đã được nhận vào làm việc luôn. Đây là hướng đi mà nhà trường sẽ tích cực đẩy mạnh trong những năm tới, và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.

Chủ động tuyển lao động chất lượng cao

Bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên là lựa chọn của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trường Đại học Công nghiệp Vinh hàng năm đều cử sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp, công ty, nhà hàng theo từng chuyên ngành đào tạo.

Các bạn vừa được thực hành, nuôi ăn ở và được nhận lương theo năng suất và trình độ lao động của mình. Cuối năm 2016, sau khi kết thúc kỳ thực tập 3 tháng, nhiều sinh viên được nhận tổng lương từ 12 – 18 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không mặn mà, hoặc không tìm được công việc phù hợp từ sự giới thiệu của nhà trường hoặc các công ty. Anh Nguyễn Văn H, ở Nghi Xuân, thị xã Cửa Lò đang yêu cầu công ty trả lại tiền đặt cọc sau khi đăng ký đi làm thực tập sinh tại Nhật Bản.

Lý do là những đơn hàng được phía Nhật Bản đưa ra không đáp ứng được kỳ vọng của H như: Lương thấp, công việc nặng nhọc hoặc địa điểm làm việc có thời tiết khắc nghiệt. Em Nguyễn Văn Công (cựu SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh) cho biết em được giới thiệu đến một số công ty, nhưng do lương thấp từ 4 – 5 triệu/tháng nên em băn khoăn và đang thử tìm việc ở những công ty khác.

Theo ông Thái Sơn – Trưởng phòng Công tác HSSV: Nhiều sinh viên hiện nay chưa chủ động trong định hướng nghề nghiệp và việc làm cho mình, hoặc không đánh giá được đúng thực tế thị trường lao động. Các em được đào tạo bài bản, có năng lực, kỹ năng nhưng chưa chăm chỉ, dẫn đến cảm thấy quá sức khi ra trường lao động hoàn toàn hoặc thất vọng, vỡ mộng với mức lương, chế độ chưa như ý muốn.

Cũng theo ông Thái Sơn, để tiến xa hơn vào các thị trường chất lượng cao, với thu nhập tốt, sinh viên cần năng động hơn, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao khả năng ngoại ngữ. Khi trở thành chuyên gia, việc sẽ tìm người.

Theo số liệu điều tra từ năm 2010 đến 2015, hơn 70% SV của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh ra trường sau 1 năm đã có việc làm ổn định, thu nhập của các em đều đạt từ 5.000.000 đồng/tháng trở lên. Với cơ chế tạo điều kiện học tập và cơ hội việc làm dài hạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, sinh viên của trường có rất nhiều lợi thế, tuy nhiên, số lượng các bạn đăng ký tham gia vẫn còn hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ