Bọn trẻ được phép tự làm những việc khó
“Con thích làm việc này cơ”, đó là cách một đứa trẻ lên 2 hay 3 tuổi thường xuyên nói với cha mẹ mình. Lý do tự nhiên của việc này là vào những năm đầu đời, trẻ bất ngờ phát hiện ra cách hoạt động trên cơ thể mình thông qua các công việc tự làm bằng những cử động của hông, đùi, tay, chân và nhiều bộ phận khác.
Nhưng những ông bố bà mẹ “mẫu mực” lại làm gián đoạn quyền tự chủ mới chớm nở này ở trẻ khi làm hết việc thay chúng vì sợ chúng không có khả năng làm được hoặc vì thương con.
Vậy mà cách nuôi dạy con của người Pháp đã chống lại triết lý này bằng cách đối xử với trẻ em giống hệt như với người lớn, từ đó “đào tạo” trẻ và kích hoạt các khả năng của trẻ, chứ không bao giờ cấm con hoặc làm giúp cho con.
Pamela Druckerman, một bà mẹ người Mỹ đã ghi lại kinh nghiệm nuôi dạy con của mình tại nước Pháp trong cuốn sách “Hành trình nuôi dạy con mỗi ngày”: Người Pháp tin rằng trẻ em sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chúng có thể tự mình làm mọi thứ và thực hiện những việc đó thật tốt.
Có một khoảnh khắc tuyệt vời và đáng kinh ngạc diễn ra ở trẻ khi chúng tìm được cách làm thứ gì đó qua những cử động trên thân thể. Đó là dấu hiệu đáng mừng của sự trưởng thành và tự chủ.
Chắc chắn, cha mẹ có thể làm mọi việc nhanh và tốt hơn con vì họ đã có cả đời rèn luyện các kỹ năng đơn giản này, nhưng khi bạn giúp trẻ, bạn đã tước mất cơ hội để trẻ rèn luyện các kỹ năng mới.
Quá trình tự làm một việc gì đó cũng giúp trẻ rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ, đây là một trong những đặc điểm gắn liền nhất với sự thành công trong cuộc sống.
Có khen ngợi, nhưng không nhiều
Cha mẹ nước Mỹ không tiếc lời khen dành cho trẻ vì họ luôn muốn khuyến khích, động viên và không làm tổn thương con. Nhưng theo cuốn sách của Druckerman, trẻ em Pháp, sau tuổi biết nói, thường không được cha mẹ khen khi chúng “phát ngôn” bất cứ điều gì.
Các cha mẹ Pháp chỉ động viên và khen ngợi con khi bé nói ra được điều gì đó thú vị, hoặc phát âm tốt.
Khi trẻ nhận được nhiều lời khen ngợi, chúng sẽ cảm thấy thỏa mãn và tin rằng vì chúng đã làm tốt nên được khen. Điều này khiến trẻ ngừng phấn đấu. Bọn trẻ chưa thể hiểu được rằng đôi khi lời khen chỉ là để động viên, chứ không phải vì trẻ đã hoàn thành mục tiêu.
Trẻ em hiểu được rằng người lớn cần có không gian riêng
Trẻ em là trẻ em, người lớn là người lớn, mỗi độ tuổi luôn có sự khác biệt về cả thể chất lẫn tâm lý. Vậy tại sao nhiều bậc phụ huynh lại luôn muốn bên cạnh con mình mọi nơi, mọi lúc? Cảm giác tội lội khi bỏ rơi con để làm việc khác khiến nhiều bậc phụ huynh áy náy, nhưng nếu dành tất cả thời gian ở bên bọn trẻ, bạn sẽ cảm thấy quá tải và kiệt quệ.
Theo Druckerman, người lớn cần có thời gian, không gian cho riêng mình, với vợ chồng, với bạn bè và với các người lớn khác nhưng không bị bó buộc bởi trẻ. Trong cuốn sách của mình, cô ấy viết: Cha mẹ Pháp cho rằng những người làm cha, làm mẹ tốt nhất cũng không nhất thiết phải thường xuyên phục vụ con cái. Bạn không nên cảm thấy tội lỗi về điều này.
Một phụ nữ Pháp đã chia sẻ rằng buổi tối là thời gian riêng của bố mẹ, bọn trẻ đã quen với điều này và chẳng mấy khi làm phiền họ.
Trẻ sơ sinh đã được dạy đi ngủ sớm và ngủ sâu
Theo Druckerman, những người mẹ bị kiệt sức, mệt mỏi ở Pháp hiếm hơn ở Mỹ. Những cha mẹ Pháp ưu tiêu dạy trẻ sơ sinh ngủ liền mạch cả đêm ngày từ những ngày đầu tiên chúng chào đời.
Trẻ sơ sinh thường có chu kỳ thức dậy ngắn trước khi tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Nếu bạn cho trẻ một phút “tự xử lý”, chúng sẽ không bị phụ thuộc vào việc cần phải có người bế lên lắc lư, cho ăn hoặc hỗ trợ gì khác.
Nếu thấy con ọ ọe mà ngay lập tức mẹ chạy đến ngay, bé sẽ quen dần và có đòi hỏi ngày càng cao, khiến buổi đêm bị gián đoạn nhiều lần để cho bú, dỗ dành, gây mất ngủ, kiệt sức ở người mẹ mới sinh.
Trái cây, rau quả là những loại thực phẩm đầu tiên trẻ được nếm
Trẻ em Pháp nổi tiếng là những đứa trẻ không kén ăn. Druckerman kể lại trải nghiệm của mình ở trường học của con gái, khi những đứa trẻ chập chững mới biết đi cũng vui vẻ ngồi ăn củ cải, rau bina, các loại thức ăn khác của người lớn chứ không phải ngồi gặm gà rán hay một miếng pho mai.
Bí mật của điều này là gì? Cha mẹ và các đầu bếp ở trường học liên tục phục vụ trẻ các món này và mong muốn bọn trẻ ăn chúng. Nhà bếp ở Pháp không có các bữa ăn riêng biệt giữa người lớn và trẻ con. Trẻ thường được ăn chung với người lớn cùng những món ăn y hệt với mọi người.
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng được nếm các phiên bản trái cây, rau quả xay nhuyễn mà cha mẹ chúng ăn thay vì ngũ cốc nhạt nhẽo dành riêng cho trẻ em giống như lũ trẻ ở Mỹ.
Quá trình huấn luyện vị giác ngay từ đầu giúp trẻ trở thành những người ăn uống không cầu kỳ, được thưởng thức nhiều loại thực phẩm ngay từ nhỏ.
Đây là một trong những lý do giải thích tại sao trẻ em Pháp luôn thích ăn uống lành mạnh hơn những trẻ em nước khác.
Được phép trải nghiệm nỗi đau đớn
Trải nghiệm đau đớn là một trong những cơ hội học tập tốt nhất. Che chở, bảo vệ trẻ khỏi điều này chỉ là cách trì hoãn, thậm chí là làm chậm cơ hội phát triển cảm xúc ở trẻ.
Druckerman đã trích lời một bác sĩ người Pháp: “đừng nói xin lỗi hoặc rất tiếc khi đưa trẻ tới phòng khám. Tiêm thuốc hoặc bị đau đớn khi mang bệnh là một phần của cuộc sống. Không có lý do gì để bạn phải xin lỗi trẻ vì điều đó. Khi bạn dành cơ hội để trẻ được nếm trải nỗi đau, đó là cách để bạn chuẩn bị cho trẻ đối mặt với những nỗi đau lớn hơn sau này”.
Để cho trẻ phải chịu một chút đau đớn khi tới bệnh viện có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi, nhưng thay vì cố gắng xoa dịu, ngăn chặn những tổn thương này ở trẻ, cha mẹ nên dành thời gian quý giá đó để dạy con cách đối đầu và giải quyết những tổn thương này.
Thời gian trôi qua, đứa trẻ lớn dần lên, chúng sẽ trở nên kiên cường và biết cách giải quyết các vấn đề tốt hơn nếu trước đó đã được trải nghiệm những nỗi đau đớn thể chất mà không bị bố mẹ can thiệp.
Trẻ con nước Pháp luôn biết nói “xin chào”
Ở Mỹ, một đứa trẻ 4 tuổi không có nghĩa vụ phải chào hỏi người lớn khi chúng cùng cha mẹ bước vào nhà của ai đó vì thông thường, mọi người vẫn coi đó là một đứa trẻ con và không nhất thiết phải câu nệ mọi phép lịch sự như với người trưởng thành.
Trẻ con luôn được dành riêng các khu vực khác nhau, không chung đụng với người lớn. Nhưng trẻ con Pháp lại khác, chúng được giáo dục là phải chào hỏi mọi người chúng gặp, đặc biệt là khi bước chân vào nhà người khác. Trẻ con phải hành xử như người lớn, tức là phải biết các phép lịch sự tối thiểu.
Người mẹ Pháp luôn thể hiện phong cách cá nhân và sự độc lập
Phụ nữ Pháp nổi tiếng vì khả năng cống hiến trọn đời cho thời trang. Kể cả khi bạn đang mang bầu hay vừa sinh con, bạn vẫn phải xuất hiện thật hấp dẫn khi bước chân ra phố.
Với phụ nữ Pháp, đặc biệt là các phụ nữ sống ở Paris, thời trang thể hiện cá tính cũng như nội tâm hấp dẫn của một người.
Thế nhưng, điều quan trọng là cách bạn chăm sóc bản thân thể hiện qua việc ăn mặc mỗi ngày. Bạn không nhất thiết phải mặc đồ hàng hiệu khi đi ra phố, nhưng bạn cần phải ăn mặc thật đẹp thay vì một chiếc quần legging bị vấy bẩn.
Một người mẹ biết chăm sóc cho bản thân tốt sẽ chăm sóc, dạy bảo được những đứa con ngoan.
Thờ ơ với đồ ăn vặt
Trong thời gian đầu trải nghiệm “cách làm mẹ ở Pháp”, Drukerman kể lại chuyện cô ấy đã nhìn thấy con gái nhỏ của một người bạn được mời kẹo ngọt, nhưng sau đó bé đã đưa cho mẹ mà không hề động đến một viên nào.
Thực ra, nhiều trẻ em Pháp đã được giáo dục ngay từ nhỏ là không nên ăn nhiều đồ ăn vặt vì những thức ăn này không tốt cho sức khỏe. Không giống như những đứa trẻ nước Mỹ, thường xuyên ăn bánh quy ngay khi đói, trẻ em Pháp có thể để bụng rỗng vài giờ mà chẳng cần nhét gì vào bụng. Điều này giúp cho bọn trẻ đủ độ đói để chờ đến bữa chính với những món ăn lành mạnh.
Trẻ con Pháp cũng được dạy cách biết chờ đợi, chúng sẽ không hét lên khi đồ ăn chưa được phục vụ kịp thời, chúng hiểu rằng đồ ăn đang được chuẩn bị và điều đó không có gì là xấu cả.
Cha mẹ Pháp dũng cảm nói “không” và kiên quyết thực hiện điều này
Đã bao nhiêu lần bạn nói “không” với trẻ, nhưng sau đó lại thỏa hiệp vì trẻ khá dai dẳng, kì kèo và nằn nì? Nếu bạn là người Pháp, câu trả lời cũng vẫn là “không”.
Cha mẹ Pháp luôn có niềm tin vững chắc vào từ khóa “không”. Họ kiên định giữ vững lập trường, không bị giằng xé trước phản ứng dai dẳng của đứa trẻ. Thái độ kiên định trong câu nói “không” của cha mẹ giúp trẻ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, bình tĩnh và cam chịu, giúp điều chỉnh các hành vi tốt hơn trong tương lai.
Trẻ em Pháp không cảm thấy thế giới bên ngoài quá nguy hiểm và đầy nỗi sợ hãi
Làm cha mẹ là “công việc” khó khăn nhất trên hành tinh này. Bạn vừa phải giữ an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần cho đứa con bé bỏng, lại phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ tương lai của chúng, nhưng với người Pháp thì không thế.
Những ông bố, bà mẹ quá lo lắng cho con cái chỉ khiến cho những người làm cha, làm mẹ, và cả đứa trẻ nữa bị… kiệt sức.
Cha mẹ người Pháp rất quan tâm đến con cái của mình. Họ biết về những kẻ ấu dâm, biết về các bệnh dị ứng và những mối nguy hiểm nghẹt thở có thể xảy ra với bọn trẻ bất cứ lúc nào.
Những bậc phụ huynh Pháp luôn biết cách đề phòng hợp lý để những mối nguy hiểm cho trẻ ít có cơ hội xuất hiện. Tuy nhiên, họ không “phát cuồng” với những đứa con của mình. Họ luôn bình tĩnh giải quyết vấn đề, không quá bao bọc trẻ và trao cho trẻ quyền tự chủ.
Nếu học cách nuôi dạy con của người Pháp, bạn phải chấp nhận rằng bạn không thể bảo vệ con khỏi mọi điều xấu. Hãy làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng của mình, phần còn lại thì cứ để mọi thứ tự nhiên xảy ra.