Tôi đã phải hết sức kìm chế những cảm xúc nghẹn ngào trong lòng, rất xót con, rất thương con, không khóc được nhưng có thể tôi đã khóc trong lòng.
Tôi không khóc thương hại con tôi. Không hơn ai nhưng tôi cũng chưa đến mức phải bắt con đi mưu sinh hỗ trợ gia đình. Đó đơn giản là điều cháu mong muốn và nài nỉ rất nhiều, vợ chồng tôi mới đồng ý cho cháu trải nghiệm.
Tôi khóc vì mừng vui con tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều so với cái tuổi lên 9 của cháu; khi mà ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, con người ta vẫn còn được sự bao bọc ấm cúng trong chiếc nôi gia đình, tôi luôn khuyến khích động viên con làm tốt nhất có thể.
Tôi chưa bao giờ ép con học bất chấp sở trường có hay không ở con. Bởi vì tất cả chỉ từ những ý tưởng, khuyến khích động viên chính ước mơ của con: “Con ước mơ lớn lên làm giám đốc doanh nghiệp”.
Gần đây khi nghe nhiều thông tin trên báo chí về những trường hợp các em học sinh đã bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử, bị áp lực bởi việc học hành, bởi điểm số và bởi chính sự kỳ vọng quá mức vào con cái của các bậc cha mẹ. Tôi vô cùng xót xa khi chợt nhận ra ngày trước mình cũng từng có lúc rơi vào hoàn cảnh như thế.
Thành tích học tập của con cái được xem như là trang sức quý giá, tài sản quý báu mà các phụ huynh thường đem ra để khoe mẽ, để so sánh "con mày con tao”. Tôi đã phải hết sức cố gắng để học thật giỏi, thật chăm ngoan, thật hiền lành đến mức khi tôi bước ra đời thì mới hiểu cuộc đời vốn dĩ nó không phải toàn màu hồng như sách vở, như những câu chuyện đầy tính triết lý mà tôi đã được học, được dạy.
Sự thiếu thốn về kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng giao tiếp, sự thiếu hiểu biết, va chạm với cuộc đời đã làm tôi chật vật, làm chậm bước tiến đến thành công; trong khi đâu đó có những bạn lúc xưa học không tốt nhưng giờ thì họ lại rất thành đạt. Họ học kém không có nghĩa họ kém thông minh, họ chỉ là học thuộc bài kém thôi, còn họ rất giỏi về giao tiếp, họ rất chịu khó học từ thực tế, họ rất chịu làm, họ nhiệt tình với công việc, họ không xem mình là thiên tài nên họ luôn cố gắng làm việc để có kết quả tốt nhất.
Con cái chúng ta phải được giáo dục, dạy dỗ phát huy được sức mạnh tài năng mà con có, chứ đừng ép con học cái mà cha mẹ thích, chạy đua theo xu hướng đám đông mà thiếu khôn ngoan. Ai ai cũng muốn con mình giỏi Toán, Văn, Lý, Hóa, nói rành ngoại ngữ... Nói cách khác, phải là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.
Thế nhưng kiến thức nhân loại là vô hạn, nó giống như bạn vào thư viện vậy. Bạn không thể nào đọc hết tất cả cuốn sách có trong thư viện được. Mà bạn phải trả lời câu hỏi: Bạn đang muốn tìm sách gì? Bạn đọc nó để làm gì? Thì khi đó bạn sẽ có được cái quý nhất, tốt nhất, phù hợp nhất và đặc biệt là hữu dụng nhất.
Con bạn cũng thế. Với kinh nghiệm là người đi trước, mỗi khi cho con bạn học cái gì thì điều đầu tiên bạn phải hỏi con là con có thích nó không? Con học nó sau này để làm gì? Từ đó nó sẽ có những thứ để bổ trợ cho ước mơ của con...
Học hành là việc rất cần thiết, không thể thiếu với bất kỳ ai và không bao giờ là muộn với bất cứ lứa tuổi nào. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi: “Học những gì và học để làm gì?”.
Đã đành đừng để con cái sa đà vào những thú vui vô bổ của tuổi thơ, khiến mất hết cả thời gian học hành; nhưng lại càng không nên bắt con phải là nhà Toán học hay lập trình viên, khi mà con chỉ có thể làm được những phép tính thông thường và với máy tính chỉ có thể soạn thảo văn bản; trong khi con lại rất có năng khiếu thể thao, văn hóa văn nghệ…