Thiếu thời gian dành cho con
Làm công việc ngoại giao, chị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lúc nào cũng bận bịu nên ít có thời gian cho con. Từ lúc con hơn 2 tháng, chị đã phải trở lại công việc và từ đó bác giúp việc đảm nhiệm mọi việc chăm sóc bé. Cả ngày vất vả, tối về nhà, bà mẹ trẻ thường chỉ đáo qua bế con vài phút rồi ăn uống, tắm rửa và ngủ.
"Bé rất ngoan, cũng không hay khóc đòi mẹ. Mình thấy bác giúp việc chăm con khá khéo, cháu lên cân đều, nên cũng yên tâm tập trung cho công việc. Nhưng rồi càng lớn, càng thấy cháu cháu lầm lì ít nói và có biểu hiện nghiện tivi. Vào ngày nghỉ, cháu có thể ngồi cả ngày xem tivi một mình mà không cần đến bố mẹ. Nếu như bị tắt tivi là cháu lăn ra khóc ăn vạ.
Thấy con có những biểu hiện bất thường tôi cho cháu đi khám, bác sĩ bảo rằng, cháu có những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Sau đó tôi đã phải nghỉ việc một thời gian ở nhà chăm sóc con, đưa con đi chơi,…giờ đây cháu đã hoạt bát hơn và hay trò chuyện cùng bố mẹ” – Chị Trang chia sẻ.
Không giấu được vẻ phiền muộn, chị H.Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây không bữa cơm nào gia đình chị được quây quần đầy đủ các thành viên. “Đứa lớn học cả ngày, về nhà thì chúi đầu trong phòng để lên mạng, cơm cũng bưng bát ăn riêng. Đứa nhỏ 9 tuổi hồi xưa hay tíu tít bên mẹ, nhưng từ lúc được cho cái iPad thì chẳng còn đoái hoài đến mẹ nữa” - Chị H.Phương ngậm ngùi.
Chị H.Phương cho biết, do cả hai vợ chồng đều rất bận rộn, không có thời gian hướng dẫn làm bài tập hay trả lời những thắc mắc về cuộc sống của con nên anh chị mua laptop, máy tính bảng... cho con, rồi chỉ chúng cách tự lên Google tìm hiểu. “Cứ tưởng có máy móc tụi nhỏ bớt nghịch và độc lập hơn, giờ mới thấm thía cảnh có gì chúng cũng chỉ trút lên mạng” - Chị thở dài...
Tại một buổi trò chuyện “Điều con muốn nói”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, em T.S học sinh học lớp 6 cho biết, em đã rất cố gắng để cha mẹ có nhiều thời gian hơn cho gia đình: “Con đi học về là tự dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Cha mẹ con đi làm đến tối mới về. Có hôm cha mẹ chỉ mở lồng bàn coi rồi đậy lại, mẹ nói mệt quá ăn không nổi. Gia đình con ít khi được ăn cơm với nhau.
Có một lần con nói cha mẹ nghỉ làm cuối tuần ở nhà chơi với con, nhưng cha mẹ nói bận làm việc kiếm tiền. Ngay cả những lúc con ốm mẹ chỉ ở nhà được một ngày chăm sóc con và sau đó là nhờ họ hàng giúp đỡ. Những lúc ấy con cảm thấy cô đơn vô cùng” – T.S tâm sự.
Theo một điều tra về gia đình Việt Nam được thực hiện bởi Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổng cục Thống kê cho thấy, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít đi. Có tới 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không dành đủ thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. 62,9% bậc cha mẹ phía Bắc, 57,7% bậc cha mẹ phía Nam dành chưa đến 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con.
Từ sự cô đơn đến gia tăng tội phạm
Ông Lê Sơn, thành viên Trung ương Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở trẻ em hiện nay là do các em ngày càng bị cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình.
Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, trẻ chơi game nhiều hơn, tìm vui ở các dịch vụ trên mạng Internet, trẻ dễ bị vô cảm, sống ích kỷ hơn và đặc biệt là thiếu kỹ năng xây dựng tình bạn. Từ thiếu kỹ năng đó, trẻ dễ gây gổ đánh nhau và hơn hết là hung hăng với bè bạn.
Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Duy Chính (trưởng bộ môn pháp luật cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, Bộ Công an) nhận định: “Tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng tăng với nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và đặc biệt là ngày càng trẻ hóa về độ tuổi".
Còn Trung tá TS Trần Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Nghiệp vụ cảnh sát vũ trang đại học Cảnh sát nhân dân, từng nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên - cho biết, trong năm năm qua (2010-2014), qua nghiên cứu hơn 5.100 người chưa thành niên phạm tội có các biểu hiện sau: về cảm nhận của các em trong gia đình: có hạnh phúc 41,48%, gia đình hạnh phúc bình thường 45,51%, gia đình không hạnh phúc 13,01%. Về hoàn cảnh kinh tế: các em sống trong gia đình giàu có, khá giả 14,56%, trung bình 63,92%, gia đình nghèo khó và rất nghèo là hơn 21%.
“Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn, khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Các em đa số đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực” - TS Thắng cho biết thêm.
Chia sẻ kết quả phỏng vấn một số thiếu niên ở Trường Giáo dưỡng số 4 – Tổng cục VIII (Bộ Công an), bà Nguyễn Thị Hương (Viện Nghiên cứu phát triển) cho biết, hầu hết các em nơi này đã bày tỏ sự trống trải của mình. “Ba mẹ em ly thân, em sống với mẹ, mẹ rất ít khi nói chuyện với em”.
Một nam học sinh khác đã bị công an mời làm việc vì vi phạm pháp luật, mẹ của em vẫn không tin vì nghĩ rằng mình đã “giao con” cho nhà trường từ sáng đến tối, thời gian đó chị bận đi làm. Vấn đề lớn của cậu học sinh này là: “Mẹ ít khi ăn cơm chung hay trò chuyện với em”.
Theo PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, sự phát triển về tâm hồn, thể chất và các kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn vào lượng thời gian cha mẹ dành cho cũng như mức độ gắn kết của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì tính bền vững của gia đình và sự gắn bó của các thành viên càng có chiều hướng lỏng lẻo hơn.
Ngày nay, ở nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp quý giá dường như đang ngày càng vắng bóng. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn.