4 kỹ năng quan trọng
Theo ông Lê Văn Chín - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - khi xây dựng chương trình tổng thể công tác bồi dưỡng đội ngũ quản trị trường học cần tập trung bồi dưỡng 4 kỹ năng quan trọng: Kỹ năng mở rộng tầm nhìn và định hướng phát triển nhà trường; kỹ năng xác định các mục tiêu; kỹ năng phân tích và xử lý thông tin, xây dựng chính sách để triển khai mục tiêu; kỹ năng thích ứng và thay đổi; kỹ năng giao tiếp, tính hợp tác; ứng dụng CNTT trong quản trị trường học.
Theo PGĐ Lê Văn Chín, trước xu thế hội nhập quốc tế, người quản trị trường phổ thông phải xác định được tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường; định hướng rõ các bước lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra các thành tố trong giáo dục; tích cực huy động nguồn lực xã hội để phát triển nhà trường theo hướng đổi mới.
Người quản trị trường phổ thông cũng cần xác định được mục tiêu trước mắt được thể hiện trong nhiệm vụ năm học và mục tiêu lâu dài mang tính chiến lược. Các yếu tố như môi trường kinh tế xã hội, pháp lý, môi trường giáo dục... luôn thay đổi, đòi hỏi quản trị trường phổ thông phải cập nhật và điều chỉnh các mục tiêu giáo dục cho phù hợp.
Kỹ năng phân tích, xử lý thông tin cũng vô cùng quan trọng, bởi với nguồn thông tin phong phú, nhiều chiều như hiện nay đòi hỏi người làm công tác quản trị nhà trường phải biết chọn lọc thông tin cốt lõi, quan trọng để xử lý và đưa ra quyết định phù hợp nhất. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, người quản trị cần kỹ năng thiết lập và phân tích tài chính, bố trí kinh phí phù hợp để đảm bảo các điều kiện triển khai từng hoạt động của nhà trường, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý hiện nay.
Bên cạnh đó, xã hội luôn thay đổi theo xu thế của thời đại, người quản trị phải biết đón đầu để khai sáng nhà trường, tạo ra những giá trị mới, thích ứng với những biến đổi theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, người quản trị trường phổ thông cần tạo môi trường văn hóa trong hợp tác thực hiện các mục tiêu giáo dục; có trình độ và kỹ năng CNTT, có khả năng vận hành hệ thống quản lý chất lượng nhà trường, thúc đẩy quá trình thay đổi hành vi của đội ngũ giáo viên...
Đa dạng hóa phương pháp bồi dưỡng
Ông Lê Văn Chín cho rằng, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị trường học phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và cần đa dạng hóa các phương pháp, hình thức bồi dưỡng.
Phương pháp bồi dưỡng phải phát huy được tính tích cực, tự giác của người học; học viên có cơ hội chia sẻ, thảo luận nhóm, được giải đáp thắc mắc, tham gia các hoạt động thực hành... Hình thức bồi dưỡng nên chú trọng cả bồi dưỡng tập trung và trực tuyến. Cùng công tác bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ quản trị nhà trường, cần phải hiện đại hóa điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt công tác bồi dưỡng.
Ngoài ra, cần đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra đánh giá không chỉ thông qua những bài viết đơn thuần mà còn là bài thu hoạch từ hoạt động thực tiễn quản trị. Việc thu thập thông tin trước và sau mỗi khóa bồi dưỡng cũng là hoạt động có ý nghĩa trong công tác kiểm tra, đánh giá.
Thông qua kết quả bồi dưỡng giúp kịp thời phát hiện vướng mắc, tồn tại trong thiết kế, xây dựng chương trình bồi dưỡng. "Thực tiễn sinh động qua kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ giúp điều chỉnh và bổ sung những nội dung và giải pháp phù hợp cho các lớp bồi dưỡng sau" - ông Lê Văn Chín cho hay.