Học nhóm hiệu quả theo mô hình Trường học mới

GD&TĐ - TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chia sẻ phương pháp học nhóm theo mô hình Trường học mới, gắn với việc dạy học có sử dụng SGK mô hình hoạt động.

Ảnh: truyền hình Bắc Kạn
Ảnh: truyền hình Bắc Kạn

Hình thức học nhóm phù hợp nhất với những câu hỏi, những nội dung trong bài học có độ khó phù hợp với khả năng nhận thức của nhiều HS trong lớp, nhưng đòi hỏi có nhiều thời gian và nhiều người tham gia thảo luận, tranh cãi mới vỡ lẽ ra vấn đề; đó cũng có thể là một nội dung “mở”, có nhiều cách giải quyết hoặc có nhiều đáp án đúng.

Chuẩn bị của giáo viên

GV phải chọn những nội dung phù hợp với hình thức học nhóm và chuẩn bị phương án chia nhóm HS; chuẩn bị đủ đồ dùng học tập cần thiết để HS có thể viết, đọc, tra cứu, thực hành, quan sát, làm việc bằng tay,… phù hợp nội dung học tập; hình dung kịch bản dạy học.

Nhiệm vụ học tập cần có độ khó nhất định để những HS có lực học trung bình khá vẫn không thể tự giải quyết được, cần phải cố gắng và phải có sự giúp đỡ của bạn hoặc của GV mới có thể hoàn thành; nếu quá dễ, HS không có cơ hội cộng tác; nếu quá khó, HS sẽ bế tắc và chán nản.

Câu hỏi, bài tập ở mức độ kiến thức nâng cao nếu ở dạng “mở”, có nhiều cách thực hiện, nhiều câu trả lời khác nhau thì càng tốt.

Chia nhóm

Tùy theo tính chất của nội dung học hoặc tùy theo đặc điểm của lớp, GV có thể chia nhóm HS theo các cách:

Nhóm ngẫu nhiên, ví dụ: cho HS đếm số từ 1 đến 6, đếm cho hết số HS của lớp, những em nào có số giống nhau thì được xếp vào một nhóm; hoặc GV chuẩn bị các biểu tượng có số lượng bằng nhau và phát ngẫu nhiên cho HS; những HS có cùng biểu tượng thì được xếp vào một nhóm;

Nhóm cùng trình độ hoặc đa trình độ do GV lựa chọn; nhóm chọn bạn (HS có quyền chọn bạn để thành lập một nhóm); nhóm cố định (do GV chọn những em ngồi gần nhau để thành lập một nhóm).

TS Nguyễn Vinh Hiển lưu ý: Số lượng thành viên trong mỗi nhóm nên có từ 2 (với các lớp đầu cấp tiểu học), 4 - 6 (ở các lớp sau). Nếu nhóm có quá nhiều thành viên, thì ưu điểm là sẽ có những HS năng lực khác nhau nhưng việc điều hành để các HS đều tích cực tham gia thảo luận sẽ gặp khó khăn.

Với số lượng thành viên hợp lý và các thành viên trong nhóm có năng lực khác nhau: giỏi, khá, trung bình, yếu và đa dạng về thành phần xuất thân, môi trường sống, nghĩa là thành phần nhóm gần giống với các thành phần xã hội thì tính hợp tác, chia sẻ được phát huy tốt hơn.

Để hình thành kỹ năng hoạt động học nhóm, giai đoạn đầu GV nên bắt đầu từ nhóm đôi. Khi HS đã có kinh nghiệm, kỹ năng nhất định sẽ tổ chức nhóm với số lượng nhiều hơn. Cũng nên cân nhắc đến việc cần có thời gian để từng HS thích ứng với các hoạt động nhóm.

Phân công trách nhiệm trong nhóm

Mỗi HS đều phải có trách nhiệm trong nhóm mình. Việc phân công trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhóm là do chính nhóm đề xuất và thống nhất.

Thông thường trong mỗi nhóm có các thành phần sau: trưởng nhóm: điều hành nhóm hoạt động; thư kí: tự ghi lại kết quả học cá nhân và sửa chữa bổ sung khi được các thành viên trong nhóm góp ý, thống nhất để làm tư liệu của nhóm.

Ngoài ra có thể phân công báo cáo viên là người sẽ trình bày trước lớp kết quả học tập của nhóm và người theo dõi về thời gian.

Các trách nhiệm nêu trên không phải là cố định mà phải được thay đổi luân phiên sau mỗi lần học nhóm hoặc thay đổi định kỳ do GV quy định.

Giao – nhận nhiệm vụ nhóm

Dựa vào nội dung học tập nêu trong SGK, nhiệm vụ của các nhóm có thể giống nhau hoặc khác nhau, phụ thuộc vào mục đích dạy học, nhưng việc giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm đều phải rõ ràng, ngắn gọn bằng hình thức dùng lời, viết lên bảng chính, bảng phụ các câu hỏi, bài tập, phiếu học tập…;

Hướng dẫn cách thức thực hiện, chuẩn bị các điều kiện, công cụ học tập (phiếu học cá nhân, vở ghi, vở nháp, bảng phấn, thước, bút, sách giáo khoa, tư liệu tham khảo, vật quan sát, thí nghiệm... ) đủ để các thành viên hiểu rõ về nhiệm vụ cụ thể của nhóm mình phải làm gì, làm trong thời gian bao lâu;

Nếu cần GV có thể giải thích thêm một vài từ ngữ, khái niệm… trong SGK, kiểm tra thử một vài thành viên xem các em có hiểu được nhiệm vụ được giao hay chưa.

Học cá nhân và học tương tác trong nhóm

TS Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Với bất cứ nội dung học tập nào, sau khi giao – nhận nhiệm vụ, luôn phải dành thời gian cho việc học cá nhân. Kết quả là mỗi thành viên đều ghi chép được một cách tóm tắt các kết quả như: trả lời câu hỏi, giải bài tập...

Việc chia sẻ trong nhóm được kết hợp, hoán đổi liên tục, xen lẫn với làm việc cá nhân để HS hoàn thành nhiệm vụ học tập như sau:

HS gặp khó khăn hỏi HS đã làm được bài hoặc hỏi GV để được hướng dẫn, giúp đỡ sau đó tự hoàn thành nhiệm vụ.

HS trao đổi kết quả làm việc cá nhân với nhau (đổi bài và đối chiếu, kiểm tra sản phẩm học tập hoặc nói cho nhau nghe những gì đã làm và kết quả; điều chỉnh, bổ sung, so sánh cách làm, kết quả).

Trong lúc HS học, GV theo dõi bao quát lớp nhưng chú ý nhiều hơn đến những HS hoặc những nhóm có hạn chế, phát hiện và hỗ trợ cho những cá nhân hoặc nhóm có khó khăn, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những lệch lạc của HS nhưng không làm thay HS; GV phải kiệm lời trong khi các em đang hoạt động nhóm.

Nếu cần, GV cho cả lớp dừng lại để tập trung chú ý nghe GV hướng dẫn thêm. GV cũng nên gợi ý các nhóm dành sự ưu tiên cho các bạn lâu nay ít được phát biểu, ít được đề đạt ý kiến được đưa ra câu hỏi trước hoặc câu trả lời trước nhất, với đáp án dễ nhất để các bạn này tự tin trong cả học cá nhân và tham gia vào hoạt động chung của nhóm.

Mọi HS cần hoàn thành nhiệm vụ học tập ở mức độ cố gắng cao nhất nhưng không nhất thiết phải đạt được mức độ hoàn thiện như nhau trước khi chuyển sang trao đổi cả nhóm, cả lớp.

GV không nên cứng nhắc chờ tất cả HS làm xong hết bài mới chuyển sang chia sẻ trong nhóm, trong lớp. Nhìn chung, không nên để HS trong mỗi nhóm và các nhóm phải ngồi chơi, chờ đợi nhau trước khi thảo luận chung.

GV cũng cần quan sát cả những biểu hiện về quan hệ giữa các HS trong cùng một nhóm để lựa lời góp ý với các em cách ứng xử phù hợp, nếu cần. Bảo đảm trong thảo luận không bao giờ được chỉ trích mà chỉ phân tích ý tưởng, suy nghĩ. Nói cách khác, không có sự phủ nhận trong tranh luận mà chỉ nêu những gì là hợp lí hay chưa hợp lí.

Báo cáo, trao đổi trong lớp

GV quy định thời lượng cho các báo cáo và thời lượng cả lớp thảo luận, góp ý hoàn thiện sản phẩm học, thời lượng để tất cả HS hoàn thiện phần ghi chép cá nhân.

Tuỳ theo nội dung và điều kiện thời gian, GV chọn đại diện của 1 nhóm, đại diện của một số nhóm hoặc đại diện của tất cả các nhóm lần lượt sử dụng tư liệu (kết quả học) của nhóm để lên trình bày, các HS khác lắng nghe, tranh luận, phản hồi (nêu ý kiến khác, điều chỉnh ý kiến, hỏi thêm, bổ sung ý kiến, mở rộng ý kiến,…). Từ đó tự điều chỉnh, hoàn thành thêm nhiệm vụ học tập cá nhân.

GV có thể tham gia cùng với HS trong vai người chia sẻ, khơi gợi, định hướng,… Cuối cùng, nếu cần thiết, GV chia sẻ ý kiến, chuẩn hóa kiến thức, kĩ năng, kết luận, củng cố,… HS tiếp thu để hoàn thiện nhiệm vụ/sản phẩm học cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ