SGK THM dựa trên lí thuyết tâm lí học nhận thức và lí luận PPDH hiện đại
TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết: SGK cần được biên soạn thế nào để hỗ trợ đồng thời cho cả GV và HS trong quá trình dạy học (hoạt động dạy và hoạt động học tương tác thường xuyên và gắn bó). Điều này phụ thuộc vào cách xử lý mối quan hệ giữa cơ chế chuyển tải nội dung dạy học với các hoạt động dạy học.
Về mặt này, có hai mô hình SGK điển hình là:
SGK mô hình thuyết trình: Mỗi bài học trong SGK được trình bày dưới dạng một văn bản thuyết trình hoàn chỉnh, cuối bài có câu hỏi hoặc bài tập để hình thành, củng cố, vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng; hoạt động dạy được hướng dẫn trong sách GV (SGV); hoạt động học diễn ra như thế nào đều phụ thuộc vào hoạt động dạy.
SGK mô hình thuyết trình hỗ trợ được rất ít cho yêu cầu hoạt động hoá người học. Đây là mô hình phổ biến của SGK truyền thống bậc trung học ở nước ta và nước ngoài; ở cấp tiểu học, mô hình thuyết trình ít phổ biến hơn.
SGK mô hình hoạt động (SGKMHHĐ): Đây chính là mô hình SGK đổi mới. Mỗi bài học trong SGK được trình bày dưới dạng một kịch bản hoạt động; trong đó có phần hướng dẫn hoạt động của GV và HS; có phần trình bày kiến thức và phần luyện tập củng cố, vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Muốn hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy học thì SGK phải được viết theo mô hình hoạt động. Trên thực tế, với những SGKMHHĐ khác nhau thì mức độ hoạt động (hỗ trợ vận dụng PPDH tích cực) cũng khác nhau.
Một số cuốn SGK của Chương trình cải cách giáo dục năm 1979 ở nước ta đã được biên soạn theo mô hình này nhưng những hướng dẫn chi tiết về hoạt động dạy được trình bày trong SGV, sự đổi mới chưa thật rõ nét.
Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE - VNEN, năm 2011 − 2016) đã biên soạn và triển khai thử nghiệm bộ SGK theo mô hình hoạt động cho 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở. Vì là SGK thử nghiệm nên được gọi là tài liệu “Hướng dẫn học…”.
Có thể nói, ở Việt Nam hiện nay, bộ SGK này đã thể hiện rõ nhất các đặc trưng của SGKMHHĐ. Đối với mỗi bài học thuộc loại bài kiến thức mới, SGK của dự án (SGK THM) hướng dẫn HS tự học theo một phương pháp chủ đạo, mang các đặc điểm của PPDH tích cực.
SGK THM không cung cấp sẵn kiến thức mà hướng dẫn các hoạt động học tập tích cực để tìm tòi kiến thức. HS chủ động học cá nhân và học tương tác với bạn theo hướng dẫn của SGK THM, dưới sự theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ và kiểm soát kết quả của GV đứng lớp.
Theo đó, HS được học với 2 người thầy là GV trên lớp và tác giả của SGK. Cùng với SGK THM, HS và GV cũng được khuyến khích sử dụng các tư liệu (phương tiện) dạy học khác như: sách tham khảo, đồ dùng dạy học, internet…
Các nhà sư phạm đều thống nhất rằng: để dạy cho HS chủ động, biết tự học và hình thành phong cách suy nghĩ và làm việc khoa học thì quá trình dạy học phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu và thuật ngữ khoa học, quá trình lĩnh hội kiến thức phải được diễn ra theo logic của hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Thực tế cho thấy, các PPDH (hay mô hình PPDH) tích cực đều diễn ra theo đúng logic của quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, chú ý huy động tri thức, sự trải nghiệm của HS; các phương pháp đó chỉ khác nhau về sự đi sâu vào (hay ưu tiên) áp dụng những hoạt động nào, các kĩ thuật dạy học nào trong quy trình hoạt động học. PPDH kiến thức mới trong THM cũng tuân theo tính quy luật này" - TS Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Cụ thể là mỗi bài học ở tiểu học đều thiết kế theo logic 3 nhóm hoạt động, ở THCS cũng theo logic đó nhưng tách thành 5 nhóm hoạt động; mỗi bài học lại có sự vận dụng linh hoạt để phù hợp nhất với đặc điểm của từng môn học và đặc điểm kiến thức của bài học.
SGK cần hướng dẫn để học sinh tự tìm tòi kiến thức
TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: SGK truyền thống đã cố gắng trình bày mỗi bài học tương ứng với một vấn đề; dù nội dung học tập có tính khó dễ, phức tạp khác nhau nhưng mỗi bài học đều được dành cho thời lượng tương ứng với một tiết học (35 phút ở tiểu học, 45 phút ở trung học) nên không thể dạy học theo đúng quy trình khoa học cho tất cả các bài.
Mặt khác, nội dung SGK chỉ chủ yếu là trình bày kiến thức, hầu như không có các hướng dẫn hoạt động học (vì được viết theo định hướng tiếp cận nội dung) và không chỉ ra được quy trình dạy học tương ứng với các PPDH tích cực.
Trong SGK THM, mỗi bài học giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề/chủ đề, thời lượng dành cho mỗi bài học phụ thuộc vào đặc điểm (độ dài, độ khó…) của vấn đề cần giải quyết, được tác giả SGK dự kiến nhưng do GV quyết định, nhằm bảo đảm cho mỗi bài học kiến thức mới đều có thể thực hiện theo quy trình của PPDH tích cực;
SGK THM không cung cấp kiến thức ở dạng có sẵn mà hướng dẫn để HS tự học (học cá nhân phối hợp học tương tác) để tìm tòi kiến thức.
Quy trình hoạt động học tập mỗi bài đều theo 5 nhóm các hoạt động học nhưng được thiết kế linh hoạt và hình thành các bước hoạt động để phù hợp với đặc điểm môn học và đặc điểm của nội dung trong từng bài; ở mỗi cấp học, HS có tâm lí lứa tuổi và trình độ nhận thức khác nhau, mức độ đạt được kiến thức và kĩ năng cũng khác nhau, do đó các hoạt động cũng được thiết kế khác nhau, phù hợp với mỗi cấp học.
Mặt khác, tính sư phạm và sự thống nhất còn thể hiện ở chỗ: trong mỗi nhóm hoạt động thường có các hoạt động thành phần, mỗi hoạt động thành phần nói chung đều phải qua 4 hành động và sẽ hình thành được một sản phẩm học:
HS tiếp nhận nhiệm vụ học tập, nhận biết vấn đề cần giải quyết (yêu cầu, câu hỏi do SGK hoặc GV đặt ra); HS học cá nhân (suy nghĩ, quan sát, thí nghiệm…) để giải quyết vấn đề, ghi kết quả (sản phẩm học) vào vở theo cách riêng của cá nhân, trong khi học cá nhân HS có thể hỏi bạn, hỏi GV về những vấn đề khó; HS trao đổi kết quả học với nhau hoặc với GV (để bổ sung, chính xác hoá kết quả học cá nhân); HS hoàn thiện sản phẩm học cá nhân.
Trong suốt quá trình đó, nếu gặp phải vấn đề khó và kết quả học của HS không như mong muốn thì GV gợi ý, hướng dẫn để HS (hoặc tập thể nhóm, lớp HS) suy nghĩ đúng hướng và giải quyết được vấn đề.
TS Nguyễn Vinh Hiển