Bứt phá dạy Ngữ văn từ đâu?

GD&TĐ - Những năm qua, dạy - học văn từng bước thay đổi theo hướng phát huy tối đa năng lực người học. Đó là sự mạnh dạn, làm khác đi của cả giáo viên lẫn học sinh trong mỗi giờ văn.

Em Phạm Thị Trà Mi giành á khoa khối C toàn quốc sau thất bại tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Em Phạm Thị Trà Mi giành á khoa khối C toàn quốc sau thất bại tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Có được điều này, không chỉ chương trình, cách đánh giá và dạy văn thay đổi, mà bản thân mỗi thầy cô, học trò cần xác định rõ mục tiêu để có phương pháp dạy - học phù hợp. Qua đó hình thành cho học sinh không chỉ kiến thức nền tảng, mà còn là kỹ năng, phương pháp tư duy, giá trị sống để các em tiếp tục vận dụng trong tương lai.

Cô tâm huyết mới có trò yêu Văn

Lớp 12D1 năm học 2021 - 2022 là khóa có thành tích môn Ngữ văn cao nhất mà cô Hoàng Thùy Dương (Trường THPT Anh Sơn 1, huyện Anh Sơn, Nghệ An) phụ trách bồi dưỡng, ôn thi. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cả lớp có 44 học sinh, thì có 6 em đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn. Các thành viên còn lại trong lớp có 11 em đạt 9,5 điểm; 9 em đạt 9,25 điểm; 14 em đạt 9 điểm; 3 em đạt 8,75 điểm và 1 em đạt 8,5 điểm. Tính bình quân điểm môn Văn lớp 12D1 của Trường THPT Anh Sơn 1 đạt 9,25 điểm.

Theo cô Thùy Dương, học sinh ở khu vực miền núi, xa trung tâm nên hầu hết không học thêm ngoài mà chỉ ôn thi với thầy cô ở trường. Dù trực tiếp đứng lớp, hay qua buổi học online, cô trò đều tương tác với nhau sôi nổi. Các em còn chủ động đề nghị cô ra đề thật nhiều. Có vấn đề gì không hiểu, hoặc làm sai, không đúng trọng tâm, cô sẽ điều chỉnh ngay để các em nhớ.

Khi được giao nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Thùy Dương không “dạy tủ, học tủ” cho học sinh, mà dạy toàn bộ kiến thức, chương trình học trong SGK. Song song đó là rèn luyện kỹ năng làm bài qua từng lần kiểm tra, thi thử.

Gần 25 năm gắn bó với nghề, tham gia ôn thi cho học sinh đại trà lẫn bồi dưỡng học sinh giỏi, chấm thi giáo viên giỏi, cô Dương chia sẻ, môn Ngữ văn không chỉ cần kiến thức, kỹ năng, mà còn là khả năng cảm thụ văn chương. Mỗi em có một thế mạnh, năng lực riêng.

Chỉ cần học sinh yêu văn, đưa những giá trị học được từ môn Văn vào cuộc sống, là thành công của người làm thầy. Muốn làm được điều đó, giáo viên luôn sáng tạo, có phương pháp tiếp cận với từng lớp, học sinh. Ngay khi các em bước vào năm học lớp 10, cô đã truyền cảm hứng học văn cho trò qua những bài giảng, vận dụng, liên hệ, kết nối với kiến thức xã hội, thời sự.

Trong quá trình giảng dạy, cô cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng để tổng hợp lại và thuyết trình bài làm của nhóm. Nhằm tạo thêm hứng thú cho học sinh đối với môn Văn, ngoài truyền thụ kiến thức, cô còn đổi mới bằng những tiết học trải nghiệm, sân khấu hóa… Qua đó, giúp các em không áp lực khi học, mà hào hứng, thoải mái hơn.

Cô cũng không làm mẫu, thay vào đó là đưa ra gợi ý, chỉ dẫn để học sinh trên nền tảng kiến thức đã có để phân tích, bình luận, đưa ra suy nghĩ, cảm nhận của mình. Đồng thời đặt câu hỏi gợi mở, liên hệ để các em biết vận dụng vào cuộc sống.

Những nỗ lực đó của cả cô lẫn trò đã đem về quả ngọt, điểm Ngữ văn trung bình của lớp 12D1 nằm tốp cao nhất tỉnh Nghệ An. Nhưng theo cô Thùy Dương, điều quan trọng hơn là các em được bồi đắp những cảm xúc tốt đẹp, kiến thức, kỹ năng nền tảng, và tiếp tục nuôi dưỡng trong tương lai.

Cô Hoàng Thùy Dương và học trò Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ảnh: NVCC

Cô Hoàng Thùy Dương và học trò Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ảnh: NVCC

Cú bứt phá của á khoa khối C toàn quốc

Phạm Thị Trà Mi (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) là thủ khoa khối C của tỉnh Nghệ An, và là á khoa toàn quốc với 29,5 điểm. Trong đó, Địa lý và Lịch sử cùng giành 10 điểm. Riêng môn Ngữ văn em đạt 9,5 điểm.

Trà Mi vốn là học sinh lớp chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Vì vậy, phần lớn thời gian trong 3 năm THPT của em đều dành cho môn học này với mục tiêu đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Em cũng được giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bồi dưỡng đánh giá cao, đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng kết quả em trượt học sinh giỏi quốc gia trong hụt hẫng, nuối tiếc.

“Đó là cú sốc lớn, nhất là trong thời điểm em đang học lớp 12 và chỉ còn hơn 3 tháng nữa là diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là tình huống tệ nhất mà học sinh chuyên như em gặp phải khi theo đội tuyển quốc gia. Nhưng thời gian đã đuổi sau lưng, em không thể buồn và chìm mãi vào thất bại. Em quyết định lên kế hoạch ôn tập tăng tốc cho kỳ thi quan trọng nhất của học sinh phổ thông”, nữ sinh tâm sự.

Trà Mi cho biết mình khá vất vả với môn Ngữ văn, bởi đây là môn tự luận duy nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng đây cũng là môn đem lại cho em cảm xúc thú vị khi được viết, được sáng tạo, thể hiện rõ nhất chính kiến, cảm xúc của bản thân. Kiến thức Ngữ văn lớp 12 khá rộng, ngoài ra còn đòi hỏi các kỹ năng về nhận biết, hành văn…

“Em xác định mình không thể học thuộc bài văn theo một khuôn mẫu nhất định. Cũng không thể chỉ nắm kiến thức để trả lời câu hỏi như thi trắc nghiệm. Thay vào đó, em phải biết phát triển từ dàn ý thành một bài văn hoàn cảnh. Em cũng đọc nhiều sách tham khảo và đọc các bài văn hay của các anh chị đi trước để tham khảo cách hành văn. Sau đó, em viết bằng tư duy, hiểu biết và cảm nhận của bản thân”, Trà Mi chia sẻ.

Với cách học như thế, Mi sẽ vận dụng được vào bất cứ câu hỏi, hoặc đề ra vào tác phẩm văn học nào, mà không làm mất đi sự sáng tạo, cảm xúc của bản thân đối với văn chương. Ở đề thi năm nay, Mi tâm đắc với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.

Còn câu làm văn, em đã tư duy khá logic, mạch lạc ở ý so sánh 2 hình ảnh con thuyền để rút ra ý nghĩa, mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Với 29,5 điểm khối C, Trà Mi trở thành á khoa khối C toàn quốc và đặc biệt hơn em cũng là thí sinh đạt điểm cao thứ 2 toàn tỉnh với 55,2 điểm 6 môn thi (Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ).

Trải qua kỳ thi với nhiều cảm xúc, nữ sinh xứ Nghệ cho biết, em thấy hạnh phúc vì cố gắng của mình cuối cùng đã đem lại quả ngọt. Giá trị của những bài học trong năm tháng THPT không chỉ là kiến thức, mà còn là hành trang, trải nghiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống, vượt qua khó khăn, thất bại để tiếp tục vươn lên. Trà Mi đã lựa chọn ngành Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc – ĐH Quốc gia Hà Nội và sẽ tiếp tục cố gắng để theo đuổi ngành học yêu thích và có cơ hội du học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ