Học ngành 'lỡ trúng tuyển': Loay hoay tìm lối rẽ

GD&TĐ - Sau thời gian học tập, nhiều tân sinh viên hụt hẫng với ngành học mình “lỡ trúng tuyển”.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG.

Trong tình huống trên, các chuyên gia khuyến cáo, sinh viên nên bình tĩnh, tránh “xôi hỏng, bỏng không”.

Mất phương hướng

Thay vì lên giảng đường học tập, Nguyễn Văn Nam ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) lại chạy xe ôm công nghệ. Nam là sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Trong khi các tân sinh viên hồ hởi đi khai giảng thì Nam thấy không thoải mái vì đó là ngành học không yêu thích. “Em đăng ký 2 nguyện vọng đầu vào ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng cả 2 nguyện vọng đều trượt. Em khá sốc và buồn chán vì đây là nguyện vọng mà em mơ ước”, Văn Nam kể.

Từ hôm nhập học đến nay, nam sinh luôn trong trạng thái chán nản, không có hứng thú học tập. “Em trốn học để chạy xe ôm công nghệ, vừa để khám phá phố phường Hà Nội, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống xa nhà. Em không biết có nên theo đuổi tiếp ngành học mình “lỡ trúng tuyển” hay không”, Văn Nam bộc bạch.

Hụt hẫng khi trượt các nguyện vọng vào các ngành sư phạm, Bùi Ngọc Huyền Trang ở TP Thái Bình (Thái Bình) trúng tuyển vào ngành học có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Đây là nguyện vọng “sơ cua” mà Huyền Trang đăng ký xét tuyển chỉ với mục đích chống trượt. “Lỡ trúng tuyển”, nữ sinh nhập học theo lời khuyên của gia đình. Tuy nhiên, Huyền Trang luôn trong trạng thái không có hứng thú học tập.

“Không hứng thú học tập nên môn học nào cũng thấy khó. Dù cố gắng “mở lòng” với ngành học nhưng em không thể nhồi nhét kiến thức vào đầu. Em bị sốc và cảm thấy mất phương hướng, không thể theo kịp các bạn trong lớp”, Huyền Trang trải lòng.

Khác với Nguyễn Văn Nam và Bùi Ngọc Huyền Trang, hoàn cảnh của Ốc Thị Quỳnh Anh, người dân tộc Khơ Mú ở huyện Tương Dương (Nghệ An) khiến nữ sinh này chọn ngã rẽ mới khi đang là sinh viên Trường ĐH Hà Nội.

Từ miền núi xa xôi, Quỳnh Anh đặt chân đến Hà Nội, hiện thực hóa giấc mơ học đại học. Mặc dù, chính sách ưu tiên dành cho sinh viên dân tộc thiểu số và hộ nghèo giúp Quỳnh Anh được miễn giảm 100% học phí, thế nhưng số tiền sinh hoạt phí vẫn là bài toán khó với nữ sinh này.

Vì thế, Quỳnh Anh tìm đến các trung tâm để đăng ký dạy gia sư, bán hàng vào các khung giờ trống trong tuần. Dù là học sinh giỏi khi còn là học sinh phổ thông, nhưng bước vào môi trường “chuyên ngữ” của Trường ĐH Hà Nội, nữ sinh không khỏi “sốc” về trình độ ngoại ngữ của các bạn trong lớp.

Khó khăn tiếp tục chồng chất khi Quỳnh Anh nhận được tin ông ngoại - chỗ dựa lớn nhất đã qua đời. Quỳnh Anh quyết định bảo lưu kết quả, tìm hướng đi khác. Trong thời gian bảo lưu, nữ sinh tìm kiếm các khóa học bổng ở trường khác. Bằng nỗ lực, năm 2024, nữ sinh Khơ Mú nhận được học bổng “Trái tim Sư tử” từ Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam và quyết định trở thành sinh viên ngành Quản trị marketing của trường này.

loay-hoay-tim-loi-re-2-1844.jpg
Ốc Thị Quỳnh Anh là người dân tộc Khơ Mú giành học bổng ‘Trái tim Sư tử’ trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Ảnh: TG

Bình tĩnh, không nóng vội

Thực tế cho thấy, việc phải học ngành không mong muốn khiến nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Có sinh viên xin thôi học, tìm hướng đi khác, hoặc ứng tuyển ở kỳ thi năm sau để đạt được nguyện vọng vào chuyên ngành yêu thích. Số khác chấp nhận tiếp tục học và quyết tâm lấy bằng cử nhân rồi tính tiếp.

Từng là thủ khoa Khoa Tài chính doanh nghiệp của Học viện Tài chính, Trần Thị Hồng Nhung khuyên tân sinh viên nên bình tĩnh, không nóng vội, vì đây mới là giai đoạn “nhập môn”.

Thay đó, các bạn nên dành thêm thời gian cho ngành học hiện tại để hiểu rõ hơn; từ đó đánh giá, xác định ngành học đó có phù hợp với mình hay không. Bởi, không phải tất cả những gì chúng ta cảm nhận và hình dung về ngành học ban đầu đều đúng. “Cố gắng tìm hiểu ngành đang học và tìm ra những ưu điểm của nó. Đó cũng là cách chuyển hóa cảm xúc từ buồn chán sang yêu thương”, Hồng Nhung bật mí.

Đừng vội thất vọng hay buông bỏ ngành học “lỡ trúng tuyển”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) khuyến nghị. Nếu sinh viên lỡ chọn sai ngành học cũng không phải là dấu chấm hết và càng không nên bi quan. Trường hợp sinh viên không thể chuyển ngành trong trường hay hệ thống các trường khác, các em có thể bảo lưu để “ứng thí” với khóa sau và bắt đầu lại.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, để thành công trong công việc, chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại 85% phụ thuộc vào thái độ và kỹ năng sống. Do vậy, thay vì chán nản vì nghĩ mình học nhầm ngành thì các em cố gắng học thật tốt ngành đó. Các em không nên suy nghĩ, việc lựa chọn ngành nghề là “đặt cược” với tương lai. Bởi lựa chọn ở thời điểm này có thể đúng, nhưng sau khi có thêm thông tin, các em lại thấy không hợp.

“Đừng nghĩ đó là bi kịch. Các em còn tuổi trẻ ở phía trước. Quan trọng là các bạn có chấp nhận sự thật hay không? Biết đâu, khi trải nghiệm rồi mới nhận ra, đây chính là ngành nghề có nhiều ưu điểm, giúp bản thân phát triển”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh trao đổi.

Nếu sinh viên không yêu thích chuyên ngành hiện tại, các em có thể cân nhắc chuyển ngành khác. PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) gợi mở, sinh viên có thể cân nhắc việc học song bằng.

Nếu học sang một ngành khác liên quan và thấy hứng thú, sinh viên sẽ tận dụng được sự liên thông giữa các ngành. Các em không phải học những môn đã được học ở ngành đầu tiên. Sau 5 năm, sinh viên sẽ có hai bằng đại học. Việc này đỡ lãng phí hơn bỏ ngang.

TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, Quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên chuyển ngành với điều kiện điểm GPA đạt chỉ tiêu và điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh đạt chuẩn đầu vào năm dự thi. Đối với sinh viên trường khác muốn vào Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), các em cần đảm bảo tiêu chí như điểm đầu vào, GPA học kỳ I cùng một số điều kiện khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ