Dùng môn Ngữ văn xét tuyển ngành Y 'sai một ly… đi nhiều dặm'?

GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2023 ghi nhận một số cơ sở giáo dục đại học đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y.

Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: ITN

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tính toán thật kỹ phương án này, đừng để “sai một ly… đi nhiều dặm”.

Lý giải của cơ sở đào tạo

Trong 4 tổ hợp xét tuyển vào Chương trình Bác sĩ Y khoa của Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) năm 2023, có tổ hợp D12 (Ngữ văn, Hóa học, Tiếng Anh). Hay như ngành Điều dưỡng của trường này có sử dụng tổ hợp C08: Ngữ văn, Hóa, Sinh để xét tuyển đầu vào.

Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để tuyển sinh, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) xét tuyển tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) đối với ngành Y khoa.

Ngoài việc giữ nguyên tổ hợp môn xét tuyển truyền thống Toán, Hóa, Sinh (B00) trong đào tạo ngành Y, năm nay Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) bổ sung môn Ngữ văn trong tổ hợp môn xét tuyển (A16) gồm: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh).

Lý giải việc sử dụng môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tổ hợp môn (A16) vẫn có các môn Lý, Hóa, Sinh nên bảo đảm yêu cầu kiến thức trọng tâm và nền tảng trong xét tuyển truyền thống của ngành Y; đồng thời, đáp ứng điều kiện cần và đủ để học tập và trở thành một bác sĩ y khoa.

TS Võ Thanh Hải phân tích thêm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các em được chọn 1 trong 2 bài thi: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Như vậy, việc Trường ĐH Duy Tân xét tuyển đầu vào ngành Y bằng tổ hợp A16, trong đó có môn Văn xuất phát từ việc đổi mới bài thi tốt nghiệp THPT, phù hợp với các văn bản, quy định của tuyển sinh đại học.

“Ngành Y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sẻ chia, khả năng giao tiếp và chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân. Các yêu cầu về giá trị nhân văn, đạo đức, kỹ năng đọc hiểu là không thể thiếu trong đào tạo Y khoa. Điều này đòi hỏi mỗi sinh viên cần có kiến thức vững chắc về Ngữ văn, nhằm áp dụng vào từng tình huống xử lý y khoa, đòi hỏi việc ra các quyết định nhân văn”, TS Võ Thanh Hải nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo TS Võ Thanh Hải, quá trình xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho thấy, trong ngành Y, ngoài yêu cầu giỏi về kiến thức, chuyên môn kỹ thuật, lâm sàng, cần hướng tới việc người hành nghề phải có khả năng truyền đạt, thuyết phục, giao tiếp tốt để đảm bảo tính chính xác trong công tác chẩn đoán và truy xét bệnh lý; đồng thời giữ thiện cảm, ổn định tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh năng lực đọc hiểu và phân tích tài liệu học thuật nhanh nhạy để tiếp thu các kiến thức Y khoa mới, sinh viên giỏi kiến thức văn học sẽ có nhiều lợi thế về tương tác trong giao tiếp.

Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân cho rằng, những thí sinh có điểm Văn cao (ngưỡng đảm bảo đầu vào ngành Y) là điều kiện thuận lợi để hình thành tính nhân văn và sẽ làm tốt công việc của ngành Y sau này. Do vậy, việc bổ sung thêm môn Văn vào xét tuyển cùng những điều kiện bảo đảm về môn Khoa học tự nhiên vẫn được giữ nguyên trong tổ hợp môn xét tuyển là điều kiện cần để mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành bác sĩ đa khoa hội đủ cả 3 yếu tố: Tâm - Tài - Đức.

Đồng thời, hướng đến việc đào tạo sinh viên ngành Y giỏi toàn diện, đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật và phẩm chất nhân văn vốn cần thiết trong lĩnh vực Khoa học sức khỏe.

Buổi học thực tế của sinh viên ngành Y Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: Website của trường

Buổi học thực tế của sinh viên ngành Y Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: Website của trường

Tránh xuất hiện “tổ hợp lạ”

Ủng hộ việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y có môn Văn, tuy nhiên PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh, 2 môn còn lại của tổ hợp xét tuyển phải thuộc khối Khoa học tự nhiên: Hoá, Sinh hoặc Toán, Sinh. Ngoài chuyên môn và khả năng khám chữa bệnh, rất cần năng lực tư vấn với mỗi bác sĩ. “Thực tế nhiều bác sĩ kỹ năng tư vấn kém do quen sử dụng các ngôn ngữ chuyên môn nên bệnh nhân nghe không hiểu”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nêu thực trạng.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương, một số cơ sở giáo dục đại học đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y là đổi mới, đột phá. Tuy nhiên, bất kỳ sự đột phá nào cũng tiềm ẩn rủi ro, cần quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh “trăm hoa đua nở”, xuất hiện nhiều “tổ hợp lạ” trong xét tuyển đầu vào ngành Y.

“Thông thường, học sinh học giỏi môn Sinh học sẽ học tốt Toán, Hoá. Những môn này có liên kết chặt chẽ với nhau và được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Do đó, việc các trường đưa thêm môn Văn vào tổ hợp Toán, Sinh, Văn hoặc Hoá, Sinh, Văn là có thể chấp nhận được”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ luôn lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Do vậy, Bộ đánh giá cao việc cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói chuyên môn của chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa… Đây là góc nhìn quan trọng đối với cơ quan hoạch định chính sách. Ngoài ra, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng trong việc chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học viện dẫn, Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ GD&ĐT có nêu, mỗi phương thức tuyển sinh mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng phải quy định rõ tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng, xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường. Trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm”, bà Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, chỉ những cơ sở giáo dục nào xét tuyển ngành Y không có môn Sinh mới đáng lo ngại. Trong đào tạo ngành Y, chất lượng sinh viên, chuyên môn là hai yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, để thận trọng hơn, các trường chỉ nên coi môn Văn là tiêu chí phụ khi xét tuyển hồ sơ đầu vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ