Thay vì giới hạn trong những tiết học với dữ liệu, con số khô khan, các em được tham gia chuyến tham quan thực tế tại di tích lịch sử, bảo tàng và địa điểm dã ngoại.
Hiểu sâu hơn cội nguồn
Đồng Nai - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đang tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử. Tại đây, thay vì chỉ tiếp cận kiến thức qua sách vở, học sinh được “chạm” vào lịch sử qua các chuyến tham quan bảo tàng, di tích.
Theo nhiều chuyên gia, hình thức này không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu hơn cội nguồn mà còn nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với quê hương. Học lịch sử tại bảo tàng, di tích biến mỗi buổi học thành một trải nghiệm sống động, khơi gợi hứng thú cho người học.
TS Lê Minh An - chuyên gia về phương pháp dạy học Lịch sử, nhấn mạnh: “Khi được tiếp xúc hiện vật, học sinh dễ hình dung bối cảnh xưa, có thể chạm tay vào dấu tích thời gian. Điều này giúp các em khắc sâu kiến thức, nâng cao tình yêu và niềm tự hào dân tộc”.
Trải nghiệm tại Bảo tàng Đồng Nai, em Lê Ngọc Lâm - học sinh lớp 11 Trường Tiểu học - THCS - THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Biên Hòa) như được du hành ngược thời gian. “Khi tận mắt thấy chiếc thuyền độc mộc hay hiện vật kháng chiến, em hiểu rõ hơn về đời sống gian khổ và tinh thần kiên cường của người xưa”, Ngọc Lâm chia sẻ.
Không chỉ riêng Ngọc Lâm, nhiều học sinh tỏ ra thích thú khi được tự do khám phá, tìm tòi. Qua những đồ vật xưa cũ, bức ảnh, thước phim tư liệu, các em cảm nhận lịch sử một cách gần gũi, sống động, thay vì học thụ động trong lớp học truyền thống.
Cô Phạm Thị Ngọc Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Biên Hòa), cho rằng: “Tham quan di tích, bảo tàng là cách giáo dục trực quan. Học sinh nhớ lâu, hiểu rõ hơn giá trị văn hóa - lịch sử, từ đó hình thành lòng yêu quê hương. Các em được trực tiếp quan sát hiện vật và trao đổi với chuyên gia, nên việc tiếp thu kiến thức trở nên hứng thú, tự nhiên”.
Tại Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai cùng nhiều di tích lịch sử khác như: Nhà lao Tân Hiệp, Di tích Nhà Xanh, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Miền Đông, Rừng Sác… trở thành “bảo tàng sống” thu hút đông đảo học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Trấn Biên, cho biết: Hình thức dạy học tại di tích giúp học sinh hình dung rõ hơn sự kiện, nhân vật. Các em nuôi dưỡng được niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với đất nước. Thầy Hùng bày tỏ niềm tin, với sự phát triển của hạ tầng, cơ hội tham quan thực tế sẽ ngày càng mở rộng cho học sinh những vùng xa xôi.
“Nếu mỗi học sinh có cơ hội “chạm” vào lịch sử và được truyền cảm hứng từ những câu chuyện hào hùng, thế hệ trẻ chắc chắn sẽ thêm quyết tâm dựng xây quê hương”, thầy Hùng chia sẻ.
Lớp học không bảng, phấn
Học lịch sử qua bảo tàng và di tích là phương pháp mang tính hiệu quả và nhân văn sâu sắc. Những chuyến đi thực tế đã giúp học sinh, sinh viên “sống” cùng lịch sử, thấu hiểu công lao to lớn của cha ông. Từ đó, các em dần hình thành ý thức trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.
Mô hình này cũng nhận được sự đánh giá cao từ các nhà quản lý du lịch. Anh Trần Văn Bình - hướng dẫn viên du lịch từng đồng hành cùng nhiều đoàn học sinh đến Bảo tàng Đồng Nai, chia sẻ: “Nhiều em tâm sự những chuyến đi này đã thay đổi cách nhìn nhận về môn Lịch sử, thêm yêu thích môn học. Điều quan trọng nhất là những trải nghiệm này khơi dậy ý thức “mình là hậu duệ”, cần trân quý và tiếp nối truyền thống hào hùng dân tộc”.
Bảo tàng Đồng Nai là điểm đến quan trọng trong các tour dành cho học sinh, sinh viên. Ông Nguyễn Thái Tường Vân - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan bày tỏ quan điểm và nhìn nhận: Khi tham quan những hiện vật có giá trị, các bạn trẻ càng hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, biết trân quý di sản để từ đó quảng bá quê hương hiệu quả hơn.
Tại Bảo tàng Đồng Nai, hai bảo vật quốc gia Qua đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu Bình Hòa được trưng bày trang trọng. Đây là bằng chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa Đồng Nai, cũng như quá trình giao lưu với các nền văn minh khác.
Ở góc độ nhà quản lý, bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết, sở khuyến khích các trường tăng cường hoạt động trải nghiệm, gắn việc học lịch sử với thực tế địa phương.
Đây là hướng đi phù hợp, giúp lớp trẻ thấm nhuần bài học về cội nguồn. Đồng Nai đã có những thành công trong việc đưa “bảo tàng sống” vào chương trình giáo dục, song còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh phí. Dù vậy, các trường, cơ quan văn hóa, doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương đang phối hợp để hỗ trợ. Nhiều dự án nâng cấp tuyến đường, cải thiện cơ sở vật chất tại di tích được triển khai.
Cô Phạm Thị Ngọc Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Bùi Thị Xuân (TP Biên Hòa) nhấn mạnh: “Di tích, bảo tàng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Học sinh không chỉ học lịch sử mà còn được rèn luyện kỹ năng quan sát, tổng hợp. Nhiều em tự tin trình bày, thuyết minh cho cả nhóm. Điều này cải thiện hiệu quả học tập môn Lịch sử, phát triển các kỹ năng mềm quan trọng cho học sinh”.