1. Trong những câu chuyện về phụ huynh hành hung, xúc phạm giáo viên, người bị tổn thương và thiệt thòi nhất, không ai khác, chính là con trẻ, khi người lớn là bố - mẹ lại có những hành vi ứng xử lệch chuẩn.
Cách đây 2 năm, dư luận bức xúc câu chuyện một phụ huynh ở Đà Nẵng đón con lúc tan trường, thấy “vết rách” trên mặt con, nghe con kể bị cô giáo đánh vì không chịu ngủ trưa, đã xông vào trường, tìm đánh cô giáo gây cảnh náo loạn. Đáng nói hơn, sau khi biết mình đánh nhầm một cô giáo khác, vị phụ huynh này vừa nhìn thấy cô giáo được cho là đánh con mình bước chân vào phòng Phó Hiệu trưởng liền ép cô giáo vào tường, dùng điện thoại quay vào mặt cô rồi sau đó tung clip lên mạng xã hội. Vụ việc sau đó đã được ngành GD&ĐT Đà Nẵng xử lý thấu tình đạt lý.
Cô Hiệu trưởng trong vụ giáo viên bị hành hung vì “vết rách” trên mặt con, khi tiếp xúc với báo chí, đã khóc vì cảm thấy rất day dứt và có lỗi do không bảo vệ được cán bộ, giáo viên, kể cả người có lỗi lẫn người không có lỗi. “Lâu nay, trong các phương án dự phòng, nhà trường chỉ có phương án bảo vệ, xử lý an toàn cho HS trong các tình huống như bắt cóc, cháy nổ… nhưng không lường trước được tình huống này để có phương án bảo vệ GV khi bị phụ huynh hành hung nên rất lúng túng khi có sự cố xảy ra.
Chị đồng nghiệp ở cơ quan tôi không giấu được bức xúc, khi kể lại câu chuyện ở lớp mẫu giáo của con: “Không thể hình dung được là phụ huynh lại có thể phản ứng với cô giáo ngay trước mặt con trẻ như thế này: ‘May mà hôm nay tao đón chứ ba nó đến đón thì hai đứa bây chết chắc’. Trẻ con chơi với nhau, cấu véo nhau là điều không tránh khỏi, cô giáo cũng đã thông báo và có lời xin lỗi với phụ huynh, mà cả hai bé đều cùng bị xây xước chứ có phải con một mình chị ấy bị cào cấu đâu”.
Có lẽ là không thừa khi trong một buổi họp phụ huynh, một giáo viên Tiểu học đã trò chuyện mà như phân bua với phụ huynh rằng “các em còn nhỏ lắm, mới lớp 2 thôi, nên lỡ con có bị bạn nào đó đạp vỡ hộp sữa thì phụ huynh cứ nói cho cô biết để cô cùng giải quyết, thay vì cha mẹ vào lớp để ‘điều tra’ ai là ‘thủ phạm’ phá đồ của con mình rồi thẳng tay cú đầu khiến các cháu hoảng sợ”.
Xung quanh câu chuyện về hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh, có không ít vị Hội trưởng can thiệp sâu vào hoạt động của nhà trường, từ các loại quỹ tự nguyện để trang bị ti vi, máy chiếu, máy điều hòa, thậm chí kể cả hoạt động chuyên môn. Khi không thể can thiệp được thì “cơm không lành, canh không ngọt”, gửi đơn cho báo chí.
Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An), nơi xảy ra sự việc đáng tiếc phụ huynh bắt cô giáo quỳ |
2. Cũng như vị Hiệu trưởng ở câu chuyện trên, chắc không mấy cán bộ quản lý các trường học nghĩ đến phương án xử trí khi giáo viên bị hành hung, bởi trường học từ trước đến nay được xem là một môi trường an toàn, văn hóa. Thế nhưng, làm sao có thể kiềm chế được những phụ huynh quá khích, nếu không muốn nói là “cá biệt”?
Thường đầu mỗi năm học, kết thúc học kỳ I và cuối năm học, nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh học sinh, như là một kênh để gặp gỡ, trao đổi giữa nhà trường, mà trực tiếp là giáo viên đứng lớp và phụ huynh. Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều đi dự đúng giờ. Bạn tôi, một phụ huynh trẻ, đi dự họp phụ huynh đã lấy làm bức xúc thay cho cô giáo, bởi nhiều phụ huynh có mặt rất muộn, và cứ cô giáo đang nói thì thỉnh thoảng lại có tiếng lẹt xẹt lê dép vào, và cũng chẳng ai trong số những phụ huynh đến muộn cất tiếng chào hay có một cái gật đầu gọi là.
Cô giáo, hình như cũng đã quen với việc đó, vẫn tiếp tục mạch câu chuyện đang trao đổi dở với những phụ huynh có mặt. Rất khó để giáo dục trẻ một khi phụ huynh không nề nếp, quy củ… Trường học, như gợi ý của một số cán bộ quản lý, có lẽ nên có những bản cam kết với phụ huynh về một số nội quy nhà trường, và được phép từ chối không nhận trẻ, nếu phụ huynh có những vi phạm ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Trong thời buổi mạng xã hội có sức ảnh hưởng đến chóng mặt, nhiều giáo viên chia sẻ rằng, trong dạy dỗ, uốn nắn học sinh, họ cũng chỉ chừng mực thôi chứ không dám “mạnh tay”, bởi cho dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp cho học sinh thì việc giáo viên áp dụng các hình phạt đối với học sinh cũng là một vấn đề nhạy cảm.
Và người thua thiệt trong câu chuyện này – nếu như có sự phản ứng từ phía phụ huynh – thường là giáo viên. Thế nên, rất cần thiết có sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu giữa phụ huynh và giáo viên. Việc một số trường học thực hiện giờ dạy mở, mời phụ huynh đến tham gia một tiết học cùng con hay một số hoạt động của nhà trường cũng là một kênh để phụ huynh thấu hiểu hơn những áp lực của giáo viên, hình dung được những hoạt động trên lớp của con…
Để tạo điều kiện cho những giáo viên mới về trường làm tốt công tác chủ nhiệm, việc đầu tiên mà Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm là cung cấp cho giáo viên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc điểm của phụ huynh… Ban giám hiệu cũng thường xuyên cập nhật các tình huống sư phạm để giáo viên học tập, rút kinh nghiệm bởi nếu giáo viên xử lý tình huống ở lớp không tốt thì rất dễ dẫn đến những phản ứng xấu từ phụ huynh.
Trước mỗi cuộc họp phụ huynh học sinh, ngoài thông báo nội dung sẽ phổ biến cho giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường cũng phải trao đổi kỹ với những giáo viên trẻ như là một cách để chia sẻ kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử các tình huống, giúp họ bớt áp lực khi tuổi nghề còn quá trẻ. Sự tiếp sức của Ban giám hiệu và bản lĩnh của chính mỗi giáo viên trong mỗi ứng xử sẽ góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo, nghề giáo.