Học kiềm chế cơn giận

GD&TĐ - Những phụ huynh thường xuyên nổi cơn thịnh nộ có thể tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia trị liệu. Bên cạnh đó, các lớp học quản lý cơn giận cũng có thể hữu ích.

Người xung quanh có thể chia sẻ để giúp đỡ trẻ. Ảnh minh hoạ
Người xung quanh có thể chia sẻ để giúp đỡ trẻ. Ảnh minh hoạ

Nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Susan Heitler - người từng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ) chia sẻ: Một độc giả tuổi teen tên Liz đã viết thư cho bà về hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nữ chuyên gia đã trích dẫn bức thư từ Liz:

“Tôi 16 tuổi và có hai anh chị em. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà với người mẹ mà tôi tin là rối loạn nhân cách ranh giới (BDP). Bố mẹ tôi ly hôn vì bố đã lừa dối mẹ. Bố nói rằng, ông quá mệt mỏi vì sự giận dữ thường xuyên của mẹ tôi.

Đôi khi, mẹ tôi đột ngột xin lỗi và mong được tha thứ sau cơn thịnh nộ. Tuy nhiên, tôi biết, bà sẽ lại nổi cơn thịnh nộ.

Khi còn học lớp 3, tôi được mẹ yêu cầu lấy thức ăn cho cún. Vì bên ngoài trời tối, tôi đã làm đổ thức ăn ra ngoài. Mẹ bắt đầu mắng, gọi tôi là đồ ngốc. Bà thậm chí tát tôi.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mẹ tôi có vấn đề với việc bị bỏ rơi. Mẹ liên tục gọi điện cho bố để biết ông đang làm gì, ở cùng ai. Sau khi họ ly hôn, anh em tôi thường xuyên gặp bố. Khi đi chơi cùng bố vào mùa hè, chúng tôi luôn sợ hãi việc phải trả lời các cuộc gọi của mẹ. Bởi, mỗi khi như vậy, mẹ luôn tức giận. Bà bắt đầu lăng mạ và gọi chúng tôi bằng những cái tên khủng khiếp. Mẹ hầu như không cho chúng tôi đi chơi với bạn bè. Bà tin rằng, họ đều là những người xấu”.

Khi có cha mẹ tức giận

Tiến sĩ Susan Heitler chia sẻ, mẹ của Liz là một trường hợp phổ biến của rối loạn nhân cách ranh giới. Đặc điểm của những người này là phản ứng cảm xúc quá mạnh. Giận dữ hiếm khi tự xuất hiện. Thay vào đó, giận dữ được kích hoạt bởi ai đó hoặc điều gì đó đã xảy ra, và sau đó hướng đến một mục tiêu cụ thể. Trong một gia đình có cả bố và mẹ, cơn giận có thể hướng đến vợ/chồng và/hoặc con. Tuy nhiên, khi những đứa trẻ sống với cha/mẹ đơn thân, con có xu hướng trở thành mục tiêu chính.

Cảm xúc mạnh mẽ thường dẫn đến lòng tự ái và không thể nghe thấy những lời quan tâm từ người khác. Giống như bất kỳ ai đang trải qua cơn giận, họ cảm thấy sự thịnh nộ là hoàn toàn chính đáng. Bởi, họ nhìn nhận tình hình theo quan điểm cá nhân.

“Mẹ của Liz có thể đã cá nhân hóa việc cô bé làm đổ thức ăn của cún, cho rằng sai lầm là một hành động nhằm làm tổn thương bà. Trong trường hợp này, cơn thịnh nộ với Liz là kết quả của cách nhìn thế giới đầy tự ái của một người mẹ”, chuyên gia này nhận định.

Ngoài ra, để đối phó với cảm xúc sợ hãi và tức giận, những người mắc BDP dễ dàng trở thành “con mồi” của chứng hoang tưởng. Họ tin rằng, người xung quanh đang gây tổn hại theo một cách nào đó. Theo bà Susan Heitler, mẹ của Liz là một người trưởng thành với trách nhiệm nuôi dạy con, nhưng không có sự đồng đều về mặt tình cảm để mang lại cho trẻ một ngôi nhà an toàn. Kết quả là, họ sống trong một ngôi nhà khó hiểu, đau đớn và không lành mạnh về mặt cảm xúc. Điều đó có thể gây ra những tổn thương lớn về mặt tinh thần cho những đứa trẻ trong gia đình.

Trẻ “mắc kẹt” trong nỗi đau khi cha mẹ thường xuyên tức giận. Ảnh minh hoạ.
Trẻ “mắc kẹt” trong nỗi đau khi cha mẹ thường xuyên tức giận. Ảnh minh hoạ. 

Cha mẹ tức giận cần làm gì?

Tiến sĩ Susan Heitler chia sẻ, những lời tâm sự tương tự của Liz sẽ mang lại hỗ trợ lớn. Bởi, khi đó, công chúng và các chuyên gia trị liệu sẽ ngày càng nhận thức được tác hại từ cha mẹ mắc chứng rối loạn tức giận gây ra cho con. Từ đó, họ sẽ lên tiếng và hỗ trợ trẻ.

“Tôi muốn khuyến khích bất cứ ai mắc chứng rối loạn tức giận, như mẹ của Liz, hãy tìm sự trợ giúp từ chuyên gia. Trái tim tôi hướng về bạn, vì bạn rõ ràng đang rất đau khổ. Bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn và cũng có thể sẽ mang lại tác động tích cực hơn đến con mình, khi tìm cách ngăn chặn cơn giận bùng phát. Các lớp học quản lý cơn tức giận có thể hữu ích cho những người mới bắt đầu. Ngoài ra, các nhà trị liệu sẽ thực hiện các kỹ thuật như Body Code (Mã cơ thể) và Emotion Code (Mã cảm xúc) để ngăn chặn xu hướng tức giận”, bà Heitler chia sẻ. 

Hành động từ người xung quanh

Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến cáo, nếu mọi người biết bất kỳ trẻ em hoặc thanh thiếu niên nào bị mắc kẹt trong một gia đình có cha mẹ giận dữ quá mức, hãy liên hệ với họ. Hành động đó sẽ truyền đạt tới trẻ rằng, có thể cô/cậu bé này là một người đáng mến và được mọi người xung quanh yêu quý. Thậm chí, mọi người cũng sẽ luôn mong muốn đối tốt với chúng. Ngay cả khi không bao giờ thảo luận về cơn giận của cha mẹ với đứa trẻ đó, việc liên hệ cũng có thể giúp ích.

Trong trường hợp cảm thấy có thể chia sẻ về cơn giận với trẻ, Tiến sĩ Susan Heitler khuyến khích, chúng ta có thể chia sẻ quan điểm rằng, khi tức giận, phụ huynh sẽ thốt ra những lời nói ác ý và sai sự thật.

“Hãy nhấn mạnh rằng, những từ đó không mô tả chính xác về đứa trẻ. Thậm chí, bạn có thể yêu cầu trẻ liệt kê những lời không đẹp mà cha mẹ chúng nói trong cơn tức giận. Như vậy, bạn có thể làm rõ rằng, những lời đó là không đúng sự thật. Nói thêm rằng, sự tức giận như một căn bệnh mà cha mẹ cũng như đứa trẻ mắc phải. Lời nói đó có thể giúp một đứa trẻ rất nhiều”, chuyên gia này gợi ý.

Song, nếu tình hình nghiêm trọng, cần liên hệ với các dịch vụ xã hội địa phương.

Ngoài ra, bà Susan Heitler kêu gọi, nếu các chuyên gia trị liệu làm việc với những phụ huynh mắc chứng rối loạn tức giận, hãy hỏi rõ ràng liệu họ có trút giận lên trẻ hay không.

“Như Liz mô tả, rõ ràng, việc để con tự đối phó với cha mẹ thường xuyên nổi cơn thịnh nộ là điều không công bằng. Trẻ em trong những hoàn cảnh này bị mắc kẹt với ít hoặc không có lựa chọn. Các chuyên gia trị liệu cá nhân làm việc với những người lớn như vậy có trách nhiệm bảo đảm rằng, con của họ nhận được sự trợ giúp cần thiết”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Psychology Today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ