Bố là người đã khiến cơn giận "như con sói" trỗi dậy trong con

GD&TĐ - Ở vào lứa tuổi teen, nhiều khi con cảm thấy xấu hổ vì không thể kiềm chế cơn tức giận trước mặt bạn bè. Nhiều đứa biết điểm yếu của con còn cố tình trêu tức con, để chúng cười cợt trước “cơn giận như con sói trong con trỗi dậy”. Bố có biết, chính con sói trong cơn giận của bố đã truyền và ngấm vào con từ bé.

Bố là người đã khiến cơn giận "như con sói" trỗi dậy trong con
Thế nên, giờ đây, khi bạn bè làm gì khiến con phật ý, dù vô tính hay hữu ý thì cũng khiến con giận sôi người. Lúc đó, con không thể giữ được bình tĩnh, con sẽ lao vào túm lấy cổ áo bạn, mặt đỏ phừng phừng và giơ nắm đấm về phía bạn.
Con biết, đánh bạn là hành động không nên nhưng con không thể kiểm soát được hành vi của mình. Với cách xử sự vô cùng nóng giận này, trong mắt các bạn, đặc biệt là các bạn gái, con trở thành một đứa trẻ “côn đồ, hung hãn”. Nhiều khi, con cảm thấy giận chính mình vì đã trở nên xấu xí trong mắt các bạn như vậy. 
Không tự nhiên con trở thành một cậu trai với những hành xử thô bạo như vậy. Bố có nhớ, suốt cả tuổi thơ con đến tận bây giờ, bố luôn dạy con bằng những cơn giận dữ.
Nếu con hư hỏng, con làm những điều tội lỗi hay gây ra hậu quả lớn, bố có thể trừng phạt con và con chấp nhận sự trừng phạt đó. Thế nhưng, ngay từ bé, dù con không làm điều gì sai, con chỉ hiếu động, nghịch ngợm một chút là mắt bố đã long lên sòng sọc, bố gầm thét đánh con như con đã phạm lỗi tày đình.
douglaskim_imasianamerican.jpg

Từ việc rất nhỏ thôi nhưng bố kèn kẹt với con suốt ngày. 4, 5 tuổi, con chưa biết gì nhiều nhưng bố đã thiết quân luật với con rất chặt chẽ. Chỉ cần con chạy ra sân chơi với các bạn mà quên xin phép bố, bố sẵn sàng tổng sỉ vả cho con bằng cơn nổi giận lôi đình. Yêu cầu của bố là con làm gì cũng phải được sự cho phép của bố mẹ, kể cả việc uống nước.

Không rửa tay trước khi ăn, thay vì nói nhẹ nhàng, bố gầm thét như con sói rồi rao giảng một bài dài về vệ sinh ăn uống. Tự tiện mở tivi xem phim hoạt hình, bố lồng lộn, dọa dẫm con. Với những việc “nhỏ như con kiến” như vậy, lẽ ra bố chỉ cần chỉ bảo con nhẹ nhàng, hay nghiêm khắc với một câu ngắn gọn “Không được!” thì con sẽ phải “tuân lệnh” bố. Thế nhưng, việc lẽ ra không phải lên gân lên cốt như thế mà bố vẫn gồng cơn giận dữ lên với con.

Chứng kiến cảnh bố dạy con, nhiều người rất xót xa cho con. Họ đã phân tích về cách dạy con phản khoa học của bố thế nhưng bố vẫn bảo thủ với cách dạy hà khắc của mình. Bố cho rằng, nếu không nghiêm khắc thì sau này con làm giặc, con hư hỏng. Từ bé, bố dạy con làm gì cũng phải xin phép, ngay từ những nhu cầu của con là uống nước, đi vệ sinh... để sau này con có thói quen xin phép mọi lúc mọi nơi, có như vậy bố mới dễ bề quản lý con được.

Chứng minh cho quan điểm của mình, bố bảo rằng ngày xưa cũng bị ông nội dạy như thế nên giờ mới “nên người”. Đấy bố thấy chưa, cơn giận dữ như những con sói ẩn náu trong người có tính di truyền. Chẳng thế mà bố và bác Dũng, 2 người đều không biết kiềm chế cảm xúc, đều có thói quen gầm rú, gào thét và đánh con như cơm bữa. Hầu như không ngày nào con và 2 anh chị nhà bác được yên bởi cách dạy dỗ mang tính di truyền như thế.

Tính di truyền ấy đã lan sang và ngấm vào máu con không phải bây giờ mà ngay từ lúc con còn nhỏ. Từ bé, không được đáp ứng, không hài lòng điều gì, con đều gồng người lên giận dữ. Không đánh mắng được ai, con ném đồ đạc tung tóe.

Giờ đây, ở tuổi dậy thì, con càng khó kiểm soát được cơn nóng giận. Bố vẫn không thôi dạy dỗ con bằng cơn giận dữ nên trước mặt bố, con chỉ biết nắm chặt hai tay đang run lên, còn sau lưng, con đập phá, xé sách vở, quần áo và vứt tung tóe trong phòng. Khi bị các bạn chọc giận, con không ngần ngại gây lộn bằng những hành động hung hãn mất kiểm soát.

Con sẽ cố gắng học cách kiềm chế cảm xúc dù con biết đây là việc không dễ dàng gì. Bởi điều mà con lo sợ là sau này con của con sẽ thừa hưởng gen di truyền không mấy tốt đẹp này, chúng sẽ có một tuổi thơ xấu xí, nhiều tổn thương.

Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ