Theo cô Phạm Thị Minh Nguyệt, đề tham khảo năm nay khá cơ bản, bám sát chương trình học nhưng vẫn có những câu hỏi để phân loại học sinh.
Cấu trúc đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (90%), lớp 11(10%) , đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa vừa đủ để các trường ĐH, CĐ lấy căn cứ để tuyển sinh. Cụ thể, lớp 11 tỉ lệ số câu học kì 1/học kì 2 = 1, lớp 12 tỉ lệ số câu học kì 1/học kì 2 = 1,77 (số lượng các câu hỏi của học kì 1 tăng lên)
Về độ khó, 70% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết – thông hiểu (chiếm 28 câu), kiến thức chủ yếu thuộc chương trình Vật lí 12, phủ đều cả 7 chương và 3 chương Điện tích – Điện trường; Dòng điện không đổi, Cảm ứng điện từ của Vật lí 11.
So với đề tham khảo lần 1, vùng câu hỏi này không có khác biệt về độ khó. So với các đề thi THPT quốc gia trước đây và đề tham khảo 2020 lần 1 thì vùng câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 có độ khó giảm.
10% các câu vận dụng cao vẫn thuộc chương Điện xoay chiều (2 câu), nằm trong phần kiến thức về mạch điện xoay chiều R, L, C có các thông số thay đổi, bài toán về truyền tải điện năng đi xa. Câu vận dụng cao thuộc chương Sóng cơ là một câu hỏi khá quen thuộc về xác định số cực đại cực tiểu trong giao thoa sóng. Câu hỏi vận dụng cao thuộc chương Dao động cơ là một câu về con lắc lò xo.
Từ phân tích đề tham khảo, cô Phạm Thị Minh Nguyệt lưu ý học sinh cần học tập trung, thật chắc các kiến thức cơ bản, không sa đà đào sâu vào các câu hỏi khó và phức tạp. Tập trung nhiều vào nội dung của học kì 1 lớp 12. Cần tích cực làm đề thi thử để tăng tính cọ xát, biết cách phân bố thời gian làm bài hợp lí và quen với cấu trúc đề thi.
Đối với những học sinh có nguyện vọng đạt được điểm 9, 10 học sinh phải thực sự có năng lực và nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập.