Hạnh phúc lớn nhất là được phụ huynh tin yêu

GD&TĐ - Tốt nghiệp trường sư phạm rồi gắn bó với “nghề trồng người” hơn ba mươi năm, cô Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) luôn tâm niệm phải có tình yêu và sự tận tâm với nghề thì người giáo viên mới có thể làm tròn vai của mình. Đặc biệt trên cương vị quản lý, người lãnh đạo còn phải biết thấu hiểu, chia sẻ và năng động trong mỗi công việc.

Hạnh phúc  lớn nhất  là được phụ huynh tin yêu

Tận tâm với nghề

Cô Trần Thị Minh Hồng tâm sự: Nghề của các cô giáo mầm non luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và tấm lòng nhân hậu. Đây là một công việc không hề giản đơn như mọi người thường nghĩ. Bởi cả quãng thời gian sáng, trưa tới chiều muộn các cô phải có mặt tại lớp, cùng học cùng chơi và chăm sóc trẻ.

Có lẽ những lúc dạy các con đọc thơ, hay hát múa là những giờ phút các cô giáo mầm non có vẻ được thanh thản nhất. Bởi ngoài việc dạy học, các cô còn phải chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cho các cháu.

Đặc biệt dạy trẻ ở lứa tuổi mầm non là dạy học theo phương pháp trực quan, nên mỗi hoạt động dạy trẻ đều phải có đồ dùng đẹp, mới mẻ mới thu hút được các con. Vì thế các cô giáo mầm non những lúc rảnh rỗi lại cặm cụi làm đồ dùng dạy học từ các nguyên vật liệu được sưu tầm như vỏ chai nhựa, hũ sữa chua, lá cây khô, vỏ sò ốc…

Chính vì bản thân từng trải qua những công việc của một giáo viên mầm non nên cô Trần Thị Minh Hồng luôn thấu hiểu và cảm thông với sự vất vả của những đồng nghiệp trẻ. Cô tận tình góp ý chỉ bảo cho họ từ công tác chuyên môn đến việc chăm sóc nuôi dạy các cháu như thế nào cho khoa học, hợp vệ sinh.

Dư luận xã hội nói chung và phụ huynh nói riêng thường đòi hỏi ở người giáo viên theo những chuẩn mực khắt khe hơn những nghề khác. Vì vậy các giáo viên mầm non luôn phải hoàn thiện mình từng ngày. Sự tin cậy của đồng nghiệp và niềm tin yêu của phụ huynh chính là động lực để cô luôn cố gắng trên cương vị người đứng đầu của nhà trường.

Làm tốt công tác vận động phụ huynh

“Điều kiện và ngân sách của địa phương chỉ có hạn, nhưng muốn tạo cho các con học sinh có được môi trường học tập tốt nhất mình phải năng động trong việc xã hội hóa giáo dục.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình - cô Hồng tâm sự - “Muốn làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trước hết nhà trường phải xây dựng được kế hoạch dựa trên thực tế điều kiện của trường. Tiếp theo đó, BGH cần làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo để nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía”.

Chính hiệu trưởng sẽ phải trình các cấp lãnh đạo địa phương văn bản của Bộ GD&ĐT quy định về thiết bị đồ dùng, đồ chơi, văn bản quy định về trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục, quy định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, văn bản quy định về công tác xã hội hóa...

Ngoài ra, nhà trường còn mời các đồng chí lãnh đạo đến tham quan trường lớp, tham quan cơ sở vật chất của nhà trường, dự một số hoạt động chăm sóc giáo dục các cháu, giờ dạy mẫu minh họa của giáo viên.

Từ đó giúp chính quyền địa phương hiểu rõ đặc thù của bậc học mầm non, tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ nguồn lực và đồng tình về quan điểm đầu tư cho công tác xã hội hóa giáo dục.

Song song với việc huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân, thì nhà trường rất cần sự chung lưng đồng hành của các phụ huynh. Một khi nhà trường luôn làm tốt công tác chăm sóc dạy dỗ trẻ thì sẽ nhận được sự tin cậy cũng như đóng góp tích cực của họ.

Trên phương diện này các giáo viên trực tiếp đứng lớp chính là “Cầu nối, là đầu mối giữa phụ huynh học sinh và nhà trường”. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần thường xuyên trao đổi bằng nhiều hình thức như: Trao đổi trực tiếp, trao đổi trong các ngày hội ngày tết, hội thi của trẻ, qua góc tuyên truyền, qua các giờ đón và trả trẻ.

Đặc biệt qua buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên ở các lớp làm tốt công tác động viên, để phụ huynh hiểu rõ và cùng đồng hành tạo điều kiện về cơ sở vật chất để nhà trường làm tốt hơn công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Cũng theo cô Trần Thị Minh Hồng muốn làm tốt công tác xã hội hóa trong giáo dục thì mỗi nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng.

Trên thực tế Trường Mầm non Hoa Sen, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã thực hiện việc tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Tổ chức Hội thi “Bé khỏe - Bé năng khiếu”, “Hội thi gia đình - nhà trường sức khỏe trẻ thơ”, “Hội thi an toàn giao thông”… Những việc làm tốt có hiệu quả của nhà trường sẽ luôn nhận được niềm tin cậy, sự đóng góp tích cực từ phụ huynh và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.